Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ nối với đoạn La Sơn - Túy Loan để hợp thành tuyến Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan. Ảnh: Quang Tám |
Những con đường, dự án đã đi vào lịch sử mang dấu ấn của những người thợ cầu đường mặc áo lính như: Đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh, đường Tuần tra biên giới và sau này các doanh nghiệp quốc phòng tham gia xây dựng hạ tầng giao thông như QL1A, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Những người lính làm kinh tế không chỉ độc lập tham gia các dự án mà còn tham gia mô hình liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp giao thông và quốc phòng như BOT Nghi Sơn - Cầu Giát (Cienco 4 và Tổng công ty 319), mang lại hiệu quả tích cực.
Không chỉ tham gia với tư cách là các nhà thầu, trong những năm qua các doanh nghiệp quốc phòng đã chủ động tham gia sâu vào các lĩnh vực GTVT như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và cả làm chủ đầu tư các dự án. Tổng công ty 36 là đơn vị đầu tiên tham gia với vai trò là chủ đầu tư các dự án BOT như QL19 và QL6, Công ty TNHH BOT 36.71 là đơn vị thành viên của Tổng công ty 36 là đơn vị tiên phong tham gia BOT với vai trò là chủ đầu tư.
Đã là kinh doanh thì lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu, tuy nhiên đối với dự án BOT QL19 do Công ty 36.71 làm chủ đầu tư thì lợi nhuận không phải là tất cả. Thượng tá Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 chia sẻ, Dự án BOT QL19 chạy qua hai tỉnh Bình Định, Gia Lai triển khai thi công từ cuối năm 2013, hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác hoàn vốn từ ngày 01/6/2016. Đoạn qua tỉnh Bình Định từ km17+054 đến km50+00. Chiều dài tuyến là 33,082km đi qua địa bàn thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn. Đối với các dự án BOT thông thường, nhà đầu tư chọn vị trí đặt trạm thu phí ở địa điểm thuận lợi cho việc khai thác hoàn vốn nhưng riêng BOT QL19 thì không, trạm thu phí đặt tại km49+550 nằm ở cuối tuyến, cách trung tâm huyện Tây Sơn 10km, cách thị xã An Nhơn 20 - 30km, trong khi lưu lượng xe chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm đổ về QL1A, cảng và TP. Quy Nhơn... nên người dân khu vực nói trên hưởng lợi từ dự án rất nhiều. Người dân thường xuyên lưu thông trên con đường BOT hàng chục kilomet nhưng không phải đóng phí, xe qua trạm chủ yếu là xe đường dài... Đây là dự án mà người dân được hưởng lợi mặc dù nhà đầu tư đang phải bù lỗ do lưu lượng xe thấp, phương án tài chính không đảm bảo.
Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông. Về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, trong tháng 10/2019 các ban QLDA đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Đến ngày 18/11/2019, các ban QLDA đã tổ chức đóng thầu toàn bộ 8 dự án. Kết quả có 32 bộ hồ sơ dự tuyển đã được nộp, trong đó dự án ít nhất có hai bộ hồ sơ dự sơ tuyển là Mai Sơn - QL45 và dự án có nhiều hồ sơ nộp sơ tuyển nhất là Nha Trang - Cam Lâm với 9 bộ.
Ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Ban đang triển khai nhiều dự án trên khắp cả nước, những “nhà thầu mặc áo lính” đã trở thành hình ảnh thân thương, quen thuộc. Từ khi Ban triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 cho đến nay, những đóng góp của các doanh nghiệp quốc phòng là rất lớn. Dự án mới nhất là đoạn Cam Lộ - La Sơn mà Ban đang triển khai có 11 gói thầu xây lắp, hiện đang triển khai thi công 02 gói thì Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là nhà thầu tham gia thi công 01 gói. Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông hiện đang tổ chức bán hồ sơ và đấu thầu như dự án PPP Nha Trang - Cam Lâm.
“Trong thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển có 23 nhà đầu tư mua hồ sơ, đến thời điểm đóng thầu có 9 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự tuyển, nhiều nhất trong 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam thì chưa có nhà đầu tư nào “mặc áo lính” tham gia nhưng chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp quốc phòng tham gia thi công dự án này vì họ có nhiều kinh nghiệm, năng lực khi tham gia các dự án giao thông. Đây là “mối lương duyên” mà những kỹ sư, công nhân quốc phòng đã “bén” trên các dự án giao thông” Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chia sẻ.
Báo cáo về đoạn Cam Lộ - La Sơn, ông Lâm Văn Hoàng cho biết tiến độ cơ bản được đảm bảo. Còn lại, 9 gói thầu đang triển khai công tác đấu thầu, dự kiến tháng 12/2019 sẽ lựa chọn xong nhà thầu cho 5 gói, đầu năm 2021 hoàn thành 4 gói cuối cùng.Báo cáo về dự án Mai Sơn - QL45, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, năm 2019 Ban được giao 600 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đến nay đã giải ngân được 185 tỷ đồng, đạt 30%. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2019, hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa sẽ giải ngân hết toàn bộ 600 tỷ đồng đã được cấp, đặc biệt tỉnh Thanh Hóa hiện có nhu cầu xin thêm 200 tỷ đồng. Về công tác sơ tuyển nhà đầu tư, sau khi đóng thầu, đơn vị nhận được 02 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư và đang tiến hành chấm thầu sơ tuyển. . |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.