Tổ hợp Aegis Ashore được Mỹ triển khai tại Romania. Ảnh: USNI. |
Nhật Bản tuyên bố sẽ triển khai hai lá chắn phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore trị giá 1,8 tỷ USD vào năm 2023 nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này của Nhật đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga, quốc gia tuyên bố hệ thống Aegis Ashore có thể gây tổn hại quan hệ song phương, theo Popular Mechanics.
Tokyo đã từng bước thiết lập hệ thống phòng thủ Aegis trên các tàu khu trục hải quân, nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng. Hệ thống này gồm radar mảng pha quét điện tử thụ động AN/SPY-1D và tên lửa SM-3 được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo trong không gian.
Radar AN/SPY-1D có thể phát hiện và bám bắt nhiều loại mục tiêu, gồm cả tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa. Mỗi tàu chiến lớp Atago và Kongo của Nhật được trang bị 4 đài radar AN/SPY-1D, cho phép chúng theo dõi cùng lúc 800 mục tiêu ở mọi hướng. Hệ thống Aegis cũng có thể lấy dữ liệu từ radar tầm xa AN/TPY-2, một thành phần của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Tokyo hiện sở hữu 6 tổ hợp Aegis trên các khu trục hạm lớp Kongo và Atago tối tân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc buộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) phải phân tán hạm đội tàu chiến, gây suy giảm khả năng bảo vệ đất liền trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Do đó, Nhật Bản quyết định mua hai hệ thống Aegis mặt đất (Aegis Ashore) từ Mỹ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ.
Aegis Ashore là phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu chiến. Thành phần tổ hợp Aegis Ashore tương tự phiên bản nguyên gốc nhưng được triển khai cố định, có thể giúp các lực lượng phòng vệ dễ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu hơn.
Hệ thống Aegis Ashore sử dụng các bệ phóng thẳng đứng (VLS) Mk. 41 trang bị tên lửa SM-3. Đây được coi là hệ thống chỉ dùng để phòng thủ và không có khả năng tấn công, nhưng Nga vẫn bày tỏ quan ngại trước động thái triển khai hai tổ hợp Aegis Ashore của Nhật Bản.
Moscow cho rằng Aegis Ashore là hệ thống có khả năng tiến công do sử dụng bệ phóng Mk 41. Loại bệ phóng này có thể lắp đặt và phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, gồm cả tên lửa hành trình tầm xa BGM-109 Tomahawk.
Theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, Mỹ và Liên Xô cũng như Nga hiện nay bị cấm bố trí tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên mặt đất có tầm bắn 500-5.470 km, nhưng được phép triển khai trên biển. Trên thực tế, tên lửa Tomahawk Mỹ và Kalibr Nga đều lắp đặt trên tàu chiến, không nước nào bố trí chúng trên mặt đất.
Tuy nhiên, Moscow coi việc Tokyo mua hệ thống Aegis Ashore là hành động hỗ trợ Washington vi phạm hiệp ước INF. Các bệ phóng Mk. 41 có thể triển khai tên lửa Tomahawk, biến chúng thành hệ thống tên lửa hành trình tầm xa triển khai trên bộ.
Một số chuyên gia cho rằng lo ngại này của Nga không có cơ sở, bởi Nhật Bản không sở hữu tên lửa hành trình Tomahawk, hệ thống Aegis Ashore cũng không được cài đặt phần mềm để vận hành tên lửa này. Ngoài ra, Tokyo không tham gia INF, khiến họ không bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước này.
Việc Nga tuyên bố lo ngại hệ thống Aegis Ashore của Nhật có thể do nước này không tin lá chắn tên lửa của Tokyo chỉ nhằm mục đích phòng thủ, hoặc đang muốn làm chậm quá trình triển khai chúng, chuyên gia Kyle Mizokami nhận định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.