“Căng thẳng đang dâng cao ở châu Á-Thái Bình Dương… Như tôi đã nhận định, chính vì điều đó các bạn sẽ phải tới đó để gìn giữ hòa bình”.
60% hải quân Mỹ ở châu Á năm 2020
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu như trên với các học viên trong lễ tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ ở TP Annapolis (bang Maryland) hôm 22-5 (giờ địa phương).
Hãng thông tấn AP đưa tin trong bài phát biểu trước 1.070 học viên vừa tốt nghiệp, ông Joe Biden đã mô tả tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây ra tại một số khu vực ở biển Đông là một ví dụ điển hình về các thách thức mới cho hải quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông nhấn mạnh: “Mỹ không bênh vực bên nào trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông nhưng Mỹ sẽ kiên quyết đứng lên để mang lại công bằng và hòa bình cho các tranh chấp và tự do hàng hải. Hiện nay các nguyên tắc ấy đang bị thách thức bởi các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông”.
Ông nhận định biển tiếp tục là nơi tiềm ẩn xung đột và giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh của nước Mỹ.
Ông giải thích phần lớn các sĩ quan hải quân mới ra trường rồi sẽ tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương để góp phần giải quyết các thách thức đang nổi lên ở đây. Ông gửi lời nhắn nhủ: “Chính sách đối ngoại của Mỹ là tái cân bằng hướng vào tiềm năng to lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ thành công nếu các bạn có mặt ở đó”. Ông cho biết đó là lý do tại sao 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ trú đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.
Phó Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định vai trò quan trọng của hải quân Mỹ trong công tác bảo vệ thương mại trên biển. Ông nhận định biển vẫn là xương sống, chiếm 90% giá trị thương mại thế giới và trong tương lai sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Bay tuần tra là sứ mệnh thường xuyên
Trong khi đó, sau sự kiện hải quân Trung Quốc tám lần xua đuổi máy bay tuần tra biển P8-A Poseidon của Mỹ bay trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam), Lầu Năm Góc tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Ngày 23-5, báo Asahi Shimbun (Nhật) dẫn nguồn từ hãng tin Reuters đưa tin Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, khẳng định công tác bay tuần tra ở biển Đông là sứ mệnh thường xuyên và các chuyến bay như vậy sẽ xảy ra vài ngày một lần.
Đại tá Steve Warren cho biết hôm 20-5, máy bay tuần tra biển P8-A Poseidon của Mỹ đã không bay tuần tra trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền xung quanh các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép. Tuy nhiên, ông cho biết điều này có thể xảy ra trong tương lai. Ông khẳng định khu vực các đảo đang tranh chấp thuộc không phận quốc tế, do đó máy bay Mỹ bay qua là chuyện bình thường và mọi nước khác cũng có quyền làm điều đó. Ông nhận định lập trường của Mỹ phản ánh thực tế rằng Mỹ không thừa nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực đất khai hoang trái phép ở biển Đông. Ông nhấn mạnh Mỹ muốn ngăn chặn tranh chấp ở biển Đông trước khi vấn đề này vượt khỏi tầm kiểm soát.
Úc có thể yểm trợ cho Mỹ
Báo Đại Kỷ Nguyên (Mỹ) ngày 22-5 đưa tin ông Peter Jennings, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính phủ bên cạnh thủ tướng Úc, đã đề nghị Úc điều động máy bay quân sự và tàu chiến đến biển Đông để yểm trợ cho Mỹ hạn chế yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông.
Ông Peter Jennings nhận xét vấn đề này đã được nêu trong Sách trắng quốc phòng. Một chương bí mật trong Sách trắng quốc phòng Úc năm 2009 đã vạch ra chiến lược chiến tranh của Úc đối với Trung Quốc.
Năm 2012, chi tiết của chương bí mật này đã được tiết lộ trong cuốn sách của nhà báo Úc David Uren có tựa đề Vương quốc và con mồi: Trung Quốc, Úc, nỗi sợ và lòng tham.
Chương bí mật mô tả chiến lược quân sự bí mật của Trung Quốc ở khu vực phía tây Thái Bình Dương và vạch ra chi tiết kịch bản Trung Quốc có thể phát động chiến tranh ngăn ngừa đối với Mỹ, Nhật và Úc.
Cuộc chiến sẽ bao gồm tấn công trên không gian ảo và phóng tên lửa làm mù các hệ thống thông tin và giám sát của Mỹ. Kế đến là các tên lửa được bắn về hướng các tàu chiến và căn cứ quân sự của Mỹ.
Báo Sydney Morning Herald (Úc) dẫn lời ông Peter Jennings tuyên bố: “Sau khi đã áp đặt quan điểm của chúng ta, giai đoạn kế tiếp sẽ là biểu thị sức mạnh đơn giản bằng cách vượt qua biển cả và trời cao”.
Để đáp trả nguy cơ Trung Quốc phát động chiến tranh, chương bí mật trong Sách trắng quốc phòng của Úc năm 2009 đã từng đề nghị Úc hợp tác với Mỹ đối phó với chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc nhằm kiểm soát biển Đông và biển Hoa Đông.
Chương bí mật nhắm đến khả năng của Úc trong khi tiến hành chiến tranh trên không và trên biển bên cạnh Mỹ chống Trung Quốc. Mục đích nhằm phong tỏa lãnh thổ Trung Quốc từ xa bằng cách kiểm soát đường biển và cắt đường tiếp tế các nguồn tài nguyên cần thiết cho công nghiệp Trung Quốc. Úc sẽ đưa tàu ngầm giúp Mỹ phong tỏa các tuyến đường thương mại của Trung Quốc.
Theo Phapluat
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.