Trần Trương Minh Chánh là thủ khoa Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm nay. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trong lễ vinh danh thủ khoa năm học 2019-2020 do Đại học Đà Nẵng tổ chức tối 16/9, Trần Trương Minh Chánh (21 tuổi, trú quận Hải Châu) đạt điểm số cao nhất: Tiếng Anh 9,6; Toán 9,2, Lý 8,75. Em còn được cộng 2 điểm chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.
"Em đạt kết quả này là nhờ môi trường kỷ luật và sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em trong đơn vị. Đồng đội cùng phòng luôn hỗ trợ hết mình để em có thời gian học bài", Chánh nói.
Dáng người gầy cùng nước da cháy nắng, Chánh kể từng thất bại trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Năm đó, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Cảnh sát nhân dân; nguyện vọng 2 vào ngành Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) nhưng đều thiếu điểm.
Với 23,5 điểm, Chánh có thể vào học nhiều trường khác, nhưng cuối cùng đi lính nghĩa vụ công an vì "mỗi người đều có con đường riêng nhưng phải có trách nhiệm với Tổ quốc", và muốn "con người mình trưởng thành hơn".
Sau vài tháng huấn luyện, Chánh về làm việc tại Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an thành phố Đà Nẵng, đóng tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, sát bên trại giam. Hành trang ngoài vài bộ áo quần, Chánh mang theo nhiều sách ôn luyện đại học.
Công việc rất bận, em tranh thủ giờ nghỉ giữa ca và thức đêm ôn lại kiến thức, làm các bài tập khó. Đơn vị chưa có phòng học riêng, chàng trai tự học trên giường ngủ hay ở hội trường. Em cũng được tạo điều kiện lên mạng in tài liệu mang về. Hai năm liên tiếp ôn luyện, em quyết định thi lại đại học.
Lần này, Chánh không còn muốn học Công nghệ thông tin mà chuyển sang ngành Kỹ thuật cơ điện tử. Ngày nhận kết quả đầu tháng 8, Chánh vẫn đang ngồi trực ở đơn vị. "Em mừng quá, gọi điện ngay về cho mẹ. Nhiều đêm sau đó em không thể ngủ được", Chánh kể.
Bà Trương Thị Hiếu (44 tuổi) nhận tin con trai thứ hai đậu thủ khoa khi đang bán bánh xèo ở chợ đầu mối Hòa Cường. Còn ông Trần Văn Chinh đang tất bật với công việc làm thuê ở xưởng mộc. "Nghe tin con đỗ thủ khoa, chồng tôi đã khóc", bà Hiếu nói.
Căn nhà cấp bốn của gia đình Chánh nằm cuối con hẻm trên đường Tiểu La, quận Hải Châu. Trước đây bốn thành viên sống trong căn nhà khang trang ở mặt tiền đường Bình An. Nhưng khi thấy hai con trai ham học, bà Hiếu bàn với chồng bán nhà chuyển vào hẻm ở để "có tiền chu cấp cho tụi nó", nhưng vẫn không thoát cảnh phải vay vốn sinh viên cho con đi đại học.
"Vợ chồng tôi dân lao động nhưng cứ thấy con học được là mừng. Cha mẹ còn sức thì còn lo. Mình nghèo, không có gia tài, chức quyền nên chỉ biết cho con cái chữ để sau này tồn tại với xã hội", bà Hiếu nói. Con trai cả sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược đã có công việc ổn định tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng.
Chánh cùng mẹ. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngồi bên mẹ, Chánh chốc chốc lại mỉm cười động viên. Chàng trai thừa nhận 12 năm đèn sách chỉ biết cặm cụi với sách vở, chưa đỡ đần được gì cho bố mẹ. Việc quyết định không học nguyện vọng 2 ba năm trước có một phần nguyên nhân vì thấy ba mẹ quá vất vả, "sẽ không gánh nổi nếu hai anh em cùng đi đại học".
Nói về quá trình học tập của mình, Chánh cho biết từ cấp 1 đến cấp 2 chỉ là học sinh khá. Khi thi vào lớp 10, em quyết tâm vào bằng được trường Phan Chu Chinh giàu truyền thống, dù quãng đường từ nhà đến lớp phải mất 20 phút đi xe máy. Lợi thế môn tiếng Anh, em lên mạng tìm đọc những tài liệu nước ngoài để bổ sung cho kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Trưởng thành từ quân ngũ, Chánh cho biết đi lính nghĩa vụ "không hề đáng sợ như nhiều người nghĩ", trái lại đó là môi trường tốt để rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần vì cộng đồng. "Vào đại học em sẽ tham gia các đoàn, hội để hoàn thiện thêm bản thân, giúp mình năng động và nhiệt tình hơn khi đi làm", Chánh nói.
PGS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng biểu dương các thủ khoa, á khoa, mong các em trở thành những ngọn hải đăng dẫn dắt phong trào học tập, rèn luyện của trường. "Tôi cảm ơn các bạn đã lựa chọn các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng để bắt đầu con đường sự nghiệp của mình", ông nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.