Ảnh minh họa |
Bão số 4 được hình thành từ một vùng áp thấp nhiệt đới ngay trên biển Đông, đi qua phía Đông quần đảo Hoàng Sa, phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến ngày 13.8, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.
Trước đó, theo những bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy bão số 4 Bebinca di chuyển rất phức tạp, đổi hướng liên tục và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - cho biết: “Quá trình hình thành và phát triển bão số 4 được theo dõi chặt chẽ. Cơn bão này có hình thái vô cùng đặc biệt. Hầu hết các cơn bão đều di chuyển từ phía Đông ra phía Tây nhưng cơn bão này lại đi từ phía Tây ra phía Đông, thậm chí có lúc còn đi ra phía Đông Nam.
Thậm chí có một số nơi còn xoắn thành nút thắt. Cho đến thời điểm này, cơn bão có dấu hiệu dừng lại và đi chậm lên phía Bắc. Trong vòng chiều đến đêm mai, bão sẽ đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Sau đó, từ đêm mai sang ngày kia có thể vào Vịnh Bắc Bộ. Cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gồm có Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy khu vực ảnh hưởng rất rộng lớn”.
Lý giải nguyên nhân hướng di chuyển “dị thường” của cơn bão số 4, ông Hải phân tích: “Hướng di chuyển của cơn bão số 4 bất thường có rất nhiều lý do. Hầu hết các cơn bão hình thành trong dải hội tụ nhiệt đới.
Hai hình thái trong dải hội tụ nhiệt đới, trên là cao cận nhiệt đới, dưới là gió mùa Tây Nam. Dải hội tụ nhiệt đới là nơi cao cận nhiệt đới tạo thành gió Tín Phong. Gió Tín phong hoạt động mạnh thì đẩy bão về phía Nam.
Hầu hết những năm nào mà cao cận nhiệt đới hoạt động yếu hoặc không có, thì các cơn bão lại bị gió mùa Tây Nam đẩy lên trôi dạt lên trên phía Bắc. Cơn bão số 4 lần này chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Ngoài ra, cơn bão ảnh hưởng đến Thượng Hải (Trung Quốc) vừa rồi chính là một phần nguyên nhân gây ra hướng bất thường của áp thấp nhiệt đới lần này".
Tuy nhiên, có hai tình huống có thể xảy ra, cơn bão có thể tan, chuyển thành áp thấp nhiệt đới khi di chuyển vào vịnh Bắc bộ. Trường hợp khác khi bão di chuyển vào đất liền cần theo dõi chặt chẽ.
Đồng thời, ông Hải cũng đưa ra cảnh báo: “Điều có thể khẳng định được, cơn bão này sẽ mang lại một lượng mưa rất lớn. Vùng đô thị khả năng ngập lụt. Sông Bùi có khả năng sẽ lặp lại một trận lũ.
Viện Khoa học khí tượng Thủy văn đã phối hợp với Viện Địa chất khoáng sản đưa ra những cảnh báo về lũ lớn và sạt lở đất đá cho các tỉnh để triển khai phương án phòng tránh.
Trong một năm mưa nhiều, các địa hình, địa chất, địa mạo thay đổi so với trước đây nên tình trạng sạt lở đất rất dễ xảy ra. Một số khu vực sẽ phải khoanh vùng cảnh báo chi tiết đến cấp xã. Đặc biệt Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.