Đại diện Liên minh Kinh tế Á – Âu và đại sứ các nước thành viên tại buổi họp báo |
Theo báo cáo của đại diện các nền kinh tế thành viên EAEU, kim ngạch trao đổi hàng hóa tính đến tháng 4/2017 giữa hai bên đã tăng 28%. Đồng thời, xuất khẩu tăng 22,4% và nhập khẩu tăng 41%. Đặc biệt, điều kiện thuận lợi về thuế giúp các sản phẩm công – nông nghiệp từ Liên minh đến Việt Nam cũng như sự gia tăng số lượng sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, thủy - hải sản… từ Việt Nam vào một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng như EAEU.
Đánh giá về những thành công ban đầu của Hiệp định, ông Mukai Kadirkilov – Bộ trưởng Hợp tác Hải quan của UB kinh tế Á-Âu cho rằng, chính sách về thuế giữ vai trò quan trọng. “Sự phát triển khá cân bằng trong xuất – nhập khẩu hiện nay cho thấy Hiệp định đang phát huy hiệu quả, đặc biệt với chính sách ưu đãi thuế giúp hàng hóa của hai bên dễ dàng thâm nhập vào thị trường của nhau.” – ông Mukai Kadirkilov nói.
Được biết, phía Liên minh kinh tế Á-Âu đã hủy bỏ thuế quan nhập khẩu cho 43% tổng số hàng hóa của Việt Nam thuộc dòng thuế quan của Biểu thuế thống nhất của Liên minh (UCT-EAEU). Dự kiến trong 10 năm tiếp theo, số lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc diện miễn thuế từ Việt Nam sẽ chiếm 90% các danh mục của UCT-EAEU.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện EAEU cho biết, đang cùng với Việt Nam tiến hành xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, giúp giảm thời gian làm thủ tục và khai báo hàng hóa cho doanh nghiệp. Cũng như kế hoạch nâng tầm Hiệp định đến khía cạnh liên doanh sản xuất. “Đây sẽ là một bước đi quan trọng của EAEU và Việt Nam, giúp nâng tầm mối quan hệ của hai bên.” – ông Mukai Kadirkilov cho biết.
Theo đó, phía Liên minh EAEU và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận xây dựng các xí nghiệp liên doanh Việt Nam – Liên bang Nga, Việt Nam – Belarus tại Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy và sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu trong khối ASEAN. Điển hình như nhà máy sản xuất ô tô Minks “MAZ” với công suất 1500 chiếc/năm, trong đó, tỷ lệ phụ tùng do Việt Nam sản xuất chiếm 40%.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thâm nhập thị trường các nước EAEU theo FTA Việt Nam – EAEU. (Ảnh minh họa) |
Song song với các thành tựu mà hai bên đã đạt được, ông K.V.Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam cũng chỉ ra nhiều thách thức mà các quốc gia ký kết Hiệp định phải đối mặt.
Theo Đại sứ, mức độ tăng trưởng trong hoạt động thương mại vẫn đang dừng ở mức độ số lượng hàng hóa được trao đổi, thậm chí, nhiều mặt hàng có sự sụt giảm so với năm 2016. Mặt khác, việc tiếp cận các thông tin về chính sách ưu đãi và tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Việc trao đổi thông tin liên quan đến thi hành Hiệp định còn chưa sâu, cùng với đó, một số thủ tục còn gây trở ngại.
“Trong hoàn cảnh trên, tôi hi vọng việc mở rộng về chất lượng hàng hóa, cũng như mong muốn phía Việt Nam hoàn thành quy chế ưu đãi chuyển tiếp, các thủ tục thú y đối với một số mặt hàng của chúng tôi.” – Đại sứ K.V.Vnukov cho biết.
Kết thúc buồi họp báo, ông Đặng Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công thương nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ giữa EAEU và Việt Nam là sự phát triển bền vững, với vai trò quan trọng của các doanh nghiệp. “Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nga và Belarus vừa qua, có sự góp mặt của gần 1000 doanh nghiệp. Đây là con số kỷ lục thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp nước bạn đối với Việt Nam, cũng như sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.”
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, Belarus ) và Việt Nam được ký kết ngày 5/10/2016 nhằm phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư… Theo hiệp định, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mỳ, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép... Thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0%. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.