Máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse và hành trình vượt TBD

Khoa học - Công nghệ 15/05/2015 09:40

Máy bay chạy năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 sẽ bước vào cuộc hành trình vượt Thái Bình Dương, từ bờ đông Trung Quốc đến Hawaii nối tiếp 12 chặng bay vòng quanh thế giới.


Máy bay chạy năng lượng mặt trời Solar Impulse 2

Máy bay chạy năng lượng mặt trời Solar Impulse 2

Phi công Andre Borschberg sẽ là người duy nhất trên cabin, ông sẽ phải trải qua 120 giờ (5 ngày) bay ở độ cao cách mặt biển 8,5 km, đối mặt với cái lạnh, không khí loãng và sự chật chội của không gian. Đây quả thật là một thử thách lớn không chỉ đối với chiếc máy bay mà cả người điều khiển nó.

Nhắc lại về Solar Impulse 2 thì đây là một trong những chiếc máy bay mang nhiều tham vọng nhất từng được chế tạo bởi nó chỉ sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để vận hành các động cơ cánh quạt đẩy. Máy bay có trọng lượng 2,3 tấn với vật liệu chủ đạo là sợi carbon và silicon. Nó có sải cánh dài 72 m (hơn 3,5 m so với Boeing 747) nhưng thân lại rất hẹp, ngắn và cabin rộng 3,8 m3 chỉ có 1 chỗ ngồi. Trên các cánh được lắp 17.000 tấm pin mặt trời sạc cho hệ thống pin nặng 633 kg và cấp điện cho 4 động cơ điện, điều này cho phép máy bay hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Bản đồ khu vực bay của Solar Impulse 2

Bản đồ khu vực bay của Solar Impulse 2

Nếu thành công ở chặng thứ 7 này, chuyến bay của Borschberg trên Solar Impulse 2 sẽ phá vỡ kỷ lục về thời gian bay một mình trên một chiếc máy bay được thiết lập trước đó bởi nhà thám hiểm Steve Fossett. Fosset đã bay 67 giờ 1 phút trên chiếc máy bay Virgin Atlantic GlobalFlyer vòng quanh địa cầu.

Tại sao chuyến bay vượt Thái Bình Dương của Borschberg có lộ trình ngắn hơn so với chuyến bay của Fosset nhưng lại mất nhiều thời gian hơn? Câu trả lời là Solar Impulse 2 bay rất chậm, vận tốc của nó chỉ vào khoảng 25 đến 30 knot (46,3 đến 55,5 km/h) trong khi đó, một chiếc Boeing 737 có vận tốc bay khi đã ổn định độ cao là 815 km/h.

Bertrand Piccard là người đã thực hiện liên tiếp 2 chặng bay từ Mandalay, Myanmar đến Trùng Khánh và từ Trùng Khánh đến Nam Kinh. Lần này ông sẽ đảm nhận vai trò hoa tiêu từ xa cho Borschberg, họ liên lạc với nhau qua điện thoại vệ tinh thông qua một trung tâm điều hành tại Thụy Sĩ.

Làm thế nào một con người đóng vai trò là phi công thật sự có thể trải qua một chuyến bay dài như vậy? Vấn đề không đơn giản là cất cánh, bật chế độ autopilot sau đó ngồi đọc sách thư giãn và đợi thời gian trôi qua. Borschberg cho biết: “Khi ngủ, chúng tôi không được ngủ quá 20 phút mỗi lần bởi chúng tôi không thể để chiếc máy bay bay lâu như vậy mà không kiểm soát nó.” Sải cánh khổng lồ và trọng lượng nhẹ của Solar Impulse 2 khiến nó gặp nhiều khó khăn khi bay trên bầu khí quyển so với máy bay thông thường. Chế độ autopilot chỉ hoạt động trong các điều kiện thời tiết yên tĩnh nhất. Piccard cho biết những nhiễu động khí bất chợt sẽ tác động đến các cánh liệng khiến máy bay có thể nghiêng và đổi hướng. Do đó phi công buộc phải nắm chặt cần điều khiển để đảm bảo máy bay vẫn ổn định độ cao và giữ nguyên lộ trình.

Borschberg trên cabin khi ông hoàn tất chặng bay từ Abu Dhabi đến Muscat,

Borschberg trên cabin khi ông hoàn tất chặng bay từ Abu Dhabi đến Muscat,

Trong trường hợp gặp sự cố, Borschberg được trang bị một chiếc dù và có thể bung khẩn cấp. Cả 2 phi công Piccard và Borschberg đều đã được huấn luyện các kỹ năng sống sót với lực lượng hải quân. Trên đại dương mênh mông, những kỹ năng này tạo nên sự khác biệt giữa sống và chết.

Sau khi hạ cánh tại Hawaii, Borschberg và Piccard sẽ chuẩn bị cho 5 chuyến bay khác với điểm đến cuối cùng là Abu Dhabi, nơi cuộc hành trình vòng quanh thế giới của cả 2 bắt đầu hồi tháng 3 vừa qua. Thời gian thực hiện các chuyến bay rất linh hoạt, tùy thuộc vào tình trạng của các thành viên và trời nhiều nắng để duy trì năng lượng cho máy bay. Mục tiêu của Piccard và Borschberg là hoàn tất 12 chặng bay trên Solar Impusle 2 nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về năng lượng tái tạo.

Hà Vũ (Theo TTe, BBC)

Ý kiến của bạn

Bình luận