Một nhân viên đứng nhìn quang cảnh nhà máy lọc dầu Lukoil-Nizhegorodnefteorgsintez ở Nizhny Novgorod, Nga - Ảnh: CNBC/Getty |
“Không có gì mới cả. Đây chỉ là một phần khác của dòng thông tin đến từ Nga. Không có dấu hiệu nào cho thấy Saudi Arabia có mong muốn làm bất cứ điều gì”, ông Edward Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản toàn cầu của Citigroup, nhận định.
Nhiều hãng tin ngày 28/1 nói OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài nhóm này sẽ gặp để thảo luận việc cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, cũng có bản tin nói Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói Saudi Arabia đã đề xuất mỗi nước cắt giảm 5% sản lượng dầu để cứu giá.
Hãng tin Dow Jones sau đó dẫn lời một quan chức cấp cao từ vùng Vịnh nói Saudi Arabia không hề đề nghị Nga cắt giảm 5% sản lượng dầu. Vị quan chức này cũng nói đây chỉ là một đề xuất đã cũ từ Algeria và Venezuela.
“Tôi thực sự nghĩ những thông tin này là không có cơ sở. Tôi không kỳ vọng sẽ có bất kỳ cuộc đàm phán nào... Một lý do khiến tôi cho rằng người Saudi Arabia sẽ không đàm phán là bởi mục tiêu thực sự của họ là [hạ gục] các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ”, ông Chris Weafer, thành viên cấp cao công ty tư vấn Macro-Advisory có trụ sở ở Moscow, phát biểu.
“Trừ phi có thỏa thuận giữa hai bên, sẽ không có chuyện Nga hay Saudi Arabia cắt giảm sản lượng vì làm vậy sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất dầu đá phiến”, ông Weafer nói thêm.
Vị chuyên gia coi tuyên bố của ông Novak, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, là “một phát biểu ngẫu hứng, có thể nhằm mục đích tìm cách hỗ trợ giá dầu”.
Đầu giờ chiều ngày 29/1 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI tại New York và dầu Brent tại London cùng ở quanh ngưỡng 34 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng. Không chỉ được hỗ trợ bởi thông tin về Nga-OPEC có thể đàm phán, giá dầu còn đang được đẩy lên bởi động thái hạ lãi suất về dưới 0 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Từ năm ngoái, những đồn đoán về một cuộc họp khẩn cấp của OPEC đã nhiều lần rộ lên rồi lại chìm xuống. Tuy nhiên, tin đồn lại rộ lên trong tuần này về việc OPEC có thể sẽ thỏa thuận với các nước sản xuất dầu ngoài khối.
“Tôi cho rằng nguyên nhân dẫn tới những đồn đoán như vậy là do có nhiều thông tin cho thấy tình hình kinh tế ở các nước xuất khẩu dầu đang ngày càng trở nên khó khăn. Khi họ đã kịch chân tường thì đó có thể là lúc có thỏa thuận”, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu IHS Daniel Yergin nhận xét.
Theo ông Yergin, việc OPEC có sẵn sàng thỏa thuận hay không còn tùy thuộc vào việc Iran, một thành viên của khối, sẽ tăng xuất khẩu dầu tới mức nào. Mới đây, sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân, Iran tuyên bố sẽ nhanh chóng tăng sản lượng dầu thêm nửa triệu thùng/ngày. Chưa kể, nước này còn có 40 triệu thùng dầu đang cất giữ trong các bể chứa nổi ngoài biển.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng Saudi Arabia từng nói sẽ cắt giảm sản lượng dầu nếu các nước khác cũng giảm sản lượng. Tuy nhiên, Iran lại đang tiến tới tăng sản lượng dầu, và Iraq khó có thể hạ sản lượng “vàng đen” bởi mặt hàng này chiếm 95% thu ngân sách của Baghdad. Mới đây, Iraq tuyên bố tăng sản lượng dầu lên mức 4 triệu thùng/ngày.
“Saudi Arabia luôn nói sẽ không tự cắt giảm sản lượng một mình, mà sẽ chỉ cắt giảm nếu các nước xuất khẩu dầu lớn khác cũng làm như vậy. Họ sẽ không ‘chịu đòn’ thay cho người khác”, Yergin nói.
Nga và Saudi Arabia hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất và nhì thế giới. Trong đó, sản lượng dầu của Nga nhỉnh hơn so với Saudi Arabia một chút, ở mức 10,6 triệu thùng/ngày. Mỹ là nước đứng thứ ba, khai thác khoảng 9,2 triệu thùng/ngày vào tuần trước.
Hoạt động sản xuất dầu còn mạnh ở Mỹ là một lý do khiến tình trạng dư thừa nguồn cung dầu có thể duy trì trong thời gian tới.
Lượng dầu tồn kho của Mỹ hiện đã lên tới mức 1,2 tỷ thùng. Dù số giàn khoan dầu tại Mỹ đã bị cắt giảm mạnh, mức sản lượng khai thác của nước này đang cách không xa mức đỉnh 9,6 triệu thùng/ngày thiết lập hồi tháng 4/2015.
Theo một báo cáo của công ty Baker Hughes, số giàn khoan dầu ở Mỹ đã giảm xuống mức 510 giàn vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2010 và giảm khoảng 800 giàn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chuyên gia Weafer, ngành công nghiệp dầu lửa của Nga khó tham gia hay thực thi một thỏa thuận cắt giảm sản lượng, bởi có nhiều công ty lớn cùng hoạt động trong ngành này ở Nga.
Số liệu của ngân hàng Barclays cho thấy hơn 90% sản lượng dầu của Nga đến từ 7 nhà sản xuất chính, và hơn 90 công ty khác đóng góp phần sản lượng còn lại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.