(Nguồn: Businesskorea.co.kr) |
Phát biểu sau khi Tổng thống Jae-in tuyên thệ nhậm chức, ông Steffen Dyck, quan chức cao cấp của Moody's, dự báo về những thay đổi trong chính sách kinh tế tới đây của chính phủ mới tại Hàn Quốc, theo đó tập trung vào một số lĩnh vực cải cách cấu trúc, đặc biệt là thị trường lao động và an sinh xã hội.
Sau khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, các chính sách tài chính có thể vẫn được duy trì và định hướng với các nguyên tắc giới hạn lạm phát ở mức 3% Tổng sản phẩm nội địa (GDP), duy trì nợ chính phủ dưới mức 45% GDP. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có thể duy trì các chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh nước này có thể phải đối mặt với các cú sốc tiêu cực.
Theo ông Dyck, việc ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống có thể xóa bỏ sự không chắc chắn vốn nổi lên từ quá trình chuyển giao chính trị sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất do dính bê bối tham nhũng. Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với các thách thức, trong đó có cải cách cấu trúc tập trung vào thị trường lao động, cải cách lĩnh vực công, an sinh xã hội, cải cách các tập đoàn gia đình trị (chaebol), giải quyết vấn đề nợ hộ gia đình tăng nhanh.
Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị tiếp tục là nguy cơ hàng đầu đe dọa Hàn Quốc và là vấn đề quan trọng trong việc đánh giá mức xếp hạng tín nhiệm mặc dù Moody's vẫn duy trì quan điểm rằng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự với Triều Tiên rất thấp.
Tháng 2 vừa qua, Moody's đã giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm Aa2 đối với Hàn Quốc do triển vọng ổn định của nước này. Đây là mức cao thứ 3 trong bảng xếp hạng và hiện chỉ có 6 trong số 20 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giữ mức xếp hạng này.
Trong khi đó, báo Philippines Star dẫn lời giới phân tích cho rằng tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với 4 thách thức lớn trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng và sự bất bình của người dân Hàn Quốc đối với tình trạng tham nhũng tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.
Theo báo trên, thách thức trước hết là mối đe dọa hạt nhân của nước láng giềng Triều Tiên. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in tuyên bố để ngỏ các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Do đó, nếu có kế hoạch thực hiện "Chính sách Ánh dương" của cựu Tổng thống Kim Dae-jung - tái khởi động đối thoại và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên để thuyết phục Triều Tiên thay đổi - thì Tổng thống đắc cử Moon Jae-in sẽ cần thuyết phục giới chỉ trích rằng việc nối lại hợp tác kinh tế sẽ không tạo nguồn vốn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thách thức thứ hai là ông Moon Jae-in sẽ phải theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt liên quan tới việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Không chỉ vậy, tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc giải quyết bài toán kinh tế Hàn Quốc hiện nay, như tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao và việc quá lệ thuộc vào nền kinh tế xuất khẩu khiến nước này yếu thế khi bị trả đũa kinh tế.
Ngoài ra, việc xây dựng niềm tin và sửa đổi Hiến pháp theo hướng minh bạch hơn và có sự tham gia nhiều hơn của người dân sau vụ bê bối chính trị của cựu Tổng thống Park Geun-hye cũng là một thách thức đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Cũng trong ngày 10/5, báo Koreatimes nhận định sau chiến thắng của ông Moon Jae-in, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ khôi phục mối quan hệ vốn căng thẳng liên quan việc triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ vốn đi xuống của Hàn Quốc với Nhật Bản có thể sẽ trầm trọng hơn, theo đó, Tokyo có thể sẽ từ chối lời kêu gọi mà chính phủ mới có thể đưa ra về việc đàm phán lại thỏa thuận “phụ nữ mua vui” gây tranh cãi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.