“Lính nhà đèn” giữ biển Trường Sa

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
30/05/2018 04:32

Ở Trường Sa, những ngọn hải đăng luôn đứng tách biệt một mình, ngoài sứ mệnh báo hiệu, dẫn dắt và chỉ lối cho những con tàu, còn góp phần quan trọng trong việc xác định chủ quyền và canh giữ biển đảo quê hương.

 

den transg
Hải đăng Song Tử Tây nhìn từ biển

 Thắp đèn giữa biển

Từ năm 1993, các trạm hải đăng chính thức được xây dựng ở quần đảo Trường Sa, khu vực có ý nghĩa quan trọng về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, quốc phòng - an ninh của nước ta. Với những người gác đèn ở biển Trường Sa mà tôi được gặp đều mang niềm tự hào: “Những ngọn hải đăng còn là cột mốc sống đánh dấu chủ quyền Việt Nam giữa biển khơi”. 9 ngọn hải đăng do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam xây dựng đã có mặt tại các đảo Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết. Để đèn luôn sáng, những người gác đèn phải cắm chốt ngày đêm dù bão tố, gió dông và mặc cho cái nắng, cái gió lẫn cái khó cứ bện lấy họ…

Sau 50 giờ lênh đênh trên biển cùng tàu tiếp tế Hải Đăng 05, đảo chìm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân tới là Đá Tây. Từ xa đã có thể nhận ra dáng vẻ sừng sững của ngọn hải đăng Đá Tây. Ngọn hải đăng này được xây dựng từ năm 1994, cao 26m, ánh sáng chớp trắng theo chu kỳ 10 giây/lần. Cũng giống như bao ngọn hải đăng khác, hải đăng Đá Tây có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng báo hiệu luồng tàu vào đảo tránh trú bão và cũng là tín hiệu để “dẫn đường” ngư dân khi đánh bắt trên biển. Khi chúng tôi đặt chân đến hải đăng này, những công nhân làm việc tại trạm đang bận rộn chuẩn bị cho bữa cơm trưa.

Tiếp chuyện chúng tôi là anh Trịnh Xuân Nguyên, 51 tuổi, trạm trưởng, người có thâm niên 21 năm thắp sáng đèn biển ở Trường Sa; anh  Trần Văn Nghĩa 10 năm ở đảo và anh Nguyễn Sỹ Quý, 29 tuổi, 4 năm thâm niên trong nghề. Họ mỗi người một quê, sống xa gia đình, vợ con, họ đùm bọc chăm sóc nhau bằng sự vụng về của cánh đàn ông. Họ thay phiên nhau trực nhật, làm cấp dưỡng, cơm nước, bảo dưỡng hải đăng…

Anh Trần Văn Tiến, công nhân trạm hải đăng Trường
Anh Trần Xuân Tiến, công nhân trạm hải đăng Trường Sa Lớn thực hiện vệ sinh bóng đèn, kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống điện... bảo đảm đèn luôn sáng

 

Mở đầu câu chuyện, với chất giọng Hải Phòng, anh Nguyên pha trò tếu táo: “Đối với các “đèn sĩ” thì trạm là nhà, đèn là bạn, đi tới đâu cũng chăm chút lo cho ngôi nhà của mình, còn đối với đèn thì phải quan tâm, chăm sóc cẩn thận như người thân”.

Chia sẻ thêm về cuộc sống ở đảo, các “lão tướng” cười: “Lính nhà đèn cũng như lính hải quân ở đảo trong muôn vàn khó khăn chung về nước ngọt, lương thực, thực phẩm (chỉ 5 lần tiếp tế/năm) phải sáng tạo mọi thứ để tự cung tự cấp. Ngoài công tác chuyên môn, lính nhà đèn rất khéo tay trong việc chăn nuôi lợn, gà và trồng rau xanh cải thiện đời sống”.

Sự vất vả, hy sinh thầm lặng là vậy, nhưng thang bậc lương của anh Nguyên cũng như bao công nhân nhà đèn ở đảo cũng chỉ như đất liền, chưa được hưởng theo chế độ đặc biệt (chỉ có thêm 30% mức lương chính). 9 tháng họ được về thăm nhà một lần (được nghỉ 3 tháng bù phép; nếu nghỉ thêm 3 tháng nữa thì không có lương). Nhiều người khi bố mẹ mất cũng không kịp về quê chịu tang. Bộ đội sau một năm hết nghĩa vụ là được trở về đất liền, còn những người gác đèn làm công việc này không thời hạn, cho đến lúc nghỉ hưu. Như trường hợp của công nhân Nguyễn Sỹ Quý (sinh năm 1989, quê Thái Bình) công tác tại trạm hải đăng Đá Tây lấy vợ được 3 năm, có với nhau hai mặt con nhưng theo nhẩm tính của anh thì vợ chồng chỉ ở vẻn vẹn với nhau được 270 ngày trong thời gian 3 năm.

 Bóng người nhỏ trên biển lớn

Nằm ở hướng Bắc, nơi bão đi qua nhiều nhất, ngọn hải đăng Song Tử Tây sừng sững cao 36m so với mặt nước biển rất kiên cố. Trạm trưởng Vũ Sỹ Lưu vẫn còn in sâu trong ký ức: “Cơn bão số 13 năm 2017 bất ngờ ập vào. Bão phá vỡ kính, thổi bay hết 30 bảng năng lượng mặt trời, đánh bật các cột bê tông chằng dây thép. Rồi có những năm bão lớn, sét đánh cháy đèn, cháy luôn bộ bình ắc quy. Thay thiết bị dự phòng, toàn trạm tiếp tục chạy trong mưa bão khắc phục sự cố. Chỉ một phút đèn hải đăng không thắp sáng sẽ ảnh hưởng đến an toàn di chuyển của tàu, thuyền”.

Khi trèo lên ngọn hải đăng Song Tử Tây, chúng tôi đếm được tất cả 126 bậc thang, vừa trèo vừa thở, trèo đến giữa chừng phải dừng lại để nghỉ. Vậy mà mỗi ngày, anh Lưu và đồng nghiệp của mình phải trèo lên trèo xuống từ 4 - 10 lần, những hôm có chuyện bất trắc phải hội ý, có khi họ leo tới… 20 lần.

Không có dáng vẻ uy nghi như hải đăng Song Tử Tây nhưng khi ánh chiều vàng nhạt buông xuống mặt biển, ngọn hải đăng Trường Sa Lớn mang một vẻ nên thơ, thanh bình rất quyến rũ. Trạm trưởng Đặng Văn Thanh là người có thâm niên gần 20 năm trên đảo Trường Sa Lớn, gương mặt anh toát lên vẻ cứng rắn, điềm tĩnh.

Còn công nhân Trần Xuân Tiến, 27 tuổi, mới ra đảo được gần một năm. Tiến nói, từ ngày ra đảo thấy mình chín chắn, trưởng thành hơn. Hồi ở nhà với bố mẹ, em nghịch ngợm, ham chơi lắm. Khi chúng tôi nhắc tới chuyện lập gia đình, Tiến cười hiền lành: “Việc này em cũng chưa tính vì vẫn còn trẻ, hơn nữa em và bạn gái vừa quen nhau chưa kịp tìm hiểu người ta thì em đã lại đi rồi…”.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi im lìm của Tiến bên ngọn hải đăng ở Trường Sa Lớn. Ráng chiều buông trùm lên ngọn đèn biển giúp nó trở nên lung linh… Không biết người gác đèn trẻ tuổi đang nghĩ gì trong cái khoảnh khắc lắng lòng ấy? Tôi chỉ có một buổi chiều bên ngọn hải đăng đó để mà nhớ, để mà thấy nó thật nên thơ, lãng mạn. Nếu phải gắn bó đời mình với ngọn đèn biển, với những thiếu thốn cận kề hay những phút cô đơn, liệu tôi có đủ sức chịu đựng? thế mới thấy cảm phục tinh thần và sự cống hiến thầm lặng của những người gác đèn nơi đây.

Những ngày ở Trường Sa, ngọn đèn biển ở khu vực đảo Đá Lát khiến tôi day dứt nhiều nhất. Nó chỉ là một cái tháp bằng sắt cao khoảng 43m, lênh khênh, đứng chơ vơ giữa bốn bề mênh mông sóng nước. Đó là nơi khó khăn và hiểm trở nhất ở Trường Sa. Đèn biển trạm hải đăng này do Viện Thiết kế Giao thông (nay là Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT) thiết kế và thi công, hoàn thành tháng 6/1994. Đây là ngọn hải đăng cao nhất trong 9 hải đăng khu vực quần đảo Trường Sa. Hiện trạm hải đăng Đá Lát đã bị xuống cấp, nghiêng về một bên, khi giông tố đến, cả tháp đèn rung lắc như có động đất. Sự sống của anh em gác đèn lúc đó mong manh như sợi chỉ.

Theo Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Lát: “Bất kể gió bão, thời tiết xấu, chúng tôi vừa phải làm nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hải đăng vừa phải tự tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi gà, nuôi heo… Để một mầm xanh nhú lên hay một con gà, con heo có thể sống được là một cuộc chiến đấu cam go với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Không ít lần, anh em gác đèn biển phải vay lương thực của bộ đội để cầm cự qua ngày”.

Ở trạm đèn Đá Lát hay bất cứ trạm nào khác, các công nhân đều tranh thủ chút diện tích hiếm hoi để trồng rau tăng gia thêm. Nhìn vườn rau cải, rau húng, mồng tơi ở tầng lửng bên trong hải đăng khiến cho nhiều người phải trầm trồ. Gọi là vườn cho oai, chứ tính ra diện tích chưa được chục mét vuông. Rau được trồng trong những chậu nhựa nhỏ và được che chắn cẩn thận, chắc chắn bằng những tấm gỗ. Anh Xuân - một lính nhà đèn ở trạm Đá Lát bảo, chỉ cần một trận gió biển có khi hỏng cả vườn rau luôn nên cần phải che chắn kỹ càng. Để có chỗ rau này, anh em nhờ đất liền gửi hạt giống ra để gieo trồng rồi phải chăm bẵm kỹ lưỡng bởi thiếu nước ngọt cũng như khí hậu nắng nóng khắc nghiệt cùng gió biển đậm hơi muối nên rau rất khó sống.

Chia tay những ngọn hải đăng, những người lính nhà đèn, trong tôi chợt nhớ đến lời bài hát "Một đời người một rừng cây": "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai". Tôi thầm cảm phục "đèn sỹ"  luôn giành những gian khổ về mình  để giữ bình yên cho muôn người!

Ý kiến của bạn

Bình luận