Lao động VN tại nước ngoài hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức - Ảnh: T.Hằng |
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) bao biện rằng, phải thu phí cao do yếu tố khách quan của thị trường và rằng mức phí quy định 4.000 USD chưa sát với thực tế.
Cạnh tranh không lành mạnh
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế, thuộc Công ty Techsimex (Phòng Thương mại - Công nghiệp VN), cho rằng: “Tất cả mọi người, cả DN, cơ quan quản lý và lao động (LĐ) đều mong muốn có chi phí thấp nhất, hợp lý nhất để đáp ứng được khả năng của LĐ. Tuy nhiên, có những đơn hàng cao, LĐ đổ xô đi mà không quan tâm đến phí, bởi họ biết hiệu quả thu được. Ngược lại, có những đơn hàng chi phí rất rẻ, dù đã hạ xuống 1.000 - 1.500 USD nhưng cũng không có người đi. LĐ cần thu nhập cao, cho nên thu nhập vừa phải nhưng phí thấp người ta cũng không đi”.
Trong khi đó, cán bộ của một DN phụ trách LĐ tại Đài Loan nhìn nhận, chính các DN đã góp phần đẩy phí lên cao. Vị này kể: “Khó khăn lắm chúng tôi mới đàm phán hợp đồng với đối tác mức phí 4.000 USD/LĐ, nhưng sau đó hợp đồng bị một DN VN nẫng tay trên vì họ chi hoa hồng cho công ty Đài Loan cao hơn. Họ đi đằng sau phá giá thì làm sao giảm được phí cho LĐ”.
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN xuất khẩu LĐ cũng được ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu LĐ VN đề cập: “Thông thường cạnh tranh không lành mạnh rơi vào các DN yếu. Chính việc này đã dẫn đến lựa chọn đối tác không chuẩn, làm hại tới các DN khác và làm hại LĐ”.
Để giải quyết vướng mắc về phí, theo ông Trào, ngoài các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn cò mồi, xử phạt DN sai phạm..., cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát phía công ty môi giới. “Đồng ý là phí phải theo thị trường, nhưng một khi phí quá cao, bất hợp lý thì không chấp nhận được, phải kiểm soát, xử phạt nghiêm, tạm dừng với những công ty cố tình tăng phí. Về lâu dài, hiệp hội xây dựng bộ quy tắc ứng xử, bên cạnh các nội dung chuyên môn, bộ quy tắc cũng có những quy tắc liên quan đến quan hệ đối tác, quan hệ với đồng nghiệp...”.
Ông Trương Thiên Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các công hội dịch vụ việc làm Đài Loan, nói: “Chúng tôi nhất trí tuân thủ theo quy định của Chính phủ VN về việc thu phí. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận các công ty môi giới của Đài Loan thu phí cao. Về việc này, chúng tôi sẽ cùng kết hợp với phía VN để bàn phương án, làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn được những vụ việc thu phí cao. Việc LĐ phải chi trả tiền cho những môi giới trung gian trong nước, phía VN cũng phải có biện pháp để xử lý”.
Lao động bỏ trốn hàng loạt
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng ban Quản lý LĐ VN tại Đài Loan cho biết tình trạng LĐ VN bỏ trốn chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2015 LĐ bỏ trốn lên tới 1.100 người/tháng, tăng gần gấp đôi năm 2014. Theo đánh giá của các bên, một trong những lý do LĐ họ bỏ trốn ra ngoài làm việc là các công ty môi giới của VN thu phí quá cao. Có DN thu tới 7.000 USD/người.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp thừa nhận chi phí của LĐ VN hiện nay sang Đài Loan là quá cao. Mặc dù năm 2012, Bộ LĐ-TB-XH đã có quy định các DN đưa LĐ sang Đài Loan chỉ được thu phí môi giới tối đa 4.000 USD/người, nhưng các DN đều thu phí cao hơn quy định 1.000 - 2.000 USD. “Rất nhiều LĐ nói, vì phí cao quá nên họ phải bỏ ra ngoài làm việc để bù đắp lại khoản chi phí”, ông Diệp nói và cho biết: “Chắc chắn Bộ LĐ-TB-XH sẽ phải tính có lộ trình giảm phí, giúp LĐ mức phí đưa đi như thế nào là hợp lý, đảm bảo LĐ có thể trả được nợ, có thể tích lũy được và cải thiện điều kiện sau này”.
Theo quy định, công ty nào có nhiều LĐ bỏ trốn, không kịp thời hỗ trợ LĐ, thu phí cao… đều bị xử phạt. Tuy nhiên, mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe và Bộ LĐ-TB-XH cũng chưa có giải pháp nào đáng kể hơn, ngoài kêu gọi LĐ VN "cố gắng tuân thủ luật pháp, tôn trọng những điều mà mình đã cam kết, tuân thủ hợp đồng".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.