Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình hình TTATGT trong các kỳ nghỉ lễ luôn phức tạp và số vụ TNGT cũng như số người thương vong thường tăng cao hơn so với ngày thường?
Các dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là trên các tuyến giao thông kết nối các đô thị lớn với khu vực nông thôn và các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, nhu cầu có thể gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Những du khách, những người về thăm quê đang từ một môi trường giao thông với kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, công tác thi hành pháp luật tương đối tốt ở các thành phố lớn chuyển sang môi trường giao thông mới lạ trong khi điều kiện về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, văn hoá giao thông, tuần tra kiểm soát ở nông thôn và ở các khu du lịch rõ ràng còn nhiều hạn chế so với các thành phố lớn.
Đặc biệt nguy hiểm là trong những ngày lễ, Tết, người dân có xu hướng sử dụng rượu bia nhiều và điều khiển phương tiện trong khi cơ thể có nồng độ cồn rất cao, không còn tỉnh táo, sáng suốt, dễ vi phạm về tốc độ, phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm.
Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến TNGT thường tăng cao trong dịp lễ, Tết.
Các quốc gia khác cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Như ở Thái Lan, trong 7 ngày tết Songkran năm 2015 ( từ 9-15/4/2015), xảy ra 3.373 vụ TNGT đường bộ, làm chết 364 người, trong đó vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân hàng đầu, tiếp theo là vi phạm tốc độ. Phương tiện liên quan đến TNGT chủ yếu là xe máy, chiếm 81,34%.
Vậy chúng ta phải làm gì để chấm dứt tình trạng cứ nghỉ lễ, Tết là số người chết vì TNGT tăng cao?
Theo chúng tôi, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch vận tải và tổ chức giao thông sát thực tiễn và tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Cần thông tin sớm, đầy đủ, chi tiết lịch trình, lộ trình, điểm đón, trả khách của phương tiện trên các tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến xe buýt cũng như có phương án tăng cường vận tải công cộng cho địa bàn nông thôn, các khu du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp lễ, Tết; có phương án bán vé thuận lợi cho người dân và quản lý việc niêm yết giá vé.
Đồng thời tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt là các điều kiện an toàn về phương tiện và người lái; kiên quyết đình chỉ phương tiện, người lái, doanh nghiệp không thực hiện quy định về ATGT.
Thứ hai: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và kiểm soát chặt chẽ chất lượng các dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm và phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cũng như mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải phục vụ dân sinh của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tăng cường duy tu, bảo trì và tổ chức giao thông thật tốt, bảo đảm điều kiện an toàn của các công trình đang khai thác.
Thứ ba, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, cương quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi có nguy cơ cao gây tai nạn như: chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người, đi sai phần đường, làn đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện…
Tập trung kiểm tra, xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngoài đô thị và khu vực nông thôn; tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ tại địa bàn có lễ hội.
Thứ tư, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kế hoạch vận tải và tổ chức giao thông sớm cho người dân, đặc biệt là nhóm dân cư có nhu cầu về quê đón Tết và đi du lịch trong nước. Chính quyền cơ sở tại địa bàn nông thôn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cần có kế hoạch chi tiết về công tác tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông trên địa bàn, cảnh báo các nguy cơ mất ATGT, cách thức sử dụng dịch vụ vận tải công cộng cho người dân về quê ăn Tết hoặc du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Thứ năm, Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, và ban ATGT các địa phương cần kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm ATGT phục vụ lễ, Tết trên các tuyến giao thông chính, tại các địa bàn có lượng cư dân vãng lai gia tăng trong các dịp này. Gắn trách nhiệm bảo đảm ATGT dịp lễ, Tết với người đứng đầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có hình thức phê bình, kỷ luật cũng như khen thưởng đích đáng.
Thứ sáu, các cơ quan, doanh nghiệp cần có phương án cho người lao động nghỉ phép bù vào những ngày nghỉ lễ. Người lao động vẫn có thể đi du lịch, về quê… dài ngày nhưng rải rác trong năm chứ không tập trung vào một vài kỳ nghỉ như hiện nay nữa.
Ủy ban ATGT Quốc gia có thông điệp gì gửi gắm đến người dân trong những kỳ nghỉ lễ?
Chúng tôi mong muốn mọi người, mọi nhà có kỳ nghỉ lễ an toàn và hạnh phúc. Chúng tôi đề nghị mỗi người, mỗi gia đình nên xây dựng kế hoạch đi nghỉ lễ, Tết thật chu đáo, đặc biệt là phương án giao thông.
Nếu sử dụng phương tiện công cộng thì nên sớm lựa chọn các hãng vận tải uy tín, đặt vé khứ hồi. Nếu sử dụng xe cá nhân thì nên tìm hiểu tuyến đường mình đi, những cung đường cần lưu ý về ATGT, nên kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi xuất phát. Đặc biệt, đã uống rượu bia thì nhất quyết không lái xe.
(Theo vietnamnet)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.