Lộ diện địa phương bàn giao mặt bằng chậm nhất dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 27/09/2023 12:14

Đến nay, tình hình thu hồi đất phục vụ dự án Vành đai 3 TP.HCM ở các địa phương như sau: Long An (98%), TP.HCM (94%), Bình Dương (66%) và Đồng Nai (6%).

Dự án Vành đai 3 TP.HCM  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Sáng nay (27/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM cùng các địa phương có liên quan về tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm liên vùng.

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM - PV) cho biết, hiện nay các dự án thành phần của tuyến Vành đai 3 vẫn đang được đẩy nhanh.

Trên địa bàn TP.HCM, các nhà thầu đã tập kết nhân sự, thiết bị, vật tư phục vụ thi công các gói thầu XL3, XL6, XL8, XL9 và đang triển khai thi công các hạng mục tiếp theo. Các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM đang triển khai đúng tiến độ. Công tác GPMB vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra. 

Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp khó khăn về công tác huy động nguồn vật liệu. Theo khảo sát ban đầu, trữ lượng các mỏ cơ bản đáp ứng nhu cầu của dự án, nhưng trong thời gian qua, một số mỏ đã ngừng hoạt động, đồng thời các dự án cao tốc đồng loạt triển khai khiến nguồn cát khan hiếm. 

Dự án Vành đai 3 TP.HCM  - Ảnh 2.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM

UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các địa phương đăng ký làm việc về hỗ trợ, cam kết một phần khối lượng các mỏ tại địa phương cho dự án. Tuy nhiên, UBND các tỉnh chưa cam kết khối lượng có thể cung cấp cho dự án. Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền, chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Về công tác GPMB, đến nay tình hình thu hồi đất phục vụ dự án Vành đai 3 TP.HCM ở các địa phương như sau: Long An (98%), TPHCM (94%), Bình Dương (66%) và địa phương có tỷ lệ thu hồi đất thấp nhất là Đồng Nai (6%). 

Báo cáo về công tác GPMB, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đã thu hồi khoảng 4/65ha, đạt tỷ lệ 6,2%. Tại tỉnh Đồng Nai, dự án có 5 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu rà phá bom mìn đã thi công, hiện đang thực hiện lựa chọn nhà thầu xây lắp. 

Lý giải về nguyên nhân, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể, trong quá trình thực hiện công tác kê biên, đền bù chưa xác định được nguồn gốc đất của một số thửa đất. 

Về giải pháp khắc phục, Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các ngành của huyện Nhơn Trạch kiểm đếm hiện trạng tất cả các hộ dân còn lại, đồng thời phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác xác nhận nguồn gốc đất trong tháng 9/2023. 

Dự án Vành đai 3 TP.HCM  - Ảnh 3.

Công tác GPMB tại tỉnh Đồng Nai vẫn còn rất chậm

Bên cạnh việc GPMB, công tác lựa chọn nhà thầu ở tỉnh Đồng Nai cũng đang chậm so với kế hoạch đề ra. UBND tỉnh Đồng Nai chỉ ra nguyên nhân là do trong thời gian qua có sự thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư. Cùng với đó, việc chậm hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án, dẫn đến chậm tiến độ các bước tiếp theo, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng cho biết, TP.HCM được giao nhiệm vụ điều phối dự án Vành đai 3. Các tỉnh, thành có dự án đi qua đã rất nỗ lực, tuy nhiên còn khó khăn về vật liệu, một vài gói thầu đang được hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật để có thể khởi công. 

"Các địa phương sẽ tập trung về công tác GPMB và tái định cư để giải quyết các điểm còn vướng về mặt bằng. Địa phương cũng khẳng định các khu tái định cư sẽ thực hiện kiểu mẫu, để người dân có nơi ở mới luôn tốt hơn", ông Cường thông tin.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn hoan nghênh TP.HCM cùng các tỉnh Long An, Bình Dương về công tác GPMB. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương cần tập trung triển khai công việc, không để xảy ra sự chênh lệch về tiến độ.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị hai tỉnh Long An và TP.HCM phải tập trung thi công đường công vụ để có thể kết nối giữa các dự án với nhau. Do đó, Ban QLDA và các nhà thầu phải ưu tiên cho hạng mục này.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, hiện nay vấn đề vật liệu còn khó khăn, do đó các nhà thầu phải chủ động tìm kiếm mỏ vật liệu, dự tính các trường hợp khác để tránh phát sinh về tăng giá, không huy động được vật liệu thi công, từ đó làm chậm tiến độ dự án. 

Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần quan tâm hơn đến công tác GPMB để tiến độ dự án được đồng bộ, hiệu quả. Các địa phương cần báo cáo về tình hình di dời hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh công tác này nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án về sau.