Lực lượng TTGT vẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
13/11/2020 10:15

Theo Tổng cục Đường bộ VN, tới đây lực lượng TTGT vẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự.

f78f9d46ed3914674d28-1575015570-width2462height161

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng lãnh đạo Cục QLĐB IV kiểm tra xe quá tải trên QL51.

Theo số liệu từ lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay nếu tính 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các cục chuyên ngành của Bộ GTVT thì số lượng Thanh tra giao thông (TTGT) chỉ khoảng 3.412 người, không phải 20.000 người như thông tin đưa ra tại phiên họp tổ ở Quốc hội vừa qua.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cũng khẳng định, Bộ GTVT không có văn bản nào đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 TTGT và số lượng TTGT đưa ra như nêu trên là hoàn toàn không chính xác.

 Liên quan tới hoạt động của lực lượng TTGT khi có Luật Bảo đảm trật tự ATGT, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong lần sửa luật này Bộ GTVT cũng đã  dự thảo sẽ phân công lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTGT cho phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT về giao thông đường bộ, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT nếu Luật Đảm bảo trật tự ATGT được Quốc hội thông qua…

Theo đó, Điều 100 dự Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa trình Quốc hội quy định, lực lượng TTGT đường bộ tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình giao thông đường bộ.

Trong trường hợp Quốc hội chấp thuận theo đề xuất của Bộ Công an (TTGT không được dừng xe xử phạt trên đường - PV) thì lực lượng TTGT vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó sẽ thanh tra bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe; bảo vệ công trình giao thông…, tức đảm nhiệm giao thông tĩnh. "Chưa kể, thanh tra còn đảm nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực khác như đường thủy, đường sắt… vậy nên, tôi khẳng định lực lượng TTGT rất nhiều việc, không thể thiếu lực lượng TTGT được…", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Đối với đề xuất của Bộ Công an về việc TTGT không được xử phạt, chỉ quay video các xe vi phạm rồi chuyển cho công an xử lý, vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định quy định trên không phù hợp. Bởi nếu xe vi phạm không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông. “Thấy xe vi phạm phải lập tức ngăn chặn, xử phạt ngay, chứ không phải chỉ quay video để phương tiện phá nát cầu đường rồi mới xử lý…” - vị lãnh đạo nhấn mạnh.

"Thanh tra giao thông có toàn quyền trong lĩnh vực GTVT, còn lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước, và quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông là của ngành giao thông. Đây là nguyên tắc được pháp luật quy định, chứ không mang tính chất phân chia.

Nếu quy định Thanh tra giao thông không được quyền dừng xe, không được quyền kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, xe dù, bến cóc…, tôi cho rằng không hợp lý. Thanh tra là có quyền kiểm tra hết, đấy là nhiệm vụ chính của thanh tra, bởi thanh tra giao thông là thanh tra xem ai là người vi phạm pháp luật, mà thanh tra ở đây có nghĩa là thanh tra và kiểm tra".

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre)

Ý kiến của bạn

Bình luận