Phụ huynh tìm hiểu thông tin qua các trung tâm luyện thi tại Tp. Hồ Chí Minh không nhiều như các năm trước. |
Chúng tôi tìm đến những "điểm nóng" thường xuất hiện các trung tâm luyện thi "chui" như khu vực đường Chu Văn An, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), đường Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), tất cả đều im lìm. Tương tự, khu vực Quận 6 (đường Hậu Giang), quận Bình Tân (khu đường Tên Lửa), các trung tâm luyện thi cấp tốc cũng không bóng thí sinh luyện thi.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - người tham gia dạy và luyện thi tại Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn cho biết: "Mọi năm, trung tâm có 600-700 học sinh luyện thi, nhưng nay chỉ còn khoảng 300. Đa phần là các em học sinh đã tốt nghiệp THPT và luyện thi chủ yếu các tổ hợp toán, lý, hóa hay toán, hóa, sinh và toán, văn, Anh để thi vào các trường như Đại học (ĐH) Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, các trường thành viên ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh hay ĐH Ngoại thương".
Ông Phạm Công Danh, Giám đốc Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn cho biết, nguyên nhân dẫn đến các "lò" luyện thi ĐH vắng bóng sĩ tử là do đổi mới cách thi. Cụ thể, thứ nhất Bộ GD-ĐT đã gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ thành một kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy cách học, cách ôn luyện cũng được các nhà trường đổi mới để phù hợp với kỳ thi. Thứ hai, Bộ GD-ĐT đã thay đổi cách ra đề thi theo hướng đi từ dễ đến khó, bám sát nội dung sách giáo khoa. Theo đó, học sinh chỉ cần học trên lớp, chăm chỉ làm bài tập và vận dụng những kiến thức đó vào bài thi là có thể đạt điểm cao. Ngoài ra, ngay từ khi Bộ GD-ĐT có Quy chế tuyển sinh, nhiều trường THPT đã phân loại học sinh theo nhóm, môn học, vì vậy các em học sinh lớp 12 đều được ôn tập tại trường.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu cho rằng: "Thực tế cho thấy, đề thi cũng góp phần quan trọng xóa sổ tình trạng luyện thi tràn lan. Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia đề thi dễ hơn, nội dung ra đề tập trung trong chương trình lớp 12 và năm lớp 10, 11, đồng thời đề thi không mang tính đánh đố. Hơn nữa, việc quy định môn thi xét tốt nghiệp cũng như thi một lần giúp học sinh giảm bớt căng thẳng và có tâm lý thoải mái hơn trong việc ôn thi".
Tương tự, cô Lê Thị Dung, giáo viên từng luyện thi toán, lý, hóa cũng cho rằng, học sinh lớp 12 không đổ xô đi học luyện thi ở các trung tâm mà học ở trường là hiệu quả. Vì hơn ai hết, thầy cô trực tiếp giảng dạy sẽ biết được học lực của từng em cần bổ sung hoặc bồi dưỡng thêm gì. Môi trường và không gian học cũng giúp các em có thể tự bổ sung kiến thức hoặc hướng dẫn cho nhau.
Không chỉ vậy, năm nay số lượng hồ sơ của thí sinh tự do nộp tại Văn phòng tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại Tp. Hồ Chí Minh giảm kỷ lục. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh đơn vị này cho hay, năm 2015, Văn phòng nhận đến hơn 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do, năm nay giảm đến 50%, chỉ còn 9.000 hồ sơ. Nguyên nhân là do năm 2016, TP Hồ Chí Minh chỉ còn có 4 cụm thi, tổ chức thi cho khoảng 60.000 thí sinh.
Trong khi đó, năm 2015, địa phương này có 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, tổ chức thi cho 157.600 thí sinh, trong đó thí sinh của thành phố là 68.294 em, thí sinh các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu là 89.306 em. Mặt khác, năm 2016, rất nhiều tỉnh, thành phố tổ chức cụm thi do các trường ĐH chủ trì nên thí sinh chọn cụm thi ở tỉnh cho đỡ vất vả trong việc di chuyển, tiết kiệm chi phí ăn ở, luyện thi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.