Để đáp ứng nhu cầu chở khách du lịch đi từ đảo lớn, trung tâm huyện Lý Sơn sang đảo Bé để tham quan, du lịch; nhiều người dân trên đảo đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mua ca nô cao tốc, với giá từ 500-700 triệu đồng/chiếc.
Tính đến thời điểm này, người dân Lý Sơn đã mua và đưa vào hoạt động tổng cộng 9 chiếc ca nô cao tốc, với sức chở từ 12-25 khách/chiếc/chuyến.
Bến đón khách tại đảo lớn sang đảo Bé. Ảnh: Công Xuân |
Không thể phủ nhận việc đưa số ca nô cao tốc vào hoạt động vận chuyển khách tuyến đảo Lớn-đảo Bé và ngược lại, đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho số du khách, với thời gian đi lại rút xuống chỉ còn khoảng 10 phút, so với 40 phút nếu di chuyển bằng tàu gỗ như trước đó.
Tuy nhiên vào nhiều thời điểm đông khách, đặc biệt là dịp lễ để có thể chạy được nhiều chuyến, các "tài xế" ca nô đã điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao để rút ngắn thời gian qua lại xuống chỉ còn 7-8 phút/chuyến.
Anh Nguyễn Văn Hải (28 tuổi), du khách đến từ T.P Đà Nẵng bày tỏ: "Ngoài tiềm ẩn nguy hiểm, ca nô chạy quá nhanh làm nước tạt vào khoang ướt cả quần áo của khách"
Ông N.T, một chủ cao tốc cũng có phương tiện hoạt động vận tải khách ở tuyến trên lắc đầu: 'Kiểu chạy thế này là quá nhanh, nguy hiểm. Bởi lẽ chỉ cần một dợn sóng, hay cơn gió lớn bất ngờ thì ca nô sẽ lao lên không, hoặc khó lòng mà xử lý được, gây nguy hiểm cho tính mạng của du khách".
Theo ông N.T thì thời gian ca nô cao tốc chạy từ đảo Lớn - đảo Bé và ngược lại khoảng 12 phút/chiều là hợp lý và an toàn nhất.
Chiều ngày 16.5, trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch Lý Sơn cho biết: Đến thời điểm này, chưa có xảy ra trường hợp ca nô cao tốc nào xảy ra tai nạn. "Trước đó, chính quyền huyện cũng đã họp và yêu cầu các chủ ca nô cao tốc hoạt động vận tải khách tuyến trên phải thực hiện đúng quy định về số lượng khách được chở, đảm bảo tốc độ và an toàn cho du khách đi tàu. Nếu phát hiện chủ, lái ca nô nào vi phạm huyện sẽ xử lý nghiêm khắc", bà Hương khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.