Trẻ sẽ gặp nhiều thay đổi trong quá trình chuyển giao từ mẫu giáo lên lớp 1. Ảnh: OhBulan |
Từ mẫu giáo lên lớp 1, trẻ gặp rất nhiều thay đổi khi phải thích nghi với môi trường mới phức tạp hơn, nhiều quy tắc hơn và buộc phải độc lập hơn. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho các bậc cha mẹ để giúp con vượt qua một cách tốt nhất từ trang My Child Without Limits và Independent.
Quá trình chuẩn bị
1. Bạn hãy tỏ ra hào hứng khi nhắc đến việc đi học, thường xuyên nhắc con về những điều mới mẻ và thú vị sắp tới. Bạn có thể cho con thử trước đồng phục (nếu có) hoặc đọc các truyện liên quan đến chủ đề đi học để trẻ cảm giác thân thuộc.
2. Để quá trình chuẩn bị diễn ra tốt hơn, bạn có thể truyền đạt cho con một phần nội dung của những bài đầu tiên theo chương trình học. Mỗi đứa trẻ có khả năng nhận thức và mức độ thích nghi khác nhau, nhưng chúng sẽ yên tâm nếu thấy bạn duy trì thái độ tích cực và nhiệt tình ủng hộ.
3. Bạn có thể đưa con đến thăm trường, gặp gỡ các nhân viên như bảo vệ, y tá… để làm quen trước khi năm học bắt đầu. Việc trò chuyện với giáo viên từ sớm và thường xuyên nhắc đến tên cô như người quen cũng giúp trẻ bớt bỡ ngỡ hơn.
4. Quan sát lớp học của giáo viên tương lai giúp bạn có cơ hội đánh giá và xem xét để đưa ra bất kỳ thay đổi nào càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn có thể trao đổi với giáo viên về tính cách của trẻ để dễ điều chỉnh phương pháp giảng dạy.
5. Trong năm đầu tiên ở trường tiểu học, trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian để học đọc. Do đó, bạn nên thường xuyên trò chuyện với trẻ để xây dựng vốn từ vựng phong phú. Hơn nữa, bạn nên đọc báo, tạp chí hay sách hơn xem TV hoặc lướt điện thoại bởi trẻ thường có xu hướng bắt chước bố mẹ. Trong thời gian rảnh, cả nhà có thể cùng ngồi đọc truyện và khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, kể những câu chuyện của riêng mình.
Vào năm học
1. Các thói quen và môi trường mới dễ khiến trẻ mệt mỏi. Ở trường mẫu giáo, trẻ không phải ngồi yên suốt một thời gian dài và thực hiện đúng các quy tắc, giờ học cũng ngắn hơn. Đó là lý do bạn cần đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, đặc biệt là trong tuần học đầu tiên. Đi ngủ vào khung giờ hợp lý, trẻ sẽ bớt căng thẳng ở trường.
2. Chuẩn bị bữa sáng lành mạnh giúp những ngày đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Đói bụng dễ khiến trẻ mất tập trung vào những điều mới lạ diễn ra trong lớp học.
3. Khi năm học bắt đầu, bạn hãy để con tự thực hiện các bước chuẩn bị đến trường vào buổi sáng như rửa mặt, đánh răng, rửa tay, mặc quần áo, gấp quần áo, đeo giày... và giữ cho mọi việc diễn ra đúng trật tự mỗi ngày. Điều này giúp trẻ học được tính tổ chức và kỷ luật.
4. Bạn hãy cố gắng tạm biệt con một cách nhanh chóng, dù có thể đó là thời điểm rất khó khăn. Tỏ ra bịn rịn, lưu luyến khiến cảm xúc của trẻ bị ảnh hưởng. Bạn có thể thiết lập một số hành động cho lúc tạm biệt, chẳng hạn ôm nhau và đập tay, giúp trẻ sẵn sàng với khoảng thời gian không có bố mẹ.
5. Bạn nên chủ động tiếp cận các vấn đề ở trường như tham dự đầy đủ các cuộc họp phụ huynh và các hoạt động nhà trường tổ chức. Sự có mặt của bạn có thể khiến con vui hơn rất nhiều, đồng thời giúp giáo viên cảm nhận được bạn rất coi trọng việc học của con ở trường.
6. Giữ liên lạc với giáo viên suốt cả năm giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho con khi có những thay đổi sắp xảy ra.
Kết thúc năm học
Khi trẻ đã phát triển mối quan hệ tích cực với giáo viên, đó cũng là lúc phải lên lớp. Ở cấp tiểu học, mỗi khi năm học kết thúc, bạn và con đều phải chuẩn bị cho việc chuyển tiếp một lần nữa. Giáo viên cũ có thể là nguồn thông tin có giá trị để xác định những bước tiếp theo cần thực hiện.
Nói lời tạm biệt với giáo viên cũ cũng là một việc rất khó khăn đối với trẻ, do đó bạn không nên để mọi thứ thay đổi quá đột ngột. Bên cạnh đó, bạn có thể nhắc con không cần quá lo lắng bởi các quy tắc ở trường gần như tương tự năm học cũ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.