Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ là công trình hiện đại, |
Thị trường vận tải hàng không tăng trưởng mạnh mẽ
Thị trường hàng không Việt Nam năm 2017 tiếp tục có sự tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường vận tải hành khách và tàu bay hạ cất cánh tại các cảng hàng không. Sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 606,8 nghìn lượt hạ cất cánh (tăng 8,7%), 94,4 triệu lượt hành khách (tăng 16,9%) và 1,35 triệu tấn hàng hóa (tăng 22,2%) so với năm 2016. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 44,74 triệu hành khách (tăng 16%) và 310,38 nghìn tấn hàng hóa (tăng 8,7%).
Thị trường đã có sự tham gia khai thác của 64 hãng hàng không nước ngoài từ 26 quốc gia/vùng lãnh thổ. Các hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific Airlines đang khai thác 113 đường bay quốc tế từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng và Phú Quốc. Tại thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines và VASCO đang khai thác 53 đường bay nội địa.
Bên cạnh hoạt động thường lệ, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng tăng cường hoạt động khai thác thuê chuyến quốc tế theo từng thời điểm tới Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, làm tiền đề để sớm khai thác các đường bay quốc tế thường lệ tới các địa phương này trong năm 2018, phù hợp với chủ trương tăng cường khai thác các đường bay quốc tế tới các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế mới được đầu tư, xây dựng.
Sản lượng và tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không tăng cao tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ lên kết cấu hạ tầng, năng lực phục vụ của các cảng hàng không, sân bay cũng như công tác quản lý điều hành bay.
Phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh an toàn hàng không
Năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành Hàng không bảo đảm tốt an ninh hàng không dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5; bảo đảm tốt an ninh hàng không cho Hội nghị Cấp cao APEC; khắc phục tình trạng lọt vật phẩm nguy hiểm; triển khai thực hiện huấn luyện phát hiện vũ khí, chất nổ cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; tổ chức lực lượng an ninh kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh hàng không tại Cảng Hàng không Vân Đồn; xây dựng đề án thành lập Công ty TNHH MTV ACV nắm giữ 100% vốn điều lệ bảo đảm; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện Nghị quyết 2371 và Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2017, năng lực giám sát an toàn hàng không do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đánh giá đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, thể hiện qua kết quả đợt rà soát kỹ thuật vào tháng 10/2017 (Technical Review) theo chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế (International Aviation Safety Assessment - IASA).
Để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân cũng như xu thế trong tương lai, nhiều cảng hàng không, sân bay đã được tu bổ, nâng cấp, trong đó phải kể đến quy mô mở rộng của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với định hướng trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, tổng công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Những dấu ấn đặc biệt
Ngày 27/12, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN220 từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 10h05 đánh dấu chuyến bay thứ 800 nghìn trong năm của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Đây cũng là chuyến bay phục vụ hành khách thứ 94 triệu thông qua các cảng hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) trong năm 2017 và chào đón hội viên Bông Sen Vàng thứ 1,5 triệu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Trong năm 2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã điều hành an toàn hơn 800.000 lần chuyến, tăng 10% so với thực hiện năm 2016. Để có được kết quả này, VATM đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực vùng trời và năng lực thông qua tại các sân bay. Trong đó, VATM ưu tiên công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và áp dụng công nghệ mới để tăng thêm lưu lượng trên vùng trời, góp phần tăng tần suất cất/hạ cánh. VATM cũng phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng để tối ưu hóa các đường bay, tiết giảm tối đa chi phí cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao luôn được VATM đặc biệt chú trọng, tiến hành nhiều giải pháp nâng cao trình độ nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Năm 2017, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực điều hành khai thác cảng; đầu tư nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa hạ tầng các cảng hàng không với trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn cho các chuyến bay và hoạt động bay tại các cảng hàng không trong mọi tình huống; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển dịch vụ hàng không và phi hàng không, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành Hàng không, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV đạt trên 94 triệu hành khách, tăng 16% so với thực hiện năm 2016; sản lượng hàng hóa - bưu kiện vận chuyển ước đạt 1.338.565 tấn, tăng 19% so với thực hiện năm 2016; sản lượng cất hạ cánh ước đạt 611.165 lượt/chuyến, tăng 10% so với thực hiện năm 2016.
Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và các hãng hàng không thành viên (gồm Jetstar Pacific, VASCO) trong năm 2017 cũng có nhiều đột phá khi thực hiện gần 180.000 chuyến bay an toàn, vận chuyển 26,5 triệu lượt khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ, vận chuyển hàng hóa ước đạt 343.000 tấn (tăng gần 19% so với năm 2016)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.