Học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan tập trung học tập trước kỳ thi THPT quốc gia 2017 |
Đề thi vừa sức
Nhận định về đề thi thử nghiệm môn Lịch sử (Bộ GD&ĐT công bố lần 2), cô Đào Kim Thanh cho biết: Đề thi môn Lịch sử (thuộc bài thi Khoa học xã hội) có 40 câu với thời lượng 50 phút. Trung bình mỗi câu hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết trong 1,25 phút.
Về mặt nội dung: Câu hỏi về lịch sử thế giới có 12 câu (từ câu 1đến câu 8 và các câu 24, 25, 34, 35), chiếm 30%. Câu hỏi về lịch sử Việt Nam có 28 câu chiếm 70%.
Chiếm đại đa số là câu hỏi về nội dung sự kiện (33 câu), còn lại là câu hỏi về thời gian về không gian yêu cầu tư duy.
Về mặt hình thức: Câu hỏi trong đề thi được thiết kế dưới 3 dạng chủ yếu là tìm lựa chọn đúng, sắp xếp (sắp xếp theo trật tự thời gian) và điền khuyết.
Ấn tượng chung nhất về đề thi thử nghiệm môn Lịch sử lần này, theo cô Đào Kim Thanh, là tương đối đơn giản cả về hình thức lẫn nội dung và vừa sức đối với học sinh.
“Dựa vào các thông số bên trên để phân tích sâu hơn, ta sẽ thấy phạm vi nội dung của đề bám sát trong chương trình lớp 12 với lịch sử thế giới hiện đại từ sau 1945 và lịch sử Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 2000. Tất cả dữ liệu đưa ra đều là các kiến thức lịch sử được trình bày trong sách giáo khoa lớp 12 dưới dạng giản lược, dễ hiểu” - Cô Thanh nói rõ.
Cho rằng, các câu hỏi vì thế chủ yếu nhằm vào kiểm tra khả năng ghi nhớ và suy luận của học sinh đối với nội dung sự kiện, không gian, thời gian, cô giáo Đào Kim Thanh cho rằng: Học sinh chỉ cần có trí nhớ tốt và ôn tập bám sát nội dung sách giáo khoa theo phương thức luyện đi luyện lại sẽ làm bài tốt.
“Đề thi không khó cộng với hình thức thi trắc nghiệm khả năng sẽ cho nhiều bài thi đạt điểm cao. Nhìn một cách tổng thể, nếu như đề thi chính thức được đưa ra tương tự như đề thi minh họa này, việc thi cử sẽ diễn ra không quá căng thẳng và cho kết quả về điểm số tương đối lạc quan” - Cô Thanh nhận định.
Những lưu ý trong công tác ôn tập
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học, ôn tập để đáp ứng yêu cầu đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, cô Đào Kim Thanh nhấn mạnh: Điểm mới nhất là đề thi môn Lịch sử là hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm.
Chính vì vậy, việc dạy học và ôn luyện cho học sinh cũng phải đáp ứng theo hình thức thi trắc nghiệm chứ không như tự luận trước đây.
Bên cạnh đó, dù với hình thức thi nào thì đặc thù riêng của môn Lịch sử là phải nhớ tuyệt đối chính xác sự kiện.
Kiến thức Lịch sử 12 có 2 phần: Lịch sử thế giới hiện đại(1945-2000) và Lịch sử Việt Nam từ 1919-2000.
Để giúp học sinh ghi nhớ chính xác sự kiện, giáo viên phải ôn tập theo từng phần Lịch sử thế giới và Việt Nam riêng.
Mỗi phần ôn tập theo từng chủ đề, theo thời kì và các giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn có một đặc điểm riêng, từ đó tìm ra nội dung chính của giai đoạn lịch sử đó. Trong mỗi giai đoạn lại có các sự kiện tiêu biểu và tìm ra bản chất của sự kiện đó, tránh nhầm lẫn kiến thức.
Cuối mỗi giai đoạn hay một chủ đề, một bài học, giáo viên cho học sinh tự kiểm tra kiến thức và phát triển tư duy bằng các hình thức như: lập niên biểu sự kiện, nối sự kiện cho phù hợp trong các cột cho sẵn, hay điền niên đại cho sự kiện, hoặc đố vui …để nhớ chắc nhớ sâu kiến thức.
“Để đáp ứng yêu cầu đề thi, kiến thức ôn luyện cho học sinh cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ tránh lan man lập luận không đúng trọng tâm trọng điểm” - Cô Đào Kim Thanh lưu ý thêm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.