Mặt bằng cản tiến độ thi công 20 cầu trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 23/05/2024 18:36

Nhà thầu huy động số lượng lớn máy móc, nhân sự, tập kết vật liệu nhưng mặt bằng được bàn giao nhỏ giọt, xôi đỗ khiến nhiều hạng mục thi công gặp khó. Máy móc "đắp chiếu", công nhân "đói việc" là cảnh tượng thi công đang diễn ra ở một số đoạn trên dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Mặt bằng cản tiến độ thi công 20 cầu trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang- Ảnh 1.

Thi công cầu Hàm Yên vượt sông Lô

Quyết tâm hoàn thành cầu lớn nhất vượt tiến độ 3 tháng

Những ngày cuối tháng 5/2024, vượt quãng đường gần 200 km từ Thủ đô Hà Nội, PV Tạp chí Giao thông vận tải có dịp chứng kiến quá trình tổ chức thi công tại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đây là công trình quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và khu vực Đông Bắc, Tây Bắc nói chung.

Theo tìm hiểu, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Công trình có chiều dài khoảng 77 km được chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19 đến XL24).

Điều đáng chú ý nhất của dự án này so với các dự án cao tốc khác đang triển khai là việc chia tách các gói thầu xây lắp. Cụ thể, gói thầu XL24 trị giá khoảng 736 tỷ đồng, khối lượng thi công gồm 22 cầu, công địa thi công trải dài 77 km trên toàn tuyến. Gói thầu này được chủ đầu tư giao cho liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Cầu 75 tổ thức thi công. Trong đó, Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm triển khai 20 cầu (trị giá 626,3 tỷ đồng) và Công ty CP Xây dựng Cầu 75 triển khai 2 cầu (trị giá 109,7 tỷ đồng).

Đường vào công trường dự án bằng ô tô khá thuận lợi, điểm tiếp cận đầu tiên của chúng tôi là khu vực thi công cầu Hàm Yên vượt sông Lô nằm cách QL2 chừng gần 5 km trên địa phận xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Theo quan sát, hàng chục công nhân kết hợp với dàn máy móc chuyên dụng của nhà thầu đang tập trung thi công cọc khoan nhồi, bệ trụ… đến nay đã có 2 trụ cầu ngoi lên khỏi mặt nước.

Mặt bằng cản tiến độ thi công 20 cầu trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang- Ảnh 2.

Cầu Hàm Yên dài khoảng 343 m, là cây cầu lớn nhất của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Ông Lê Đức Tranh - Giám đốc điều hành gói thầu XL24 (Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, cầu Hàm Yên dài khoảng 343 m, là cây cầu lớn nhất của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Tại công trường cầu Hàm Yên, nhà thầu đang triển khai 7 mũi thi công (6 mũi thi công trụ cầu và 1 trụ thi công bãi đúc dầm).

Theo ông Tranh, cầu Hàm Yên được khởi công từ cuối tháng 10/2023, nhưng đến khoảng giữa tháng 1/2024, nhà thầu mới được địa phương bàn giao một phần mặt bằng để tổ chức triển khai, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, xác định cầu Hàm Yên là hạng mục quan trọng nhất của gói thầu XL24 nên trong hơn 4 tháng qua Tập đoàn Đèo Cả đã tập trung tối đa nhân sự, máy móc, thiết bị, vật liệu… để tổ chức thi công.

"Đến nay, sản lượng thi công của cầu Hàm Yên đã đạt khoảng 12%, lớn nhất trong các cầu thuộc gói thầu XL24. Tập đoàn Đèo Cả quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công để hợp long cầu Hàm Yên vào cuối năm 2024, hoàn thành vào 30/4/2025, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch của chủ đầu tư", ông Tranh nhấn mạnh.

Mặt bằng cản tiến độ thi công 20 cầu trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang- Ảnh 3.

Cầu Km48 của gói thầu XL24 hiện chỉ tiến hành thi công được 2 trụ và bệ trụ. Còn lại thiếu mặt bằng để tổ chức thi công các hạng mục mố M1, mố M2 và các trụ T1, T4, T5.

Máy móc "đắp chiếu", công nhân "đói việc" vì thiếu mặt bằng

Khác hẳn với không khí thi công nhộn nhịp ở cầu Hàm Yên, cách đó vài cây số tại công địa thi công cầu cạn Km48 dù tập trung rất nhiều máy móc, nhân sự nhưng nhịp điệu thi công lại khá trầm lắng. Theo quan sát, trên thực địa chỉ có một vài công nhân, máy móc của nhà thầu đang tiến hành gia công thép, khoan cọc nhồi của 2 trụ và bệ trụ, còn lại số lượng lớn máy móc, thiết bị đang trong cảnh "đắp chiếu".

Chia sẻ về cảnh tượng này, ông Nguyễn Ngọc Tú, Chỉ huy phó gói thầu XL24 nói thẳng: "Chúng tôi đã tập kết số lượng lớn máy móc, thiết bị và nhân sự để tổ chức thi công cầu cạn Km48 nhưng hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa bàn giao phần mặt bằng còn lại nên chưa thể tổ chức thi công các hạng mục mố M1, mố M2 và các trụ T1, T4, T5. Hàng tháng qua, máy móc, thiết bị đưa đến dự án đều phải "đắp chiếu", anh em công nhân không có việc làm, gây nhiều khó khăn cho nhà thầu".

Thông tin thêm với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Lê Đức Tranh - Giám đốc điều hành gói thầu XL24 (Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, trong 20 cây cầu do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm thi công, hiện chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng của 12 cầu. Tuy nhiên, trong số 12 cây cầu này có một cây cầu không có đường tiếp cận, còn lại 11 cây cầu, mặt bằng được bàn giao theo kiểu "xôi đỗ".

"Chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều họp mỗi tháng/lần và đưa ra kế hoạch bàn giao mặt bằng thi công theo từng đợt nhưng các mốc bàn giao đều trượt tiến độ. Đặc biệt, một số cầu dù đã nhận mặt bằng nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về đường công vụ ngoại tuyến, đường tiếp cận vào thi công, điển hình như cầu Mỹ Lâm (Km11 + 860), cầu Đức Ninh (Km30+800),… khiến tiến độ thi công gặp nhiều khó khăn", ông Tranh nói và cho biết, hiện nay, sau khoảng 4 tháng thi công, sản lượng có gói thầu đạt khoảng 30 tỷ đồng (đạt 5%).

"Trên toàn công trường, chúng tôi đang huy động 11 mũi thi công với 120 đầu máy thiết bị, 160 công nhân, 30 cán bộ kỹ thuật. Số lượng máy móc, thiết bị sẽ tiếp tục được tăng cường khi chủ đầu tư, chính quyền địa phương bàn giao thêm mặt bằng. Nhà thầu cam kết sẽ thi công hoàn thành đúng kế hoạch toàn bộ 20 cầu của dự án trong năm 2025"
Ông Lê Đức Tranh - Giám đốc điều hành gói thầu XL24 (Tập đoàn Đèo Cả).

Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, một chuyên gia cầu đường chia sẻ: "Khi chủ đầu tư tách riêng các cầu nhỏ và phần đường ra thành các gói thầu khác nhau thì nhà thầu thi công cầu sẽ không thể chủ động được đường công vụ dọc tuyến. Chẳng hạn, nhà thầu làm đường chưa triển khai nhưng nhà thầu làm cầu đã thi công thì nhà thầu làm cầu phải làm riêng đường công vụ tiếp cận công trường, bãi đúc riêng, trạm trộn bê tông riêng,… dù chỉ là làm một cầu nhỏ, sẽ mất rất nhiều thời gian và lãng phí tiền của".