Phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với các nhà đầu tư để giảm giá tại tất cả các trạm thu phí có phương án tài chính đảm bảo khả năng thu hồi vốn và giảm giá vé cho chủ xe lân cận khu vực trạm phí.
Đây là nội dung chính được Bộ Giao thông Vận tải trả lời cử tri kiến nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương, các nhà đầu tư đề xuất phương án xử lý các bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã miễn, giảm giá vé cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí tại hầu hết các trạm thu phí BOT.
Thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) từ mức từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40feet) từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với các nhà đầu tư để giảm giá tại tất cả các trạm thu phí có phương án tài chính đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Đối với trạm thu phí Bắc Bình Định và trạm Quốc lộ 19 trên địa bàn tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư BOT đã giảm phí đối với xe nhóm 4 và nhóm 5 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016.
Ngoài ra, trên cơ sở số liệu chi phí đầu tư thực tế sau thanh tra, kiểm toán, đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục miễn giảm phí đối với các phương tiện lân cận tại 2 trạm thu phí nêu trên.
“Trong thời gian tới, trên cơ sở giá trị quyết toán cuối cùng của các dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với nhà đầu tư rà soát, cập nhật lại phương án tài chính để tiếp tục xem xét giảm phí chung cho các phương tiện qua 2 trạm thu phí nêu trên nếu doanh thu và phương án tài chính cùa các dự án vẫn đảm bảo khả năng thu hồi vốn”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Liên quan tới chính sách miễn giảm giá, đến nay, toàn bộ các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá, trong đó đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 39 dự án.
Tuy nhiên qua phân tích, trong hợp đồng dự án Bộ Giao thông Vận tải ký kết với nhà đầu tư, chỉ số giá và phương án tài chính có thỏa thuận mức giá 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%/3 năm, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng, tuy nhiên do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá nên Bộ Giao thông Vận tải chưa tăng giá theo lộ trình đã ký.
Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.