Các thành viên có mức đồng thuận cao tuy nhiên các bên đều chưa thoả mãn |
Căng thẳng chốt phương án tăng lương
Tại phiên họp thứ 3, cũng là phiên họp cuối cùng, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu và thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%, tương đương 250.000-400.000 đồng cho 4 vùng. Cuộc họp kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ và kết thúc lúc 12 giờ 30 phút trưa cùng ngày.
Mức chốt được đưa ra tại cuộc họp hôm nay 3-9 có được sự đồng ý của 14/15 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia bỏ phiếu cho mức đề xuất này để trình Chính phủ. Ông Phạm Minh Huân, Chủ tịch hội đồng, cho biết đây là lần đầu tiên trong 3 năm, hội đồng có mức đồng thuận cao như vây.
Cũng như 2 phiên họp trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam không tìm được tiếng nói chung khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra là 16,8 % và VCCI là 10%.
Cụ thể, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ theo các vùng là:
Vùng I: 3.500.000 đồng, tăng 400.000 đồng so với năm 2015
Vùng II: 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng so với năm 2015
Vùng III: 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng so với năm 2015
Vùng IV: 2.400.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2015
Nói về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nêu ý kiến: “Đây là phương án nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu phải tiệm cận dần với mức sống tối thiểu của người lao động, song cũng phải gắn với nhu cầu phát triển của DN, tức là có nguồn lực để đầu tư phát triển và tăng năng suất lao động”.
Tuy nhiên, cả đại diện Tổng LĐLĐ và đại diện người sử dụng lao động đều tỏ ra không thỏa mãn với con số được quyết định cuối cùng.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - VCCI, chia sẻ, mức tăng 2,4% vẫn là quá cao và ông hoàn toàn không thỏa mãn với quyết định này. Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, doanh nghiệp Việt hiện nay còn rất nhiều khó khăn, phương án tăng lương trên 10% sẽ là gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp.
Ông Phòng nói thêm: “Đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đang hội nhập, đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu 12,4% là vượt qua khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi cũng sẽ hết sức cố gắng để chi trả và san sẻ với người lao động”.
Ông Mai Đức Chính cũng cho biết chưa thỏa mãn vì kiến nghị tăng thêm 50.000 đồng cho người lao động đã không được thông qua. Tuy nhiên, cũng tạm hài lòng vì mức tăng năm 2016 đạt được bằng mức tăng của năm 2015 là từ 250.000 - 400.000 đồng từ vùng 1 đến vùng 4.
“Chúng tôi kêu gọi DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí để có thể bố trí nguồn, tăng thêm mức lương cho người lao động. Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ cộng sinh. Nếu chủ sử dụng lao động không chăm lo tốt cho người lao động thì họ sẽ rời bỏ DN, bản thân máy móc, thiết bị của DN cũng không thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận. Việc chăm lo cho người lao động cũng chính là chăm lo cho chính mình”, ông Huân nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.