Chiếc hộp đen đầu tiên được tìm thấy vào ngày 1/11. Thông tin từ thiết bị này sẽ cho biết tốc độ thật sự của máy bay khi gặp nạn, nhưng các nhà điều tra đang gặp khó khăn trong việc tải dữ liệu vì một cổng kết nối của hộp đen bị hư hại. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, dữ liệu được các công ty theo dõi các chuyến bay FlightRadar24 cung cấp cho thấy chiếc 737 MAX 8 đã lao thẳng đầu xuống và mũi của máy bay đạt góc 45 độ so với mặt đất ngay trước khi va chạm xảy ra. Đây là góc lớn bất thường so với một máy bay thương mại.
Tốc độ chính xác của máy bay sẽ được xác định sau khi các nhân viên điều tra hoàn tất quá trình phân tích dữ liệu từ chiếc hộp đen thứ nhất. Nhà chức trách Indonesia vẫn chưa công bố bất cứ chi tiết nào về đường đi và tốc độ của máy bay. Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài phút sau khi chiếc máy bay dân dụng cất cánh khỏi sân bay Jakarta.
Sử dụng dữ liệu của FlightRadar24, được xác định qua các tín hiệu radio của máy bay, một chuyên gia cho biết chiếc phi cơ có thể đã di chuyển với tốc độ lên tới 1.000 km/h trước khi đâm xuống biển Java.
Theo ông Scott Dunham, cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc Gia Mỹ, đây là một con số ước lượng được tính qua quãng đường di chuyển và độ cao của máy bay.
Ông Dunham, người từng tham gia vụ điều tra năm 2003 về tai nạn của tàu con thoi Columbia và có kinh nghiệm xử lý hàng loạt tai nạn hàng không khác, đưa ra đánh giá này theo yêu cầu của Bloomberg.
Sử dụng một công thức hơi khác, ông John Hansman, giáo sư chuyên ngành hàng không vũ trụ tại Viện Công nghệ Masachusetts, ước tính máy bay đã đạt tốc độ 870 km/h trước khi tai nạn xảy ra.
Việc giảm độ cao nhanh như vậy, theo lời ông Hansman, sẽ khiến hành khách và hành lý trên chuyến bay rơi vào trạng thái không trọng lượng, hoặc có thể có trọng lượng âm. Điều này tiết lộ những gì xảy ra vào khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay, nhưng không giải thích lý do tai nạn.
“Họ lao thẳng xuống mặt đất”, ông Hansman nhận định.
Chuyên gia thứ ba là bà Jasenka Rakas, giảng viên ngành kỹ sư hàng không tại đại học UC Berkeley. Bà Rakas đưa ra những phân tích riêng dựa trên dữ liệu của FlighRadar24 và kết luận tốc độ của máy bay nằm trong khoảng từ 940 đến 1.018 km/h.
Hai chuyên gia từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đang xem xét những mảnh vỡ của chiếc máy bay. Ảnh: AFP |
Dữ liệu thô của FlightRadar24 gợi ý chiếc máy bay chở 189 người bắt đầu lao xuống với tốc độ 560 km/h. Số liệu này cho biết tốc độ của máy bay vào thời điểm nó bắt đầu giảm độ cao nhưng không thể hiện tốc độ của máy bay khi xảy ra va chạm.
Cả ba chuyên gia đều cảnh báo tính toán của họ chỉ mang tính ước đoán chứ không kết luận tốc độ chính xác của máy bay khi đâm xuống biển.
Tuy nhiên, những tính toán này đều phù hợp với kết quả của những giả lập trong trường hợp một chiếc 737 lao xuống với các động cơ đều đang hoạt động.
Ông Dunham cho biết: “Nếu mũi máy bay chúc xuống nhiều như vậy trong khi các động cơ vẫn hoạt động, máy bay sẽ tăng tốc rất nhanh”.
Quá trình điều tra đang được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Indonesia, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ, Cục quản lý Hàng không Mỹ và hãng Boeing phối hợp thực hiện.
Trong 11 phút được FlightRadar24 theo dõi, chiếc máy bay liên tục thay đổi tốc độ và độ cao. Dù không có sự thay đổi nào quá đột ngột, nó cho thấy các phi công đã gặp vấn đề với việc kiểm soát máy bay.
Nếu máy bay ở chế độ bay tự động, các chỉ số sẽ ổn định hơn.
Các dữ liệu của FlightRadar24 bao gồm vị trí GPS, độ cao, thời gian và tốc độ di chuyển ngang của máy bay. Trong 1,6 giây cuối cùng trước khi máy bay mất tín hiệu, nó giảm độ cao hơn 300 m.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.