"Ma trận" đón xe taxi: Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất nói gì?

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/09/2022 11:09

Theo lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, xe ra vào sân bay phải trả phí 10.000 đồng, số tiền này sân bay thu một phần nộp ngân sách nhà nước, phần còn lại để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng.


Sân bay Tân Sơn Nhất lý giải về trạm thu phí khiến dư luận bức xúc - Ảnh 1.

Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng, nếu việc thu phí không đúng quy định chắc chắn sẽ bị "tuýt còi"

Trước những bức xúc của hành khách và tài xế về việc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) sắp xếp làn xe và đặt trạm thu phí không phù hợp, làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: "Từ trước đến nay, xe ra vào sân bay phải trả phí 10.000 đồng. Số tiền này sân bay thu một phần nộp ngân sách nhà nước, một phần để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng cơ sở và bến đỗ ô tô. Còn phí các hãng bay thu hộ cho sân bay trong tiền vé đó là lệ phí bên trong nhà ga. Khi hành khách bước ra ngoài nhà ga là phải đóng phí dịch vụ 10.000 đồng".

Theo ông Tiến, hiện nay xe ra vào bên trong nhà xe sân bay phải trả 2 lần phí, đó là phí đậu xe ở nhà xe TCP và phí ra vào cổng của sân bay với tổng số tiền phải trả là 25.000 đồng. 

Trong đó, 15.000 đồng nhà xe TCP thu phí giữ xe, phần còn lại 10.000 đồng là phí của sân bay Tân Sơn Nhất. 

"Sân bay Tân Sơn Nhất thuộc quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tất cả các cảng hàng không cũng đang triển khai thu loại phí này và chúng tôi cũng thực hiện theo chỉ đạo của ACV. Nếu việc thu phí không đúng quy định chắc chắn sẽ bị "tuýt còi" rồi", ông Tiến lý giải và cho biết, dự kiến tháng 10/2022, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ triển khai thí điểm thu phí không dừng với mong muốn giải phóng số lượng xe nhanh hơn so với hiện nay tài xế phải chờ đợi mua vé và trả tiền mặt.

Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho rằng, làn xe D1, D2 có quy định số lượng vị trí đậu xe nhưng hiện nay đã quá công suất nên tạo thành nút thắt cổ chai, gây ùn tắc giao thông. 

"Về việc báo chí ghi nhận làn C và D thông thoáng, chúng tôi sẽ kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng xem xét, tính toán lại để phân luồng cho phù hợp. Nếu làn D1 và D2 ùn tắc thì chúng tôi cũng sẽ phải chuyển đổi và tính toán lại cho phù hợp để "chia lửa". Không có chuyện sân bay Tân Sơn Nhất ưu tiên làn này hay làn kia", ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, hiện nay ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất có công suất 15 triệu khách một năm, trong khi mới 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt 18,5 triệu khách, rõ ràng cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp. Trong khi nhà ga T3 cũng chưa thể khởi công để "chia lửa", giảm ùn tắc. 

Để giải quyết triệt để được tình trạng kẹt xe tại khu vực trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, bắt buộc phải có thêm cơ sở hạ tầng. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng, điều tiết từ trong ra ngoài sân bay nhằm đảm bảo cho hành khách đi lại thuận tiện. Việc 3 tuyến xe buýt đã đưa vào hoạt động tại sân bay cũng giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, từ đó giảm tải cho xe taxi", ông Tiến chia sẻ.

Sân bay Tân Sơn Nhất lý giải về trạm thu phí khiến dư luận bức xúc - Ảnh 2.

Sân bay Tân Sơn Nhất lý giải về trạm thu phí khiến dư luận bức xúc - Ảnh 3.

Làn D1 và D2 ùn tắc nghiêm trọng, hành khách chờ gần 1 tiếng đồng hồ mới đón được taxi công nghệ

Sân bay Tân Sơn Nhất lý giải về trạm thu phí khiến dư luận bức xúc - Ảnh 4.

Trong khi làn C và D taxi lại thông thoáng nhưng không có sự chia lửa giảm tải để hành khách bớt khổ.

Ông Phạm Văn Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư TCP (đơn vị quản lý nhà trông giữ xe TCP) cho biết: "Phương tiện vào sân bay khá đa dạng, ngoài xe công nghệ còn có xe cá nhân, xe taxi, xe hợp đồng nên khi di chuyển vào nhà giữ xe đều được đối xử bình đẳng như nhau. Khi ô tô vào nhà giữ xe, chúng tôi phát thẻ vào và đầu ra sẽ thu lại cùng phí giữ xe. Trong 25.000 đồng phí thu bao gồm 15.000 đồng phí giữ xe, phần còn lại 10.000 đồng là phí ra vào sân bay thu hộ cho sân bay Tân Sơn Nhất".

Theo ông Châu, hiện nay hạ tầng quá tải nên khả năng nhà xe cũng đáp ứng không đủ với nhu cầu thực tế. Việc TCP thu hộ phí ra vào sân bay giúp tài xế tiết kiệm thời gian làm thủ tục khi qua trạm thu phí. Tài xế chỉ dừng lại đưa vé để nhân viên trạm thu phí kiểm tra và không thanh toán thêm phí nào nữa.

Sân bay Tân Sơn Nhất lý giải về trạm thu phí khiến dư luận bức xúc - Ảnh 5.

Để giảm ùn tắc khu vực bên trong, nhà xe sân bay TCP phải sắp xếp, phần luồng xe từ ngay bãi đệm phía ngoài

"Chức năng của chúng tôi là trông giữ xe, mà hiện nay TCP thu tiền giữ xe mức giá còn thấp hơn so với quy định bảng giá ban hành của UBND TP.HCM quyết định từ năm 2017 đến nay vẫn chưa điều chỉnh. Trước việc ùn tắc tại làn D1 và D2, nhà xe TCP phải tăng cường thêm nhân viên để phân luồng, sắp xếp taxi vào từ ngay bãi đệm phía bên ngoài. Đồng thời tiến hành điều tiết giao thông để hành khách đi lại thuận tiện", ông Châu cho biết thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận