Lời dạy của Cố giáo sư Văn Như Cương – người sáng lập trường. |
Nhiều phụ huynh trường Lương Thế Vinh, Hà Nội đùa, có con theo học trường này, cha mẹ phải vất vả hơn nhiều, bởi không có chuyện bố mẹ để con ở trường rồi phó mặc tất cả cho thầy cô. Trường được mệnh danh là có "kỷ luật thép", gần như không có chỗ cho những biểu hiện ngỗ nghịch, vô tâm, ích kỷ.
Đơn cử, việc chạy xe máy khi chưa đủ tuổi là điều cấm kỵ. Cha mẹ cũng không cần lo lắng chuyện con sa đà vào smartphone giờ học, bởi mọi điện thoại di động phải được tắt khi bước vào trường. Chuyện văng tục, gây gổ, bạo lực trong trường học không được phép diễn ra.
Nội quy ở không dừng lại ở vài ba dòng hình thức chung chung mà luôn hướng đến việc rèn giũa nhân cách người học gần như chuẩn mực. Những chuyện tế nhị trong cư xử cũng làm nên văn hoá ứng xử chung cho thầy trò. Từ việc chào hỏi, xưng hô với thầy cô giáo, nhân viên trong nhà trường. Khách đến làm việc muốn hỏi đường phải dừng và xuống xe, gỡ khăn che mặt, cởi kính râm để thể hiện sự tôn trọng người khác.
Hơn hết, chuyện xử phạt như thế nào cho có lý, có tình, không sa đà vào việc trừng phạt ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh cũng đều cần có sự đồng thuận, tôn trọng từ phụ huynh.
Rửa bát, lau lá cây cảnh hay dọn thư viên trường là các hình thức kỷ luật nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. |
Cô Phạm Thanh Việt, giáo viên chủ nhiệm lâu năm tại trường cho biết, phụ huynh và học sinh Hà Nội không còn xa lạ với những câu chuyện truyền miệng về kỷ luật nghiêm khắc của trường Lương Thế Vinh. Đơn cử, với em H.P. H, học sinh lớp 11D5. H. từng bị đình chỉ học tập 3 ngày vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
H.P. H từng chia sẻ: "Lúc nhà trường cho nghỉ em rất buồn. Em sợ phải xa bạn bè trong khi cô thì rất cương quyết". Thoạt nghe, hình phạt có vẻ nặng tay. Tuy nhiên, theo cô Việt, trước đó, H. đã vi phạm nhiều quy định khác. Hình thức xử lý này cũng đã nhận được sự thống nhất từ đầu cùng phụ huynh.
Học sinh luôn được tâm sự chia sẻ khi mắc lỗi. |
Ở Lương Thế Vinh, chuyện cha mẹ thường xuyên lên gặp mặt nhà trường để nghe những nhắc nhở về việc học tập, tác phong của học sinh không hiếm, càng không dành riêng cho "học sinh cá biệt".
Quan điểm của trường là luôn cố gắng tạo ra cầu nối để gắn kết với phụ huynh mỗi ngày. Trước một số băn khoăn của phụ huynh về các nội quy nghiêm khắc của nhà trường, cô Hiệu phó Văn Thuỳ Dương khẳng định, nhà trường muốn hướng đến việc "Dạy các con biết chấp hành kỷ luật nếu muốn tự do. Chịu kỷ luật như là một cách tôn trọng danh dự". Cô còn chia sẻ: "Việc tương tác giữa phụ huynh và giáo viên quyết định sự thành công trong việc thay đổi các con".
Tinh thần dạy thật - học thật - nên người thật
Với việc theo đuổi nguyên tắc kỷ luật chặt chẽ, cùng chương trình giảng dạy được thiết kế khoa học, trường Lương Thế Vinh năm nào cũng nhận về "quả ngọt" với số học sinh đậu đại học cao. "Nhưng niềm tự hào lớn nhất của nhà trường nằm ở tinh thần giáo dục nhân văn mà nhà giáo Văn Như Cương đã ươm mầm, làm nên danh tiếng bền bỉ 30 năm giữa thủ đô", cô Văn Quỳnh Giao hiệu phó nhà trường chia sẻ.
Nhà giáo Văn Như Cương là người sáng lập nhà trường, cũng là nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia, đã thường xuyên mạnh dạn phản biện nhiều vấn đề giáo dục nóng của đất nước...
Học tập phải là niềm say mê tự thân
Một trong những tinh thần quan trọng nhất tại trường Lương Thế Vinh là học thật - thi thật. Chuyện quay cóp tại trường gần như vắng bóng, việc đánh giá kiểm tra luôn hướng đến tiêu chí công bằng.
Để làm được điều đó, từ chương trình đào tạo trường đã cẩn trọng. Theo cô Phạm Hồng Hoa, giáo viên môn giáo dục công dân: "Trường có mục tiêu kép. Khi có những điều chỉnh về thi cử, nếu học sinh nhiều trường khác phải nhao lên đi luyện thi thì trước đó, giáo viên chúng tôi đã có chương trình cho các em học đầy đủ, bài bản từ chương trình tại lớp học".
Mùa tuyển sinh luôn "nóng" tại trường THCS&THPT Lương Thế Vinh. |
"Việc tìm được một ngôi trường tin cậy để gửi gắm con trong giai đoạn phát triển nhân cách, phẩm chất là ưu tiên quan trọng trên hành trình nuôi dạy con cái. Chính phụ huynh cùng các em học sinh sẽ là người lựa chọn môi trường phù hợp nhất với tiêu chí giáo dục mình muốn theo đuổi", cô Văn Thùy Dương cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.