Lo ngại chập cháy xe điện - bài 3: Người dùng phải làm gì?

Tác giả: Anh Bắc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/10/2023 09:59

Theo nhận định của các chuyên gia kỹ thuật, nguy cơ cháy nổ từ những chiếc xe điện là rất thấp mà chủ yếu xuất phát từ hoạt động sạc pin không đúng cách của người sử dụng.

Khi xe điện cháy, pin thường rất khó dập tắt, nếu không phát hiện sớm hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Vậy giải pháp phòng chống cháy nổ và bảo đảm an toàn cho xe máy điện, xe đạp điện như thế nào?

Người dùng xe điện phải làm gì? - Ảnh 1.

Những bộ sạc tiêu chuẩn có hệ thống tản nhiệt, làm mát để có sự đảm bảo an toàn khi sử dụng

Hiện nay, xe máy điện, xe đạp điện ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, nhất là ở đối tượng học sinh, sinh viên hoặc những người chưa có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, thời gian qua đã có không ít trường hợp ắc-quy, pin của xe điện tự phát nổ hoặc chập điện trong quá trình sạc khiến người sử dụng vô cùng hoang mang. Đặc biệt, thời gian qua khá nhiều chung cư đã đưa ra những quy định khiến dư luận đánh giá là "tiêu cực" về việc không nhận xe máy điện tại hầm để xe.

Hậu quả khôn lường

Xe điện không dễ cháy khi gặp lửa, nhưng khi cháy nổ pin do sạc điện lại có thể gây ra hậu quả khó lường. Chỉ riêng tháng 7 vừa qua đã xảy ra liên tiếp 2 vụ chập cháy xe điện khi đang sạc dẫn đến tử vong về người.

Cụ thể, vào đêm 19/7, tại ngôi nhà ở kết hợp với cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện thuộc thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã xảy ra một vụ hỏa hoạn do sạc pin xe điện. Vụ việc khiến 3 người trong gia đình tử vong.

Trước đó, vào ngày 13/7, tại phường Trung Sơn (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 2 người chết. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do bình ắc-quy của chiếc xe điện 4 bánh bị đoản mạch khi đang sạc.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu trong các vụ cháy xe điện là do thiết bị sạc cũng như hệ thống pin không đạt chuẩn. Khá nhiều đơn vị kinh doanh xe điện giá rẻ thường không coi trọng sạc pin và cung cấp thiết bị sạc đơn giản, không hề có hệ thống tản nhiệt. Vì vậy, nhiệt độ của thiết bị có thể tăng cao dẫn đến dòng điện cấp cho pin thay đổi, làm tăng nguy cơ đoản mạch gây cháy nổ.

Ông Phan Thanh Bình, kỹ sư điện tử thuộc Công ty TMAS Việt Nam cho biết: "Về nguyên tắc an toàn, tất cả các mẫu sạc đổi nguồn điện từ AC xuống DC đều phải có hệ thống tản nhiệt và mạch bảo vệ ngăn dòng điện khi pin đầy hoặc bị nóng quá mức cho phép. Tuy nhiên, không ít loại xe máy điện giá rẻ trên thị trường hiện nay có bộ sạc đơn giản, không đảm bảo hoạt động ngắt mạch khi pin đầy dẫn đến việc pin bị nóng, từ đó tạo ra nguy cơ đoản mạch và cháy nổ".

Theo thiết kế của nhiều nhà sản xuất, pin xe điện thường được sử dụng là loại Lithium-ion có khả năng cháy nổ cao. Pin Lithium-ion có cấu tạo gồm các tế bào, mỗi tế bào chứa một số lượng lớn các điện cực lithium và carbon. Khi các điện cực này tiếp xúc với nhau sẽ phản ứng hóa học và tạo ra nhiệt. Nếu nhiệt độ tăng cao, pin có thể bắt lửa hoặc phát nổ.

Được biết, khi pin xe điện cháy sẽ xảy ra một phản ứng hóa học bên trong và không cần oxy để duy trì. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các loại bình chữa cháy thông thường rất khó dập tắt khi đám cháy bùng lên. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước để dập lửa cháy pin còn có nguy cơ gây nổ do phản ứng hóa học. Chính vì vậy, việc phòng tránh cháy nổ pin xe điện cần được quan tâm một cách nghiêm túc.

Người dùng xe điện phải làm gì? - Ảnh 2.

Rất nhiều bộ sạc được nhập về cung cấp cho thị trường mà không có tem kiểm định chất lượng

Người dùng xe điện phải làm gì để phòng ngừa cháy nổ?

Theo các chuyên gia đăng kiểm, pin được coi như "trái tim" của xe điện bởi là nguồn cung cấp năng lượng để vận hành xe. Trên thị trường hiện nay có hai loại pin cho xe điện là pin axit chì và pin Lithium-ion. Trong đó, pin Lithium-ion được sử dụng phổ biến hơn do có hiệu suất lưu trữ và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời có tuổi thọ dài hơn so với pin axit chì. Hiện không có quy định về niên hạn sử dụng pin, song các hệ thống pin sử dụng trên xe điện có độ bền nhất định, với giới hạn số lần sạc thông thường trong khoảng 500 đến hơn 10.000 chu kỳ sạc.

Hệ thống pin có hiện tượng suy giảm dung lượng hữu dụng theo thời gian sử dụng. Các yếu tố ảnh hưởng đến dung lượng của pin trong quá trình sử dụng bao gồm nhiệt độ môi trường, cường độ dòng phóng, cường độ dòng sạc, chế độ nạp xả, khoảng thời gian giữa các chu kỳ sạc đầy. Vì vậy, đối với một hệ thống pin thường có tuổi thọ từ 2 - 7 năm.

Do đó, đối với người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo bản thân mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức và biện pháp phòng chống cháy nổ xe máy điện, xe đạp điện.

Biện pháp hàng đầu là cần lựa chọn, sử dụng các loại xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định, tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo, khi người dân có nhu cầu sử dụng xe điện thì nên mua trực tiếp hoặc từ các đại lý bán hàng của các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu đã được kiểm tra, chứng nhận chất lượng (tem dán trên xe đạp điện, Giấy chứng nhận chất lượng đối với ô tô, xe máy điện). Trong quá trình sử dụng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng do nhà sản xuất công bố, đặc biệt là việc sử dụng pin xe điện, chế độ nạp, bộ sạc (cần lưu ý như mua các loại pin và sạc pin đúng chủng loại theo thiết kế của nhà sản xuất đã được chứng nhận chất lượng, có nguồn gốc hợp lệ; không mua pin từ những địa chỉ không uy tín).

Cùng với đó, người sử dụng cần thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi pin có dấu hiệu phồng, nứt... cần thay thế mới.

Khi xe đang sử dụng mà hết pin thì nên chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc pin, không cắm sạc ngay sau khi xe vừa vận hành. Ngoài ra, không nên sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện. Trong trường hợp xe để lâu không sử dụng nên sạc đầy rồi tháo rời pin khỏi xe, không để pin ở khu vực nóng, ẩm...

Để an toàn hơn, nên sử dụng các nguồn điện có hệ thống aptomat hoạt động hiệu quả, cẩn thận hơn ta có thể sử dụng các loại ổ cắm điện có hệ thống cầu chì có thể ngắt mạch ngay khi có hiện tượng chập sạc.

"Lưu ý, khu vực sạc điện không để các vật dễ cháy, đặc biệt là phải xa khu vực để các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Khi sạc điện cần đảm bảo nguồn cung cấp điện có khả năng chịu tải phù hợp với loại xe điện cần sạc, sử dụng đúng loại sạc của xe do nhà sản xuất cung cấp; không cắm sạc pin quá lâu, không nên sạc pin qua đêm", Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến nghị.