Máy bay điện mở ra kỷ nguyên thứ ba cho ngành hàng không

Tác giả: khoahoc.tv

saosaosaosaosao
Sản phẩm 24/06/2019 07:35

Triển lãm hàng không Paris (diễn ra từ ngày 17 đến 23-6 tại Paris, Pháp) thu hút sự chú ý với việc ra mắt và công bố kế hoạch sản xuất các mẫu máy máy bay điện, báo hiệu một kỷ nguyên mới của ngành hàng không sắp được mở ra.


 

36c2b_anh_1_3_
Máy bay điện Alice, có sức chở 9 người của hãng máy bay điên Eviation Aircraft (Israel) được trưng bày tại Triển lãm hàng không Paris lần thứ 53. Ảnh: Financial Times

Sự trỗi dậy của máy bay điện và máy bay lai điện (có thể vận hành bằng nhiên liệu truyền thống lẫn pin) được thể hiện rõ tại Triễn làm hàng không Paris lần lần thứ 53, nơi các công ty khởi nghiệp (startup) cạnh tranh với các ông lớn trong ngành công nghiệp hàng không để giới thiệu những công nghệ mới, giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn và tốt cho môi trường hơn so với các mẫu máy bay truyền thống.

Theo hãng tư vấn Roland Berger, số mẫu máy bay điện và lai điện đang được phát triển trên toàn cầu đã tăng gần 50% trong năm qua lên con số 170. Con số này có thể tăng lên 200 vào cuối năm 2019.

Có hai yếu tố lớn thúc đẩy đầu tư cho máy bay điện và lai điện. Thứ nhất, ngành công nghiệp hàng không toàn cầu đang thải ra 3% tổng mức thải khí carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu mỗi năm, gây ra các lo ngại về biến đổi khí hậu. Tỷ lệ này được dự báo tăng mạnh trong những năm tới khi lượng máy bay mới đi vào hoạt động không ngừng gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hàng không.

Thứ hai, ngành hàng không thế giới đang tốn quá nhiều chi phí nhiên liệu với ngân sách mua nhiên liệu khoảng 180 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

“Gia tăng tiết kiệm nhiên liệu là khía cạnh tiếp thị quan trọng để bán máy bay trong nhiều thập kỷ qua. Máy bay điện sẽ là giai đoạn kế tiếp”, Nikhil Sachdeva, nhà tư vấn cấp cao ở Roland Berger, nói.

Tại Triển lãm hàng không Paris, hãng máy bay điện Eviation Aircraft (Israel) gây chú ý nhiều nhất khi thông báo hãng hàng không Cape Air (Mỹ) sẽ là khách hàng đầu tiên của mẫu máy bay điện Alice do Eviation Aircraft sản xuất.

c6a67_anh_3
 

Eviation Aircraft cho biết số lượng máy bay Alice mà Cape Air đặt mua là “hai con số”. Omer Bar-Yohay, Giám đốc điều hành Eviation Aircraft, tiết lộ các khách hàng tiềm năng của Alice bao gồm hai hãng máy bay lớn của Mỹ United Continental và JetBlue Airways.

Alice có thể chở 9 hành khách trong chặng bay 1.046 km sau mỗi lần sạc pin. Eviation Aircraft tuyên bố Alice có thể giúp cắt giảm đến 70% chi phí vận hành cho các hãng hàng không.

Mẫu máy bay này sử dụng một cánh quạt đẩy ở đuôi và thêm hai cánh quạt nữa ở đầu mút của hai cánh. Nó hoàn toàn được vận hành bằng pin và có thể bay ở độ cao 10.000 foot (3,05km).

Kỷ nguyên thứ ba của hàng không

Triển lãm hàng không Paris cũng chứng kiến một thương vụ đáng chú ý giữa hai ông lớn trong ngành công nghiệp hàng không châu Âu. Hãng động cơ máy bay Rolls-Royce (Anh) đồng ý mua công ty khởi nghiệp phát triển các hệ thống động cơ đẩy điện và lai điện cho máy bay Siemens eAircraft,thuộc tập đoàn Siemens (Đức) với mức giá không tiết lộ. Thương vụ dự kiến được ký kết vào cuối năm nay.

Siemens eAircraft có trụ sở tại Đức và Hungary, đang sử dụng 180 kỹ sư chuyên ngành hàng không.

“Điện khí hóa sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ đối ngành hàng không giống như việc thay thế động cơ piston bằng tuốc-bin khí ở các máy bay. Chúng ta đang ở giai đoạn bình minh thuộc kỷ nguyên thứ ba của ngành hàng không”, Rob Watson, Giám đốc bộ phận nghiên cứu động cơ điện của hãng Rolls-Royce, nói.

Ngay trước thềm Triển lãm hàng không Paris, tập đoàn United Technologies (Mỹ) thông báo kế hoạch sáp nhập với công ty quốc phòng Raytheon để tạo ra công ty mới có tên gọi Raytheon Technologies Corporation có giá trị vốn hóa 166 tỉ đô la Mỹ vào năm sau.

United Technologies đem đến Triển lãm hàng không Paris một số công nghệ hàng không mới nhất đồng thời lần đầu tiên công bố “Dự án 804” nhằm nghiên cứu và sản xuất các máy bay lai điện với mục tiêu bay thử nghiệm năm 2022.

Paul Eremenko, Giám đốc công nghệ United Technologies, cho biết Dự án 804 sẽ phát triển một loại máy bay tuốc-bin cánh quạt cỡ vừa, hoạt động tầm khu vực, sử dụng các bộ pin và một hệ thống động cơ đẩy lai điện công suất 2 MW.

Trong khi đó, ông lớn Airbus cũng tuyên bố các thỏa thuận hợp tác với hai tập đoàn công nghiệp hàng không châu Âu Daher và Safran để hướng đến mục tiêu bay thử máy bay lai điện vào năm 2022.

Daher sẽ đảm nhận phần lắp đắt các hệ thống và linh kiện cho máy bay lai điện, còn Safran sẽ đóng góp một hệ thống động cơ đẩy có tên gọi EcoPulse. Trong khi đóm Airbus sẽ lo liệu các bộ pin và thiết kế khí động học.

Mẫu máy bay lai điện này sẽ vận hành nhờ một hệ thống động cơ đẩy điện lai phân bổ bao gồm một máy tuốc-bin phát điện cho các động cơ điện và các cánh quạt.

Trong tuần này, Airbus cũng cho biết đã ký kết văn bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác với Hãng hàng không Scandinavia (hãng hàng không đa quốc gia của các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy) để nghiên cứu các hệ thống máy bay điện và lai điện.

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Airbus đặt mục tiêu thay thế mẫu máy bay thân hẹp 320neo, đang là "cần câu cơm" chính cho Airbus, bằng mẫu máy bay động cơ đẩy lai điện trong vòng 15 năm tới.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận