Hiện nay, tình trạng những chiếc xe ô tô đang chạy trên đường bỗng "hóa điên", tăng tốc và đâm thẳng vào bất cứ vật cản gì xung quanh, đang trở thành nỗi ám ám ảnh kinh hoảng của người dân. Như mới đây, vụ việc xe điên Camry gây tai nạn khiến 3 người chết tại chỗ đang khiến người dân thực sự bàng hoàng kinh sợ.
Trong đó, đã có không ít người cho rằng việc xe ô tô dùng số tự động (automatic transmission) đang ngày càng phổ biến so với số sàn (manual transmission) là nguyên nhân dẫn đến việc dễ mất lái hơn, gây ra nhiều tai nạn như đã thấy. Tuy nhiên, thực hư của câu chuyện là như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Sự khác biệt của xe số sàn và số tự động
Trước hết, cần phải hiểu được điểm khác biệt giữa xe số sàn và xe số tự động chính là ở "hộp số" - Transmission.
Công dụng của hộp số (transmission) là truyền và thay đổi tỉ số moment xoắn từ động cơ tới bánh xe chủ động |
Đây là bộ phận mà bất kỳ loại xe ô tô nào cũng phải có, với chức năng truyền và thay đổi tỉ số moment xoắn từ động cơ tới bánh xe chủ động, cho phép tốc độ xe thay đổi tùy ý, trong khi tốc độ của động cơ thay đổi rất nhỏ.
Ở xe số sàn, việc thay đổi này được thực hiện một cách thủ công - chính là bằng động tác nhấn côn bằng chân trái và gạt cần số bằng tay phải.
Bộ ba bàn đạp từ trái sang: côn, thắng, ga (hình trái) và cần số (hình phải) ở xe số sàn |
Nhưng ở xe số tự động, tất cả thao tác này được lược bỏ, việc thay đổi tỉ số truyền được thực hiện tự động dựa theo tốc độ xe, khi xe đang chạy ở tốc độ thấp thì tỉ số truyển được đưa về mức thấp và ngược lại.
Bằng cách lược bỏ các thao tác chuyển số, xe số tự động đã đơn giản hóa việc lái xe, giảm căng thẳng cho người lái, từ đó giúp những đối tượng như phụ nữ và người già không cảm thấy quá khó khăn khi muốn điều khiển ô tô.
Cần số ở xe số tự động không còn thực hiện chức năng chuyển số mà chỉ dùng để lùi tiến, đỗ,… |
Tuy nhiên, chính ưu điểm này của xe số tự động được nhiều người cho là nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn.
Xe số tự động có dễ gây tai nạn hơn?
Nhiều người cho rằng, do việc điều khiển xe đã trở nên đơn giản nên người lái có khuynh hướng ít để ý hơn tới môi trường giao thông xung quanh và dễ mất tập trung vào các tác nhân gây ồn trong xe, đặc biệt khi có trẻ em.
Nghe có vẻ cảm tính, nhưng cái sự cảm tính này dường như đã được đưa vào số liệu. Theo một khảo sát tại Anh, sự lơ là khi lái xe là nguyên nhân chính trong khoảng 25% vụ tai nạn xe ô tô. Nhưng liệu như vậy đã đủ kết luận điều khiển xe số tự động dễ xao lãng hơn, từ đó gây tai nạn nhiều hơn?
Câu trả lời là: KHÔNG. Một nghiên cứu vào năm 2011 của Đại học Jonkoping, Thụy Điển cho thấy thời gian phản ứng của người lái trước các tác nhân gây nguy hiểm không có sự khác biệt đáng kể khi điều khiển cả hai loại xe.
Việc sử dụng xe số tự động hay số sàn không ảnh hưởng lớn đến khả năng phản ứng của người lái |
Tuy nhiên, không hẳn xe số tự động đã hoàn toàn vô tội. Có một điểm cần lưu ý rằng, trong các trường hợp "xe điên", mà đa phần do chân phải người lái đạp nhầm ga thay vì thắng, khiến ô tô đột ngột lao tới khi đáng lẽ phải chậm lại hoặc dừng tại những nơi đông người. Đây chính là điểm khiến cho xe số tự động trở nên không an toàn.
Một vụ tai nạn do "xe điên" gây ra |
Nguyên nhân bởi trong lúc hoảng loạn khi đạp nhầm chân ga, theo phản xạ người lái xe số sàn thường sẽ đạp luôn chân côn, vốn có tác dụng tạm thời tách truyền động của động cơ tới hộp số, khiến động cơ tuy hoạt động mạnh hơn nhưng tốc độ xe lao tới không thay đổi nhiều và sẽ dần chậm lại.
Còn ở xe số tự động, không còn chân côn nên xe cứ thế tiếp tục tăng tốc, và đặc biệt khi gặp vật cản, tốc độ xe giảm, dẫn đến tỉ số truyền động tự hạ thấp, bánh xe quay chậm đi nhưng lại tăng lực đẩy, tạo sức phá hủy dữ dội hơn khi va chạm.
Không thể đổ lỗi cho xe số tự động
Nghe qua thật khá đáng sợ, nhưng đây hiển nhiên cũng không phải lí do để chúng ta kết luận nạn "xe điên" hiện nay là do xe số tự động, bởi đạp nhầm ga/thắng hoàn toàn là lỗi chủ quan của con người, và dù ở loại xe nào đều có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng.
Hơn nữa, trong không ít trường hợp "xe điên", người lái được xác nhận đang ở trong tình trạng say xỉn, khiến khả năng nhận thức suy giảm.
Ngưng uống rượu khi ngồi sau vô lăng |
Thay vì đổ lỗi cho một loại xe nào đó dễ phát "điên", có lẽ chúng ta nên hiểu rằng những chiếc xe chỉ làm đúng theo sự điều khiển của con người, và chỉ khi người lái chúng phản ứng "bất bình thường" thì xe mới "điên" theo mà thôi.
Do đó, trước khi quyết định lái một phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cao như một chiếc ô tô, điều quan trọng không phải xem đó là xe số sàn hay tự động, mà là bạn đã có đủ kiến thức, tâm lý, trách nhiệm, và ý thức không sử dụng rượu bia của người lái xe hay chưa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.