Mark Zuckerberg đã chính thức lên tiếng về vụ việc. |
Theo PhoneArena, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng của mình sau khi Cambridge Analytica bị cáo buộc truy cập vào hồ sơ của hơn 50 triệu người dùng Facebook mà không được sự đồng ý của họ.
Công ty Cambridge Analytica nhận được dữ liệu từ giáo sư Aleksandr Kogan của Đại học Russian-American Cambridge, người ban đầu nói rằng chỉ sử dụng dữ liệu này cho nghiên cứu. Giám đốc điều hành của Cambridge Analytica, Alexander Nix, đã bị đình chỉ bởi chính công ty này sau khi bị ghi hình bởi một phóng viên hoạt động ngầm, rằng ông có thể bôi nhọ danh tiếng của các chính trị gia bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Alexander Nix cũng là người chịu trách nhiệm cho chiến thắng của Tổng thống Donald Trump vào năm 2016.
Sau khoảng thời gian "im hơi lặng tiếng", vào ngày 21/3 vừa qua, Mark Zuckerberg đã chính thức lên tiếng về vụ việc. Anh đã giới thiệu một kế hoạch 3 điểm để đảm bảo rằng Facebook không còn lỏng lẻo trong việc quản lý dữ liệu cá nhân của người dùng nữa. Bước đầu tiên là khởi động một cuộc điều tra để xem xét lại tất cả các ứng dụng có quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng trước khi Facebook thắt chặt tình trạng truy cập vào năm 2014.
Thứ hai, các ứng dụng bây giờ sẽ bị giới hạn, chỉ được phép thu thập (khi người dùng đồng ý) các dữ liệu như tên, địa chỉ email và ảnh đại diện.
Cuối cùng, Facebook sẽ phát triển một công cụ cho phép người dùng xem ứng dụng nào có thể truy cập dữ liệu của họ. Người đăng ký có thể ngăn chặn bất kỳ ứng dụng nào mà họ không muốn tiếp cận với dữ liệu cá nhân của mình.
"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn và nếu không thể làm điều này thì chúng tôi không xứng đáng để phục vụ cho bạn. Tôi đã tìm hiểu chính xác những gì xảy ra và làm thế nào để nó không diễn ra một lần nữa. Tin vui là những hành động quan trọng nhất để ngăn vụ việc này tái diễn đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Nhưng chúng tôi cũng đã mắc sai lầm, vẫn còn có rất nhiều việc phải thực hiện, và chúng tôi cần phải bước lên và thực hiện chúng.
Đây là một sự vi phạm lòng tin giữa Kogan, Cambridge Analytica và Facebook. Nhưng đồng thời nó cũng làm ảnh hưởng tới sự tin tưởng của người dùng với Facebook, những người đã chia sẻ dữ liệu với chúng tôi và kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ bảo vệ chúng. Chúng tôi cần phải thay đổi điều đó".
Facebook hiện đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra về việc vi phạm một thỏa thuận mà họ đã kí kết từ năm 2011. Văn bản này yêu cầu Facebook phải được sự cho phép của người dùng trước khi sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng dưới bất kỳ hình thức nào. Vụ bê bối Cambridge Analytica đã được Facebook phát hiện từ năm 2015 nhưng công ty không hề thông báo cho người dùng hay các cơ quan có thẩm quyền.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.