Các đơn vị trong ngành GTVT đồng loạt triển khai những giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: VOV) |
Triển khai hàng loạt các giải pháp
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết với tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế Bộ GTVT đã chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện đã và đang tiếp tục được khẩn trương thực hiện trong ngành GTVT.
Theo đó, tất cả các đơn vị của Ngành đều triển khai hàng loạt những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không, các đơn vị đã rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không; tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách (cấp phép, tiêu chuẩn an toàn bay, lịch bay) thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật.
Đối với các dịch vụ hàng không khác thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ chủ động hỗ trợ nhau. Hiện nay, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV.
Còn về đường bộ, các sở GTVT tạm thời không xử lý các đơn vị vận tải hành khách không đảm bảo số chuyển khai thác tuyến (tối thiểu 70% số chuyển theo biểu đồ chạy xe) trong thời gian có dịch Covid-19. Ngoài ra, các đơn vị kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; hướng dẫn các đơn vị vận tải, bến xe, hành khách thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành y tế.
Đối với lĩnh vực hàng hải, Cục đã ban hành văn bản phổ biển cho các chủ tàu và chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải hướng dẫn chủ tàu, thuyền viên về việc cho phép gia hạn các Chứng chỉ chuyên môn, Giấy chứng chỉ thuyền viên do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho thuyền viên đang đảm nhận chức danh trên biển bị hết hạn, được gia hạn sử dụng tiếp trong 03 tháng. Đồng thời triển khai giảm giá hoa tiêu, dịch vụ lai dắt cho tàu thuyền Việt Nam chạy tuyến nội địa.
Các chuyến tàu từ các tỉnh thành về TP. Hồ Chí Minh sẽ được Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn phun thuốc khử trùng các toa tàu (Ảnh: thanhnien) |
Trong lĩnh vực đường sắt đã cắt giảm các đoàn tàu khách Thống Nhất và địa phương có hệ số sử dụng thấp. Dừng các đoàn tàu Liên vận quốc tế với Trung Quốc do lệnh cấm xuất nhập cảnh từ hai nước trong giai đoạn dịch bùng phát. Tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm. Xây dựng các giải pháp tiết giảm chi phí xuống mức tối thiểu nhất, cố gắng duy trì thu nhập của người lao động, nhất là lao động trực tiếp và có kế hoạch cho người lao động nghỉ luân phiên, nhưng vẫn bố trí đảm bảo được đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của người lao động.
Còn đường thủy nội địa tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các dịch vụ công, trong đó chú trọng đối với công tác cấp giấy phép vào rời cảng, bến thủy nội địa, công tác cấp đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.
Chủ động xây dựng các phương án ứng phó
Trong cuộc họp, lãnh đạo cơ quan QLNN các lĩnh vực thuộc ngành GTVT tiếp tục kiến nghị những giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp và dần ổn định thị trường vận tải. Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ vào nhóm tỉnh có nguy cơ cao, nguy cơ, nguy cơ thấp theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị có thể sau ngày 22/4 mở thêm các đường bay tuyến địa phương ở khu vực có sân bay mà không nằm trong nhóm nguy cơ cao như Điện Biên, Côn Đảo, Cần Thơ, Rạch Giá... với tần xuất 2 chuyến, mở lại chuyến bay nội địa để ổn định thị trường.
Còn về đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị triển khai công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa phương tiện được lưu thông tốt nhất.
Vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt hiện nay kết nối với Trung Quốc rất lớn, do đó đề xuất chỉ đạo, tập trung tăng cường khai thác nội địa, đồng thời mở rộng kết nối với các nước còn lại trong ASEAN qua Thái Lan để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiến nghị Bộ cho phép giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền viên phương tiện thủy nội địa bị hết hạn được gia hạn sử dụng tiếp 03 tháng hoặc đến thời hạn công bố hết dịch, tính từ ngày chứng chỉ thuyền viên đó hết hạn đối với thuyền viên làm việc trên tàu tại Campuchia chưa thể về lại Việt Nam được do bị hạn chế nhập cảnh.
Đồng thời cho thuyền viên làm việc trên phương tiện vận tải thủy vận chuyển hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Campuchia sau khi về nước thực hiện các biện pháp khử trùng, không lên bờ, tự cách ly trên phương tiện, không bị cách ly tập trung để thực hiện lấy được hàng hóa và tiếp tục vận chuyển sang Campuchia.
Hàng hải giảm giá dịch vụ hoa tiêu và lai dắt cho tàu biển Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trong 4 ngày nay cả nước không có ca dương tính với Covid-19 mới, theo đề xuất của nhiều bộ ngành, đến 22/4 sẽ có chủ trương mới, có thể nới lỏng hơn. Hôm nay họp là bước đầu để nghe lại tình hình vận tải thời gian qua cũng như một số vấn đề mới.
“Tôi đề nghị các đơn vị xây dựng phương án ứng phó theo tình hình mới để khi Thủ tướng có thông báo mới sẽ có phương án đáp ứng ngay. Các đơn vị nghiêm túc theo dõi tình hình dịch bệnh để có phương án khôi phục hoạt động vận tải”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng giao cho Vụ kế hoạch đầu tư tổng hợp, làm rõ, báo cáo cụ thể những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành GTVT và kế hoạch phục hồi lại các lĩnh vực trong ngành. Các đơn vị cần xem lại những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải của Ngành. Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị cần phối hợp hoàn thiện báo cáo đánh giá tổng quan với những số liệu chi tiết, cụ thể về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên từng lĩnh vực. Trong đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần làm rõ những giải pháp thực hiện mới để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.