Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Đường bộ 01/10/2024 15:55

Nghị định 119 về thanh toán điện tử trong giao thông có hiệu lực từ hôm nay (1/10) là tiền đề giúp người tham gia giao thông có thể thanh toán "một chạm" không chỉ với phí cao tốc mà còn với hầu hết loại phí, giá như đỗ xe, cảng biển, kiểm định…

Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Đảm bảo kết nối

Chiều 30/9, Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Vietimes tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông".

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Nghị định 119/2024 quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10.

Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 2.

Ông Tô Nam Toàn phát biểu tại hội thảo

Nghị định 119/2024 có hiệu lực từ 1/10/2024 nhưng đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện mới phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.

Từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Chia sẻ về điểm mới của Nghị định được ban hành, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết loại phí, giá, không chỉ với giao thông đường bộ mà còn cho các dịch vụ tại cả các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, kiểm định...

"Nhờ vậy, giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ vận tải, điều này phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước…", ông Toàn cho biết.

Theo ông Toàn, khi đưa ra lộ trình chuyển đổi từ tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã lường trước các vấn đề để đảm bảo kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Cục Đường bộ Việt Nam kỳ vọng khi quy định ban hành sẽ được người dân ủng hộ; đồng thời, cho biết, kỳ vọng với lộ trình 1 năm sẽ thực hiện xong việc chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của 5,6 triệu phương tiện hiện nay, nhất là khi việc chuyển đổi xác thực sinh trắc học của ngành ngân hàng chỉ diễn ra từ 1-2 tuần nhưng vẫn thành công.

Hạ tầng dịch vụ thanh toán đã sẵn sàng

Trao đổi về khả năng đáp ứng việc triển khai, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Napas cho biết, hiện nay hạ tầng thanh toán bán lẻ của ngành ngân hàng có độ phủ sóng cao với số lượng thẻ ngân hàng cả quốc tế, nội địa đã gấp 1,5 lần so với tổng dân số Việt Nam.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Thực tế, hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán ngân hàng,.. đã len lỏi mọi ngõ ngách của cuộc sống từ trả tiền cốc cafe, mớ rau ngoài chợ bằng thẻ…

Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội thảo

Không chỉ vậy, Napas và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai, kết nối với các hệ thống tương tự. Tiêu biểu, Napas đã kết nối với hệ thống dữ liệu VneID. Hiện nay, trên VneID, người dân đã có thể dùng một số dịch vụ công thanh toán ngay bằng mã QR. Hệ thống thanh toán giao thông cũng tương tự.

Ông Long cho rằng, điều quan trọng cơ sở dữ liệu (CSDL) thanh toán giao thông là cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia hay chia về địa phương. Nếu có thể chia sẻ các dữ liệu, việc kết nối liên thông sẽ hoàn toàn thực hiện được.

"Về phía công nghệ không thành vấn đề vì chúng tôi đã có kinh nghiệm triển khai. Còn về người dân, hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng không còn là rào cản do tỷ lệ phủ sóng tài khoản thanh toán và thẻ hiện rất lớn", ông Long nói.

Đồng thời, đại diện Napas cho rằng, vấn đề là làm sao để tài khoản giao thông của người dân gắn liền với phương tiện giao thông đường bộ, giao thông công cộng.

Theo đại diện của Napas, tại Việt Nam, khi phát triển phương tiện giao thông công cộng, nếu không tối ưu hoá hình thức thẻ vé, hạn chế việc người dùng phải xếp hàng chờ đợi thẻ vé thì khó có thể thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Để phát triển thẻ vé thông minh trong giao thông, Napas đề xuất mỗi thành phố, tốt nhất là mỗi quốc gia nên có một hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng bao gồm bus, metro, ít nhất là một thành phố có sự liên thông thanh toán bằng thẻ vé.

Bên cạnh đó nên hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông.

Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 4.
Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 5.
Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 6.
Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 7.
Lợi lớn khi dùng tài khoản giao thông thanh toán điện tử- Ảnh 8.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Mặc dù Nghị định 119/2024 mới đề cập đến chủ thể gắn liền với phương tiện cá nhân thông qua sử dụng các dịch vụ giao thông, song đây chính là những bước đi đầu hướng tới một hệ thống mà chủ thể là những cá nhân cũng được hưởng lợi khi sử dụng dịch vụ và giao thông công cộng.

Nói về thực trạng thanh toán chạm trên toàn cầu, bà Dung cho biết, tỷ lệ giao dịch tiền mặt giảm 8% trên toàn cầu vào năm 2023, trong khi tổng số lượng giao dịch được xử lý bởi hệ thống Visa tăng trưởng 10% so với năm trước. Ngoài ra, hơn 80% giao dịch xuất trình thẻ được xử lý tại Visa là giao dịch thanh toán chạm.

Visa triển khai mạnh ở nhiều quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… Giao dịch thanh toán giao thông bắt đầu bứt phá, tăng trưởng sau 2 năm kể từ thời điểm ra mắt mô hình thanh toán mở trong giao thông công cộng.

"Điều đó cho thấy giao thông công cộng chiếm tỷ trọng rất lớn trong thanh toán mở", bà Dung nhấn mạnh.

Theo bà Dung, khi thanh toán giao thông công cộng, dù là phương tiện thanh toán nào, quan trọng nhất là phải mang lại lợi ích nhất cho người dân.

Có thể bước đầu người dân có thể lựa chọn nhiều cách thanh toán nhưng sau một thời gian sử dụng họ sẽ lựa chọn cách thanh toán nhanh nhất, an toàn nhất, phù hợp với việc di chuyển giao thông công cộng.

Bà Dung cho rằng, khi thực hiện công việc này, đồng thời sẽ có thể phác toàn bộ bức tranh về dữ liệu liên quan đến hành vi của người dân, khi họ sử dụng các dịch vụ liên quan đến nhận diện phương tiện như khi đi qua các trạm thu phí không dừng, đỗ xe hoặc đi mua xăng.

"Chúng tôi cũng đang làm việc với các đơn vị xăng dầu để tới đây, người dân có thể mua xăng ngay trên app chứ không nhất thiết phải đến cây xăng mới bắt đầu thực hiện các trình tự mua xăng, giảm ách tắc phương tiện", bà Dung nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận