Vết nứt chạy dài mố cầu Đuống. Ảnh: Trần Quang. |
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều vết nứt xuất hiện tại cầu Đuống (Hà Nội), vị trí tiếp giáp giữa tứ nón (phần gia cố mố trụ cầu) và tường cánh mố cầu.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay thời gian qua, nước trên sông Đuống chảy xiết, cuộn xoáy kết hợp với đợt mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc làm nước sông dâng cao, tốc độ dòng chảy rất lớn đã gây sự cố xói lở phá hạ lưu cầu.
Theo khảo sát của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tại phần thân tứ nón có 4 vết nứt, mỗi vết dài khoảng 6,7 m, hở rộng 8,5 cm. Mặt tứ nón có 3 vết nứt, trong đó vết nứt lớn nhất dài 3,7 m, hở rộng 6 cm. Ngoài ra, vết nứt xuất hiện trên bề mặt tường chắn, có dấu hiệu chuyển vị tại khu vực tiếp giáp giữa đốt số 2 và 3, đá hộc xây gia cố sau lưng tường chắn bị sụt lún.
Sự cố trên đã tạo thành một vết nứt chạy dọc theo đê bắc sông Đuống khoảng 40 m. Đường đầu cầu tiếp giáp giữa mặt cầu và tứ nón bị lún sụt 2 m, sâu 18 cm. Đường vào nhà dân và một số công trình lân cận đã bị lún, nứt.
Hộ ông Lê Đình Quý, nhiều vết nứt kéo dài trên nền sân, tường nhà và gia đình đã được chính quyền địa phương di dời.
"Hiện các vết hư hỏng có dấu hiệu phát triển chậm lại song vẫn tiềm ẩn rủi ro, vì vậy cần tiếp tục kiểm tra, theo dõi để xử lý kịp thời tình huống bất lợi", ông Đoàn Duy Hoạch nói.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo Công ty CP đường sắt Hà Hải theo dõi các vết bị lún sụt; phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu chi tiết và đưa ra phương án kỹ thuật xử lý gia cố triệt để, lâu dài, đảm bảo an toàn công trình và nhà dân trong khu vực.
Theo kết luận các đơn vị tư vấn, sông Đuống đoạn qua cầu Đuống bị thu hẹp dòng chảy, cùng với các trụ cầu đã được gia cố mở rộng trước đây, làm tăng lưu tốc dòng chảy qua cầu lớn gây ra nước chảy xiết, hình thành các dòng xoáy lớn gây xói sâu cục bộ. Diễn biến trên kết hợp với đợt mưa to kéo dài khiến tốc độ dòng chảy lớn, gây ra sự cố xói lở tứ nón phía hạ lưu cầu Đuống. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.