Miễn, giảm phí cho gần 110 trường hợp qua trạm Bắc hầm Hải Vân

An toàn giao thông 16/05/2016 14:39

Sáng nay 16-5, ông Phạm Công Hưng, Tổng Giám đốc CTCP Phước Tượng-Phú Gia BOT cho biết, đã có công văn gửi Bộ GT-VT về việc xin cơ chế miễn, giảm phí đường bộ khi qua Trạm thu phí bắc hầm Hải Vân cho gần 110 trường hợp ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Miễn, giảm phí cho gần 110 trường hợp q
Trạm bắc hầm Hải Vân xây dựng để thu phí hoàn vốn Dự án hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia.

Theo ghi nhận của phóng viên ĐTTC, Trạm thu phí bắc hầm Hải Vân để hoàn vốn hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia được xây dựng theo hình thức BOT đang hoàn thành lắp đặt để đưa vào thu phí từ tháng 6-2016. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở thị trấn Lăng Cô cho rằng, việc lắp đặt trạm thu phí ở khu vực này không hợp lý.

Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, đại đa số người dân trên địa bàn đều đồng thuận với hiệu quả, giá trị dự án mang lại, giảm tối đa thời gian lưu thông, đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, một số ít hộ sử dụng phương tiện ôtô tham gia vận tải chuyên tuyến cố định Lăng Cô-Đà Nẵng kiến nghị việc không lưu thông qua 2 hâm đường bộ này vẫn phải đóng phí.

Chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, xác minh từng trường hợp cụ thể. Đồng thời cùng nhà đầu tư dự án bàn bạc và thống nhất danh sách gần 110 phương tiện ôtô của các hộ, doanh nghiệp này để trình Bộ GTVT miễn hoặc giảm một phần phí đường bộ.

Ông Giảng cho rằng, thực tế ngoài các hộ dân bị ảnh hưởng đã được lập danh sách miễn, giảm mức phí qua trạm thu phí; rất nhiều hộ dân trên địa bàn đi tuyến Lăng Cô ra Huế và nhiều hộ dân từ Huế vào Lăng Cô bằng ôtô cũng được hưởng lợi ích của 2 hầm nhưng không phải đóng phí vì không lưu thông qua trạm thu phí dự án này.

Luồng thông tin về vị trí đặt trạm thu phí ở phía bắc Hầm Hải Vân có khả năng ảnh hưởng đến du lịch địa phương, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô nói: “Có thể thời gian đầu lượng khách từ Đà Nẵng ra có xu hướng giảm nhưng khách từ phía Bắc vào, đặc biệt từ Huế về Lăng Cô du lịch, nghỉ dưỡng sẽ gia tăng do thời gian được rút ngắn tối đa. Phải xét trên tổng thể để có đánh giá toàn diện. Thực tế hơn nửa năm đưa hai hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia vào khai thác đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương rất tích cực...” – Ông Giảng nói.

Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên - Huế) gồm các hạng mục: hầm đường bộ Phước Tượng dài 375m, hầm Phú Gia dài 447m, cả 2 hầm đều rộng 12m, gồm 2 làn xe cơ giới, với vận tốc thiết kế 80km/giờ, chịu được động đất cấp 6. Đường dẫn vào 2 hầm dài gần 6km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng.

Dự án do CTCP Phước Tượng-Phú Gia BOT đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao với tổng vốn 1.743 tỷ đồng, được khởi công ngày 18-5-2013 và chính thức khớp nối với tuyến quốc lộ 1 vào ngày 7-12-2015, cho phép các loại phương tiện giao thông như ô tô, xe máy lưu thông qua hai hầm này. Riêng xe đạp và người đi bộ không được qua hầm để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, lắp đặt công nghệ đèn chiếu sáng tiên tiến, tiết kiệm 60% chi phí điện so với các công trình hầm đường bộ còn lại trong cả nước hiện nay...

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh giá: “Việc đưa công trình hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia vào sử dụng không chỉ góp phần hoàn thiện và thay đổi diện mạo hạ tầng quốc lộ 1, tuyến quốc lộ huyết mạch cả nước mà còn đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng qua tuyến đường này, tạo động lực thúc đẩy phát triển về nhiều mặt giữa các tỉnh - thành miền Trung. Đó cũng là một trong những nỗ lực của địa phương nói riêng và ngành giao thông nói chung trong việc tập trung xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông trên quốc lộ 1. Qua đó góp phần đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Ý kiến của bạn

Bình luận