Mô hình tổ chức quản lý hạ tầng kỹ thuật khung trên trục giao thông đô thị

12/05/2016 07:15

Bài nghiên cứu phân tích các hạn chế của công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật khung trên trục giao thông chính như: Các cơ quan thẩm định chỉ duyệt các công trình đầu việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình dẫn đến không gian ngầm không ai quản lý, giám sát; công tác quản lý hè phố nói chung trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan.


ª ThS. Phạm Quang Huân

Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.

Tóm tắt: Bài nghiên cứu phân tích các hạn chế của công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật khung trên trục giao thông chính như: Các cơ quan thẩm định chỉ duyệt các công trình đầu việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình dẫn đến không gian ngầm không ai quản lý, giám sát; công tác quản lý hè phố nói chung trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan. Từ các phân tích này, tác giả đề xuất mô hình Ban QLDA hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trực thuộc thành phố chuyên quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm trên hè trục chính giao thông. Ban này được tổ chức theo cơ cấu trực tuyến - chức năng: Sử dụng đồng thời 3 loại quyền hạn: Trực tuyến, chức năng, tham mưu, vẫn duy trì lãnh đạo trực tuyến người phụ trách các bộ phận chức năng, các tuyến đóng vai trò tham mưu cho thủ trưởng của Ban. Việc thành lập Ban QLDA hạ tầng kỹ thuật trọng điểm một mặt giữ được chế độ ủy quyền, mặt khác phát huy được kiến thức kinh nghiệm của chuyên gia, có thể ra quyết định theo sự phân quyền và ủy quyền, phù hợp thực tiễn với địa bàn rộng tại Hà Nội.

Từ khóa: Quản lý cơ sở hạ tầng, mô hình quản lý, hạ tầng kỹ thuật.

Abstract: At present, many infrastructre works on arterial of Hanoi, such as: traffic, water drainage, power supply works...under managament of agencies, departments resulting in overlapping... Evaluation Authorities only approve works in compliance with their functions and assigned tasks resulting in underground spaces are not managed, supervised, namely: For underground spaces of frame infrastructure lie on traffic roadbed on main streets, approval of route direction is task of Hanoi Department of Planning and Architecture. The Department who verifies traffic routes and infrasrtructures to implement projct is Department of Transport and investors of project. This shows that the building of organization model of management apparatus of frame technical infrastructure on Hanoi urban traffic axis in order to overcome existences is really necessary.

Keywords: Infrastructure management, management model, technical infrastructure.

1. Đặt vấn đề

Hiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trên trục giao thông chính của Hà Nội như: Giao thông, thoát nước, cấp điện... do các sở, ngành cùng quản lý dẫn đến chồng chéo, máy móc. Các cơ quan thẩm định chỉ duyệt các công trình đầu việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình dẫn đến không gian ngầm không ai quản lý, giám sát. Cụ thể, đối với các không gian ngầm, hạ tầng kỹ thuật khung nằm dưới lòng đường giao thông trên các tuyến phố chính, việc duyệt hướng tuyến quy hoạch là Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Việc thẩm định các tuyến giao thông và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện dự án là Sở GTVT và các cơ quan đầu tư dự án. Điều này cho thấy, việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý hạ tầng kỹ thuật khung trên trục giao thông đô thị Hà Nội để khắc phục những tồn tại là thực sự cần thiết.

2. Nội dung

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế Hà Nội đã trải qua 6 lần lập quy hoạch nhưng hiện thành phố này không giống đồ án quy hoạch nào đã được phê duyệt.

Thực tế, bên cạnh việc các cơ quan thẩm định chỉ duyệt các công trình đầu việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình, công tác quản lý hè phố nói chung trên địa bàn Thành phố thuộc thầm quyền của nhiều cơ quan. Trong đó, chức năng quản lý chính và tham mưu cho Thành phố là Sở Xây dựng quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở GTVT Hà Nội quản lý giao thông và đường đô thị kết hợp phân cấp cho các địa phương, UBND các quận, huyện, xã, phường, các ban quản lý sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành cũng tham gia vào công tác quản lý.

 Như vậy, việc quản lý hạ tầng kỹ thuật khung trên trục giao thông đô thị Hà Nội đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp cũng như các quy định cụ thể trong quản lý. Để đề án quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đi vào thực tiễn cần có sự thay đổi cả về chất và lượng của bộ máy quản lý chính quyền hành chính. Trong đó, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong công tác quản lý đô thị nói chung, quản lý hạ tầng kỹ thuật nói riêng, tránh chồng chéo, giao nhiệm vụ chung chung, không cơ quan nào chịu trách nhiệm. Nguyên tắc quan trọng trong tổ chức cần lấy hiệu quả và khối lượng công việc để sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính. Từ yêu cầu trên, tác giả đề xuất mô hình tổ chức bộ máy quản lý hạ tầng kỹ thuật khung theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Cụ thể:

Một là, bộ máy quản lý hạ tầng kỹ thuật khung trên trục giao thông sẽ tập trung quản lý không gian lòng đường và vỉa hè. Theo đó, việc quản lý không gian lòng đường đối với đường phố chính đô thị sẽ do Sở GTVT Hà Nội quản lý, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố. Đơn vị này chủ trì, phối hợp với các ngành khác trong công tác quản lý lòng đường đô thị, có quyền đề xuất với UBND Thành phố cách chức lãnh đạo các địa bàn có tuyến đường chính đô thị chạy qua vi phạm quản lý trật tự đô thị.

Đối với các không gian ngầm hạ tầng kỹ thuật khung nằm dưới lòng đường giao thông trên các tuyến phố chính, việc thẩm định phê duyệt quy hoạch và thực hiện giám sát thi công dự án do tổ liên ngành phê duyệt và giám sát. Tổ liên ngành này do cơ quản quản lý lòng đường chủ trì, các cơ quan có liên quan đến nhiệm vụ, chức năng của mình là thành viên.

Về quản lý không gian vỉa hè, cần thành lập Ban QLDA hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trực thuộc Thành phố, chuyên quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm trên hè trục chính giao thông. Ban chịu sự chỉ đạo hoạt động chuyên môn của các sở chuyên ngành, một lãnh đạo cấp phó 2 sở GTVT và Xây dựng kiêm nhiệm chức phó ban. Chức năng của Ban là đấu mối cung ứng các dịch vụ công cho các tổ chức và cá nhân, như: Cấp phép, cho thuê hành lang kỹ thuật hạ tầng kỹ thuật, cấp phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngầm, đầu tư các hệ thống tuynel và hào kỹ thuật, các hệ thống chờ đường dây đường ống.

Trên cơ sở đó, mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý cơ bản theo mô hình trực tuyến theo đường thẳng, chỉ có một chủ thể cấp trên là UBND TP. Hà Nội và một chủ thể cấp dưới chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc của mình là Ban QLDA hạ tầng kỹ thuật trọng điểm (Hình 2.1) .

huan1
Hình 2.1: Sơ đồ đề xuất mô hình quản lý HTKTK trục đô thị

Đặc điểm của mô hình này là trong tổ chức sử dụng mối quan hệ trực tuyến: Mỗi cấp chỉ có một người quản lý trực tiếp. Người quản lý trực tuyến ở mỗi cấp tự điều hành không có các cơ quan chức năng giúp việc. Nghĩa là, mỗi người quản lý phải thực hiện tất cả các chức năng quản lý và chịu trách nhiệm hoàn toàn về hệ thống dưới quyền của mình.

Hai là, vị trí, cơ cấu tổ chức Ban Quản lý hạ tầng kỹ thuật trọng điểm: Ban Quản lý hạ tầng kỹ thuật trọng điểm có Hội đồng Ban và Tổng giám đốc, hai phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Ban là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố, UBND Thành phố và trước pháp luật thực hiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Ban, Tổng giám đốc và phó Tổng giám đốc là người điều hành các hoạt động hàng ngày của Ban dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Ban; Chủ tịch hội đồng Ban do Thành ủy, UBND Thành phố bổ nhiệm và miễn nhiệm, Tổng giám đốc và phó Tổng giám đốc Ban do thành viên Hội đồng Ban bầu đề xuất trình Thành phố bổ nhiệm.

- Ưu điểm: Tuân thủ chế độ một thủ trưởng nên tạo ra sự thống nhất chung cho toàn tổ chức. Mối quan hệ đơn giản, trách nhiệm rõ ràng.

- Nhược điểm: Yêu cầu nhà quản lý phải có kiến thức tổng hợp, toàn diện, không thể thực hiện trong điều kiện phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao trong một tổ chức; không sử dụng được các chuyên gia trong khi gánh nặng quản lý đè lên vai các nhà lãnh đạo trực tuyến; sự phối hợp ngang giữa các bộ phận yếu, phải xây dựng chặt chẽ quỹ chế phối hợp giữa các ngành các cấp với nhau như: Giữa Ban với các sở quản lý nhà nước.

- Trong Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, tác giả đề xuất cơ cấu trực tuyến - chức năng: Là mô hình cơ cấu kết hợp những ưu điểm chính của hai loại hình cơ cấu trực tuyến và cơ cấu chức năng hình thành cơ cấu mang tính liên hợp. Sử dụng đồng thời 3 loại quyền hạn: Trực tuyến, chức năng, tham mưu, vẫn duy trì lãnh đạo trực tuyến người phụ trách các bộ phận chức năng, các tuyến đóng vai trò tham mưu cho thủ trưởng của Ban. Họ được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực nhất định: Thu thập thông tin về quyết định, giúp phân tích xử lý thông tin để lựa chọn ra quyết định, giúp tổ chức thực hiện quyết định cho cấp dưới bằng cách đôn đốc, kiểm tra (Hình 2.2).

+ Ưu điểm: Một mặt giữ được chế độ ủy quyền, mặt khác phát huy được kiến thức kinh nghiệm của chuyên gia, họ có thể ra quyết định theo sự phân quyền và ủy quyền, phù hợp thực tiễn với địa bàn rộng tại Hà Nội.

+ Nhược điểm: Có thể tạo ra nhiều bộ phận chức năng khiến mô hình trở nên quá cồng kềnh, phức tạp, phản ứng chậm với những thay đổi của môi trường chi phí quản lý tăng.

huan2
Hình 2.2: Cơ cấu tổ chức Ban Quản lý HTKT trọng điểm theo mô hình trực tuyến - chức năng

Dựa trên cơ sở khoa học và nội dung chính của nhiệm vụ quản lý, tác giả đề xuất xây dựng các phòng tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Ban Quản lý hạ tầng kỹ thuật trọng điểm bao gồm các phòng: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Phòng Tài chính - Kế toán; Phòng Kỹ thuật liên địa bàn; Phòng Thanh tra, kiểm soát; Phòng Quản lý địa bàn. Các phòng quản lý địa bàn được lập theo đơn vị hành chính tương ứng các quận, huyện: Quận Ba Đình, quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, quận Bắc và Nam Từ Liêm, quận Long Biên, huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm..., tùy theo tính chất công việc và yêu cầu quan lý có thể thành lập thêm các phòng tại những nơi tiếp giáp vùng phát triển đô thị, các thị xã, thị trấn, trung tâm các huyện ngoại thành.

Ba là, vị trí chức năng và nhiệm vụ của bộ máy quản lý hạ tầng kỹ thuật khung.

 Việc xây dựng chức năng của Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm phải dựa trên 5 nhiệm vụ của quản lý: Quản lý tổ chức, quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý xã hội và một số đặc trưng riêng có tính đặc thù của Hà Nội. Trong đó nêu rõ: Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP. Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch, hoạt động theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND Thành phố; đồng thời chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT, các bộ, ngành có liên quan; cung cấp cho thuê các dịch vụ công ích đối với các tổ chức cá nhân liên quan đến hạ tầng kỹ thuật ngầm như: Hệ thống hào kỹ thuật, tuynen kỹ thuật, hệ thống cống bể cáp ngầm kỹ thuật...; đầu tư, xây dựng thỏa thuận đối nối các hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như: Hào kỹ thuật, tuynel kỹ thuật, hệ thống cống bể cáp chạy trên trục giao thông khung của Thành phố; tham gia thẩm định các công trình, đề tài nghiên cứu thực hiện liên quan đến phần ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật...

Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm có nhiệm vụ làm đầu mối cung cấp cho thuê các dịch vụ chờ đặt đường ống, đường dây thoát nước, cấp nước, cấp điện thông tin liên lạc trong hệ thống hào kỹ thuật, tuynel kỹ thuật, hệ thống bể cáp chung của Thành phố; chủ trì xác định đơn giá thuê các dịch vụ trên cơ sở phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố; được Thành phố ủy quyền phân cấp, thu xếp vốn đầu tư các công trình công ích hào kỹ thuật, tuynel, cống chờ bể cáp; thỏa thuận với các tổ chức, các nhân cung cấp các dịch vụ như: Nước, điện, thông tin liên lạc...; thực hiện đấu nối kỹ thuật, sắp xếp bố trí vào hệ thống hào kỹ thuật... chung của Thành phố; tham gia thẩm định các công trình, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông các công trình hạ tầng kỹ thuật khác liên quan đến hệ thống chờ hào kỹ thuật, tuynel, cống bể cáp, có quyền tạm dừng quá trình thực hiện thẩm định dự án khi không tuân thủ các quy định về hệ thống ngầm hệ thống kỹ thuật hào kỹ thuật, tuynel, bể cáp...

3. Kết luận

Việc thành lập Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trực thuộc Thành phố chuyên quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm trên hè trục chính giao thông sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo, nhiều cơ quan quản lý trên một không gian hẹp. Theo đó, Ban này sẽ là đầu mối cung ứng các dịch vụ công cho các tổ chức và cá nhân, như cấp phép, cho thuê hành lang kỹ thuật hạ tầng kỹ thuật, cấp phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngầm, đầu tư các hệ thống tuynel và hào kỹ thuật, các hệ thống chờ đường dây đường ống.

Tài liệu tham khảo

[1]. Quyết định số 1259/2011/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[2]. Bộ Xây dựng (2010), Quy chuẩn QCVN 07:2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị ban hành kèm theo Thông tư 02/2010/TT-BXD ngày 5/02/2010.

[3]. Trần Đức Dục (2000), Một số vấn đề cơ bản về kinh tế đầu tư quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng đô thị, NXB. Xây dựng, Hà Nội.

[4]. Trường Đại học Kiến trúc (2011), Giáo trình thi công công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, NXB. Xây dựng, Hà Nội.

[5]. Hiệp hội Các đô thị Việt Nam (2006), Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị: Kinh nghiệm liên minh châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận