LTS: Tính đến nay, sau gần 4 tháng Sở GTVT Hà Nội công bố lệnh “khai tử” bến xe Lương Yên và thực hiện kế hoạch điều chuyển các tuyến vận tải từ bến xe này về các bến xe khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó điều chuyển 43 chuyến xe/ngày chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội). Theo đánh giá, việc điều chuyển này là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính điêu đứng, mấp mé bên bờ vực phá sản do hoạt động chồng chéo, bị “luật rừng” và xã hội đen đè nén, và kịch bản “vỡ trận” tuyến Hải Phòng – Hà Nội tại bến xe Yên Nghĩa là tất yếu!?
Bài 1: Nguy cơ "vỡ trận" tuyến vận tải khách Hải Phòng - Hà Nội
Tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội đang "đổ máu", liệu các cơ quan chức năng có hay biết? |
Ngày 27/7 vừa qua, bến xe khách Lương Yên chính thức đóng cửa sau nhiều năm hoạt động tạm. Hơn 40 chuyến xe khách tuyến Hải Phòng – Hà Nội được điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa trước sự phản đối kịch của dư luận xã hội.
Để đưa ra được quyết định này, Sở GTVT Hà Nội báo cáo với UBND TP Hà Nội về thời hạn đóng cửa bến xe Lương Yên và dự kiến xây dựng 2 phương án di dời xe khách. Trong đó, tiêu chí lựa chọn của Sở GTVT Hà Nội đưa ra theo báo cáo 800/BC-SGTVT là: Lựa chọn các bến xe còn khả năng tiếp nhận; Tuyến sau khi điều chuyển được bố trí tại bến xe gần bến xe Lương Yên nhất; Lựa chọn bến xe gần bến xe Lương Yên nhất để hành khách đi lại được thuận tiện, giảm thiểu xáo trộn đi lại của người dân…
Ngoài ra, theo nguyên tắc sắp xếp các tuyến vào các bến xe theo thứ tự ưu tiên về khoảng cách từ bến xe đó đến bến xe Lương Yên gần nhất (Gia Lâm đến Lương Yên:5,8km; Nước ngầm đến Lương Yên: 8km; Yên Nghĩa đến Lương Yên là 16Km). Khi chọn tuyến điều chuyển sẽ chọn ưu tiên các tuyến thuộc tỉnh, thành phố có lượt xe xuất bến 1 ngày từ lớn đến bé. Tổng số chuyến xe tiếp nhận của mối bến xe không vượt quá khả năng tiếp nhận thêm của bến xe đó và có ý kiến đồng thuận việc tiếp nhận của các bến…
Tình trạng xe dù, bến cóc xuất hiện tại tuyến Hà Nội - Hải Phòng |
Đồng thời, các tuyến từ bến xe Lương Yên sang bến xe tiếp nhận phải thỏa mãn đồng thời các tiêu chí: Ưu tiên bố trí các chuyến xe đang khai thác của đơn vị vận tải tại các bến xe tiếp nhận để đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh của đơn vị vận tải; Việc bố trí giờ xuất bến tại bến xe tiếp nhận đảm bảo phù hợp với thực trạng của bến xe đó, đồng thời đảm bảo hợp lý đối với giờ xuất bến tại bến xe Lương Yên…
Như vậy, với 5 tiêu chí và 7 nguyên tắc sắp xếp thì rõ ràng bến xe Yên Nghĩa đạt được tiêu chí thấp nhất nhưng Sở GTVT Hà Nội lại có quyết định điều chuyển đến 43 chuyến/ngày về Bến xe Yên Nghĩa. Như vậy, số chuyến này vượt xa quy hoạch định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định 4899/QĐ-BGTVT và trái ngược lại với những nguyên tắc “bất di bất dịch” được Sở này đưa ra.
“Cha chung không ai khóc”
Theo tính toán, lưu lượng vận tải tuyến Hải Phòng – Hà Nội năm 2014 là 374 chuyến/ngày, định hướng phát triển đến năm 2020 là 507 chuyến/ngày (tăng 35,56% so với năm 2014) .
Như vậy, trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, các cơ quan quản lý nhà nước đã quy hoạch bổ sung tăng 55 chuyến xe/ngày từ Hải Phòng đi Bến xe Yên Nghĩa (tăng trên 80%) số chuyến xe khai thác tại bến xe Yên Nghĩa.
Tiếp đó, khi thực hiện kế hoạch điều chuyển các tuyến vận tải từ bến xe Lương Yên về các bến xe khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở GTVT tiếp tục điều chuyển thêm 43 chuyến xe/ngày chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa.
Như vậy, việc điều chỉnh tăng thêm 43 chuyến xe/ngày tuyến Hải Phòng – Hà Nội về bến xe Yên Nghĩa của Sở GTVT Hà Nội + 55 chuyến xe/ngày đã điều chỉnh quy hoạch thì số chuyến xe tăng thêm so với năm 2014 chỉ tính riêng cho bến xe Yên Nghĩa sẽ là 98 chuyến xe/ngày (tăng gần 150% so với năm 2014 tại thời điểm Quyết định 4899/QĐ-BGTVT có hiệu lực), đẩy số chuyến từ Hà Nội đi Hải Phòng là 164 chuyến/ngày (bình quân 4 phút/1 chuyến xe).
Xe dù, bến cóc "ăn" theo quyết định điều chuyển 43 chuyến xe/ngày về bến xe Yên Nghĩa của Sở GTVT Hà Nội để tồn tại |
Theo khảo sát của PV, hiện nay tỷ lệ % có khách tại bến xe Yên Nghĩa là rất thấp. Cụ thể, theo báo cáo của Bến xe Yên Nghĩa trong quý I/2016 tỷ lệ % có khách chỉ là 32%, tỉ lệ này lại tiếp tục giảm do tăng số chuyến xe chạy và nay chỉ đạt khoảng trên 20%.
Qua khảo sát cho thấy, kể từ khi Sở GTVT Hà Nội điều chuyển 43 chuyến xe/ áp về bến xe Yên Nghĩa thì tình trạng các xe xuất bến không có khách diễn ra thường xuyên, lặp lại ở các khung giờ trong ngày. Trong khi đó tình trạng cạnh trạnh không lành mạnh đang là vấn nạn gây nhức nhối cho dư luận xã hội, gây hoang mang và thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải hoạt đông tại bến xe này trong suốt thời gian vừa qua.
Trong nhiều cuộc họp và chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có nhiều doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Hải Phòng – Hà Nội với tần suất các xe xuất bến hàng ngày rất cao (hơn 400chuyến/ngày) dẫn đến tình trạng “ cung vượt quá cầu”.
Tại sao quyết định di dời 43 chuyến xe/ngày tuyến Hải Phòng – Hà Nội từ bến tạm Lương Yên về bến xe Yên Nghĩa vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ dư luận xã hội, khiến các doanh nghiệp vận tải bước vào cuộc thanh trừ lẫn nhau, phân chia địa bàn? Việc doanh nghiệp “Đ.X” xây dựng hệ thống xe dù, bến cóc xung quanh bến xe Yên Nghĩa nhằm giết chết các doanh nghiệp vận tải chân chính và một lúc “qua mặt” hàng loạt các cơ quan chức năng TP. Hà Nội còn tiếp diễn đến bao giờ?
Mời độc giả đón đọc kỳ sau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.