Lý do Hàn Quốc cần triển khai lá chắn tên lửa THAAD

Ứng dụng 31/07/2016 11:06

Ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên và củng cố liên minh quân sự với Mỹ

 

an20130129p1a

Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Seongju, Bắc Gyeongsang. Hệ thống được triển khai nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

THAAD được đánh giá là sẽ nâng cao năng lực phòng thủ của Hàn Quốc lên một tầm cao mới so với nhiều thập kỷ trước. Tuy vậy, việc triển khai THAAD vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Bắc Kinh cho rằng lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc đe dọa an ninh của nước này. Bên cạnh đó, một số nhà chuyên gia tại Hàn Quốc nhận định hệ thống này không đủ hiệu quả.

Thậm chí, những người phản đối còn cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường do sóng điện từ phát ra từ radar trinh sát của hệ thống. Người dân địa phương nơi sẽ triển khai THAAD đã tổ chức biểu tình phản đối.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết và nhấn mạnh việc triển khai THAAD là bắt buộc vì an ninh quốc gia.

Bruce Klingner – nhà nghiên cứu cao cấp về Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á, thuộc Quỹ Heritage có trụ sở tại Washington, nêu những lý do Hàn Quốc cần có lá chắn THAAD.

Tên lửa Triều Tiên ngày càng nguy hiểm

Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ phóng tên lửa nhằm cải thiện năng lực tên lửa đạn đạo. Tên lửa Triều Tiên có thể đe dọa các mục tiêu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam và nhiều cơ sở quân sự của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Lần thử gần đây nhất diễn ra vào ngày 20/7, Bình Nhưỡng phóng 1 tên lửa đạn đạo Scud và 2 tên lửa Nodong có tầm bắn 500-600 km. Truyền thông Triều Tiên cho biết vụ phóng mô phỏng cuộc tấn công phủ đầu vào cảng biển, sân bay của Hàn Quốc.

Quân đội Triều Tiên thử nghiệm tính năng kích nổ đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa ở độ cao nhất định trong khu vực mục tiêu. Các chuyên gia ước tính Triều Tiên có khoảng 400 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, 300 tên lửa tầm trung Nodong, 100-200 tên lửa Musudan.

Sắp tới Triều Tiên có thể triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08. Truyền thông Triều Tiên công bố bức ảnh cho thấy phạm vi của tên lửa bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm cả cảng Busan – nơi lực lượng tăng cường của Mỹ sẽ đổ bộ khi cần thiết.

Trong tháng 3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trực tiếp quan sát cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng vào Hàn Quốc.

Trước đó, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tuyên bố thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để lắp trên tên lửa.

Các chuyên gia quân sự nhận định công nghệ tên lửa của Triều Tiên khá lạc hậu, nhưng tầm bắn ngày càng được mở rộng.

Đặc biệt, tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Cải thiện năng lực phòng thủ

Tên lửa Patriot PAC 2 và PAC 3 là 2 hệ thống phòng không duy nhất ở Hàn Quốc có khả năng đánh chặn tên lửa, nhưng năng lực còn khá hạn chế, không thể so được với THAAD.

Đại học Hannam tiến hành một tính toán mô phỏng trên máy tính cho thấy hệ thống PAC-2/3 với tầm đánh chặn tên lửa từ 12-15 km chỉ có hơn một giây để có thể phá hủy tên lửa Triều Tiên.

Trong khi hệ thống THAAD sẽ có khoảng 45 giây để đánh chặn ở cự ly từ 40-150 km.

Seoul cũng đang phát triển hệ thống đánh chặn bản địa L-SAM với phạm vi đánh chặn khoảng 60 km, nhưng hệ thống này chỉ có thể hoạt động từ sau năm 2023.  

Chuyên gia Klinger hoài nghi khả năng Hàn Quốc có thể phát triển thành công hệ thống đánh chặn bản địa. Vì Mỹ phải mất gần 30 năm để hoàn thiện hệ thống THAAD.

Do đó, việc triển khai THAAD ở thời điểm hiện tại là lựa chọn hợp lý để nâng cao năng lực phòng thủ của Hàn Quốc trước mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.

Củng cố liên minh với Mỹ

Ông Klingner nhận xét việc triển khai THAAD là một bằng chứng củng cố thế trận phòng thủ liên minh giữa Mỹ - Hàn. THAAD là một hệ thống đánh chặn tiên tiến và đáng tin cậy cho phép đánh chặn ở phạm vi, độ cao lớn hơn so với hệ thống đang có ở Hàn Quốc.

Việc triển khai THAAD sẽ là bước đệm để kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD giữa Mỹ và Nhật Bản. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Triều Tiên.  

Sự kết nối phòng thủ giữa 3 nước cho phép khai thác tối đa tiềm năng của hệ thống cảm biến, giúp đánh chặn chính xác hơn bằng cách theo dõi tên lửa mục tiêu từ nhiều góc độ khác nhau.

Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc triển khai lá chắn THAAD ở Hàn Quốc với lý do hệ thống này đe dọa an ninh Trung Quốc.

Nhưng ông Klingner cho rằng mục đích thực sự của Trung Quốc là ngăn chặn thế trận phòng thủ liên minh giữa Mỹ - Hàn và có thể kết nối với Nhật Bản trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận