Lương phi công Vietnam Airlines bình quân hơn 132 triệu đồng

30/04/2019 07:05

Lương bình quân của phi công Vietnam Airlines đã tăng gần 11 triệu đồng mỗi tháng nhưng vẫn thấp hơn các hãng trong nước khác.

 

photo1551234189731-1551234189922-crop-155123423540
Lương phi công Vietnam Airlines bình quân hơn 132 triệu đồng

Theo bản cáo bạch Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố, tổng số lao động của hãng bay này tính đến hết năm 2018 là 6.605 người, giảm 103 người so với năm trước đó. Trong đó, Vietnam Airlines có 1.118 phi công (người Việt chiếm 75,67%), tăng 61 phi công so với tháng 9/2017.

Năm ngoái, phi công Vietnam Airlines nhận lương tháng bình quân 132,5 triệu đồng, tăng gần 11 triệu so với năm trước đó. Tiếp viên hàng không nhận lương trung bình 28,9 triệu đồng, tăng 1,7 triệu đồng so với năm 2017. Còn cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines (trừ HĐQT và ban giám đốc) nhận bình quân 28,8 triệu mỗi tháng, tăng 4,7 triệu đồng năm trước. Các mức tăng này có thể do VietnamAirlines thực hiện cải cách tiền lương từ tháng 6 năm ngoái.

Hiện tại, chính sách lương thưởng là vấn đề nóng, yếu tố chủ chốt để các hãng bay thu hút nhân sự trong bối cảnh thị trường hàng không Việt khan hiếm phi công. Giữa năm ngoái, nhiều phi công Vietnam Airlines đã nộp đơn xin thôi việc vì cho rằng đang nhận mức lương quá thấp so với các hãng bay khác tại Việt Nam.

Vietjet hiện chưa công bố lương bình quân hàng tháng của phi công năm 2018. Tuy nhiên, lương phi công năm 2017 của hãng bay giá rẻ này khoảng 180 triệu đồng một tháng, cao hơn nhiều so với Vietnam Airlines (gần 60 triệu đồng). Tại Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines, lương cơ phó khoảng 100–120 triệu đồng, cơ trưởng 110–160 triệu đồng mỗi tháng (tùy giờ bay và thâm niên). Bamboo Airways – tân binh vừa gia nhập thị trường đầu năm nay cũng liên tục đăng tin tuyển dụng phi công, với cam kết mức lương hấp dẫn nhất thị trường Việt Nam và cả khu vực.

Theo đề án đánh giá tác động của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không năm ngoái, hãng bay này dự báo nhu cầu phi công lên 1.293 người năm nay, tăng 175 người so với cuối năm 2018. Năm 2020 và 2025, Vietnam Airlines lần lượt cần tăng 222 và 452 phi công. Đây là nhu cầu rất lớn trong bối cảnh không chỉ các hãng trong nước, mà các hãng bay quốc tế cũng "khát" phi công.

Từ đầu năm nay, nhiều hãng bay tại châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc... có thời điểm không thể thực hiện chuyến bay vì thiếu phi công đạt chuẩn hay tổ bay đình công. Boeing mới đây dự báo, ngành hàng không toàn cầu cần 790.000 phi công đến năm 2037, trong khi Airbus cho rằng, đến năm 2035, thế giới cần gần nửa triệu phi công.

Vietnam Airlines công báo bản cáo bạch 2019 sau khi được Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM chấp thuận niêm yết 1,4 tỷ cổ phiếu (Mã CK: HVN) trên sàn HoSE. Theo đó hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN mệnh giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu sẽ được niêm yết trên HoSE, tương đương tổng giá trị hơn 14.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lên sàn HNX (UpCOM) cuối năm 2016 với giá tham chiếu 28.000 đồng một cổ phiếu HVN. Từ năm 2018, Vietnam Airlines đã có kế hoạch chuyển sàn sang niêm yết trên HOSE nhưng phải lùi lại sang năm nay. Ngày 22/4 sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu Vietnam Airlines trên sàn HNX.

Năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đạt hơn 96.800 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của hãng bay này giảm 2,28% so với năm 2017, xuống còn gần 2.600 tỷ đồng.

Năm 2019, Vietnam Airlines đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần hợp nhất, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 110.000 và 2.680 tỷ đồng, tăng 13% và 3,1% so với năm 2018. Đội bay Vietnam Airlines hiện có 93 chiếc, gồm 11 chiếc Boeing B787, 12 chiếc Airbus A350, 63 chiếc Airbus A321 và A320, 7 chiếc ATR 72. Giai đoạn 2019-2020, hãng dự kiến hoàn tất việc nhận 20 chiếc A321 Neo để thay thế các tàu bay cũ.

Ý kiến của bạn

Bình luận