Môn học lần đầu xuất hiện trong dự thảo chương trình phổ thông

19/04/2017 09:02

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra một số môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Giáo dục kinh tế và pháp luật. Một số môn mang tên mới nhưng nội dung được phát triển từ môn đã có.

hoc-sinh-gia-mang-bau-4779-1492499163
Học sinh trải nghiệm giả mang bầu để hiểu mẹ hơn. Ảnh: Đình Khoa.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một trong những môn mới lần đầu được đưa vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, tham gia phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục. Nội dung cơ bản của môn học gồm 5 lĩnh vực: Phát triển cá nhân; Cuộc sống gia đình; Đời sống nhà trường; Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội; Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động.

Trong dự thảo chương trình mới, môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ được học từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo dự thảo, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh hình thành các phẩm chất, thói quen, kỹ năng sống... thông qua sinh hoạt tập thể, các dự án học tập, hoạt động xã hội, thiện nguyện, lao động, các loại hình câu lạc bộ... Bằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo của bản thân, mỗi học sinh vừa là người tham gia, vừa là người kiến thiết và tổ chức các hoạt động cho chính mình, qua đó biết cách khám phá, điều chỉnh bản thân, cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống và làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm. Ở giai đoạn này, mỗi học sinh cũng bắt đầu xác định được năng lực, sở trường và chuẩn bị một số năng lực cơ bản của người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có tính phân hóa, được thực hiện theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc trường. Các hình thức tổ chức chủ yếu là thực hành nhiệm vụ ở nhà, sinh hoạt tập thể, trò chơi, hội thảo, tham quan, thực hành lao động, hoạt động phục vụ cộng đồng…

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật được bắt buộc ở lớp 10 và tự chọn bắt buộc ở lớp 11-12. Ở lớp 10, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực kinh tế và pháp luật, từ đó có hứng thú đối với môn học và đánh giá đúng nguyện vọng, sở trường của bản thân để lựa chọn môn học ở lớp 11-12 một cách phù hợp.

Ở lớp 11-12, môn này dành cho học sinh định hướng theo ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học gồm những vấn đề kinh tế và pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh.

Môn Tiếng dân tộc thiểu số cũng lần đầu được đưa vào chương trình học tự chọn, dạy từ tiểu học.

Môn học có tên mới, nội dung cũ

Môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên (bậc tiểu học), Khoa học tự nhiên (THCS), có nội dung được phát triển từ môn Tự nhiên và xã hội, Khoa học của chương trình hiện hành.

Nội dung cốt lõi của môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội là kiến thức tổng quan về quá trình tiến hóa (thời gian, không gian), lịch sử dựng nước và giữ nước; nguyên nhân của hưng thịnh, suy vong của các quốc gia - dân tộc; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm dân cư, cơ cấu và phân bố nền kinh tế… 

Môn Tìm hiểu tự nhiên, Khoa học tự nhiên là tích hợp kiến thức về Vật lý, Hóa học, Sinh học. Môn học giới thiệu về: vật chất, sự sống, năng lượng, Trái Đất, bầu trời; các nguyên lý và quy luật chung của thế giới tự nhiên; vai trò của khoa học đối với sự phát triển xã hội; vận dụng kiến thức khoa học trong sử dụng và khai thác thiên nhiên một cách bền vững.

khoa-hoc-tu-nhien-7008-1492499163
Các môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Khoa học tự nhiên có nội dung được phát triển từ môn Tự nhiên và xã hội, Khoa học của chương trình hiện hành. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Môn học Nghệ thuật (tiểu học và THCS) và Hoạt động nghệ thuật là tổng hòa của môn Âm nhạc và Mỹ thuật hiện nay. Môn Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (THCS) có tiền thân là môn học Đạo đức, Giáo dục công dân. Giáo dục thể chất là môn thể dục như chương trình hiện hành nhưng thay đổi về hình thức tổ chức. Nội dung này sẽ được giảng dạy thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao, học sinh được chọn tham gia môn phù hợp với sở thích mà không phải học tất cả môn thể thao như trước.

Môn Thế giới công nghệ (lớp 1-3), Tìm hiểu công nghệ (lớp 4-5), Công nghệ và hướng nghiệp (THCS), Thiết kế và công nghệ là sự mở rộng của môn Công nghệ, giao thao với môn Tin học ở chương trình hiện hành. Ở tiểu học, môn này giới thiệu thế giới kỹ thuật, công nghệ thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học sinh tiếp xúc hằng ngày… Học sinh được trải nghiệm thiết kế kỹ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kỹ thuật, lắp ráp các mô hình kỹ thuật đơn giản, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh trong chậu.

Ở THCS, học sinh được bổ sung kiến thức về những nguyên lý cơ bản của quá trình sản xuất chủ yếu; hiểu biết ban đầu về tư duy thiết kế; phương pháp lựa chọn nghề cùng thông tin về các nghề nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất chủ yếu... Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp môn học có nội dung chủ đạo về ngôn ngữ kỹ thuật, tư duy thiết kế và công nghệ cốt lõi...

Môn Tìm hiểu Tin học (lớp 4-5), Tin học (THCS và lớp 10), Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính (lớp 11-12) được phát triển từ môn Tin học hiện nay. Nội dung các môn này cung cấp cho học sinh kiến thức về công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), học vấn số hóa phổ dụng (DL) và khoa học máy tính (CS).

Ý kiến của bạn

Bình luận