Loạn giá vé xe khách từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/04/2022 06:03

Việc giá xăng dầu có nhiều biến động khiến cho giá vé xe khách từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng loạt tăng vô tội vạ.

 

Các hãng xe chạy cự ly gần tăng giá một cách chóng mặt so với các hãng đường dài

Các hãng xe chạy cự ly gần tăng giá một cách chóng mặt so với các hãng đường dài

Thời gian gần đây, Tạp chí GTVT nhận được phản ánh của nhiều người dân khi giá vé xe khách đi các tỉnh tăng cao, đặc biệt là tình trạng đưa “giá ảo” trên các trang web, nhưng thực tế giá lại tăng gấp 2 - 3 lần.

Ghi nhận tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, giá vé đi các tỉnh khiến nhiều người dân ngỡ ngàng vì chi phí quá cao. Đơn cử như tuyến Bến xe Miền Đông đi Vũng Tàu dù với cự ly chưa đến 100k m nhưng giá vé xe dao động từ 150.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, trên nhiều trang web bán vé của các hãng, bảng giá vẫn nằm từ mức 65.000 - 85.000 đồng. Cụ thể, nhà xe Kumho được đăng giá vé 80.000 đồng nhưng khi chúng tôi mua vé thì giá thực tế lại là 165.000 đồng cho lộ trình chưa tới 100 km.

Bảng giá vé của nhà xe Kumho được các web đăng tải

Bảng giá vé của nhà xe Kumho được các web đăng tải

 

Và giá vé thực tế mà hành khách phải bỏ ra khi đến mua vé

Và giá vé thực tế mà hành khách phải bỏ ra khi đến mua vé

Trong khi đó, tuyến Bến xe Miền Đông đi lên tỉnh Đắk Nông của rất nhiều nhà xe giá vé chỉ dao động từ 120.000 - 150.000 đồng cho lộ trình hơn 200 km.

Trên thực tế, trong khi nhiều nhà xe nhỏ lẻ tăng giá vé rất ít để cùng hỗ trợ khách hàng thì nhiều hãng xe có tên tuổi lại tăng vé cao bất thường khiến nhiều người dân hụt hẫng.

Ông Minh - chủ một hãng xe khách tuyến Đồng Nai - TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày trước một chuyến xe tốn khoảng 700.000 đồng tiền dầu, giờ giá dầu tăng cao nhưng giá vé 56.000 đồng/chuyến của nhà xe vẫn giữ nguyên.

"Lúc cao điểm, tôi có khoảng 20 xe chạy theo các khung giờ trong ngày, tuy nhiên đến nay chỉ còn 1 xe do tôi cầm lái là hoạt động. Khách thì vắng vì dịch bệnh mà xăng dầu lại tăng cao, tôi không biết phải bù lỗ đến bao giờ. Nếu giá xăng dầu mà tăng tiếp tục tăng thì tôi chỉ còn cách tạm dừng hoạt động để đợi tình hình”, ông Minh chia sẻ.

Theo đại diện Bến xe Miền Đông, có 25 nhà xe kiến nghị tăng giá vé lên khoảng 26%. Theo quy định, các đơn vị sẽ phải gửi đề xuất lên cơ quan quản lý là sở GTVT ở các tỉnh/thành phố vì sở GTVT là đơn vị xem xét mức giá. Tại Bến xe Miền Đông hiện có 138/153 đơn vị vận tải hoạt động, lượng khách bình quân khoảng 6.600 khách/ngày, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Về vấn đề này, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở có tiếp nhận hồ sơ kê khai điều chỉnh giá của 20/57 đơn vị kê khai điều chỉnh giá tuyến cố định từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh. Các đơn vị thực hiện kê khai, niêm yết giá theo quy định tại các bến xe trong thành phố. Phần lớn các đơn vị điều chỉnh tăng giá vé vì nguyên nhân tăng giá nhiên liệu, mức tăng dao động từ 4 - 25%. Một số đơn vị điều chỉnh tăng giá vé do các khoản chi phí khác tăng như tiền lương và các khoản chi phí với mức tăng từ 20 - 40%.

Khi các đơn vị vận tải hành khách gửi đơn kê khai tăng giá, Sở GTVT chỉ tiến hành tiếp nhận, ghi nhận đơn theo quy định, sau đó thông báo với các đơn vị, bến xe để cập nhật giá niêm yết. 

"Tuy nhiên, Sở GTVT sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các bến xe xem các đơn vị vận tải có để mức giá đúng như đã đăng ký hay không, căn cứ vào đó để có những biện pháp xử lý thích hợp", đại diện Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận