Nhiều giải pháp thúc đẩy vận tải phát triển
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, sự chủ động triển khai kế hoạch của các đơn vị hữu quan, các đơn vị kinh doanh vận tải, hoạt động vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai lập kế hoạch được thực hiện sớm, cụ thể, sát thực tiễn và đảm bảo thông tin về công tác phục vụ Tết, được thông suốt từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và giữa các đơn vị thường trực, đảm bảo mục tiêu: Không để hành khách nào phải lỡ nghỉ lễ với gia đình vì thiếu phương tiện và không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào do phương tiện kinh doanh vận tải gây nên.
Hoạt động vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt nhìn chung đều đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt vận tải hàng không năm 2017 đã chuẩn bị năng lực lớn, nhiều đường bay, giá cả linh hoạt, cạnh tranh so với đường bộ và đường sắt nên nhiều hành khách đi đường dài (các tuyến Bắc - Nam) đã sử dụng vận tải hàng không thay vì đi tàu hoặc đi đường bộ.
Giá cước vận tải đã được quản lý, vận tải hàng không không tăng giá cước, vận tải đường sắt tăng giá cước hợp lý, cước đường bộ được các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu kê khai, niêm yết công khai tại bến xe, trên xe nên đã hạn chế được nhiều tình trạng thu giá quá quy định, đặc biệt là giai đoạn trước Tết.
Sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là việc tổ chức kiểm tra vận tải và ATGT thông qua đường dây nóng ở cả 2 cấp (Trung ương và địa phương) đã đem lại hiệu quả rõ nét; kết hợp chặt chẽ giữa phương án vận tải với công tác tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện kỹ thuật và năng lực thông hành của các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường bộ kết nối đến bến xe, cảng hàng không, ga đường sắt và các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Trong năm 2017, Bộ GTVT đã chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực vận tải theo đúng tiến độ và chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017. Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đẩy mạnh công tác quản lý các lĩnh vực vận tải và tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định tại các nghị định, thông tư; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, thí điểm hoạt động các loại hình vận tải chưa được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, đẩy mạnh công tác hướng dẫn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng xăng hoặc năng lượng điện) phục vụ chở khách du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn một số địa phương (hiện tại Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố).
Bộ đã hướng dẫn phối hợp các địa phương tiếp tục cấp phép, cấp phù hiệu cho xe vận tải hàng hóa từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn theo lộ trình quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn về vận tải hành khách công cộng (xe buýt), phối hợp một số địa phương tăng cường công tác quản lý xe taxi, văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, đặc biệt là hiện tượng ”xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định; phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức hội thảo về hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ để tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất các nội dung quản lý để đưa các nội dung quản lý trong quá trình sửa đổi bổ sung văn bản QPPL.
Năm 2017, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội taxi, doanh nghiệp taxi, đơn vị công nghệ tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) để bàn các giải pháp triển khai thực hiện và giải quyết các kiến nghị của các đơn vị kinh doanh xe taxi đối với Uber, Grab. Đơn vị có thẩm quyền đã có nhiều văn bản trả lời kiến nghị của các hiệp hội taxi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp taxi, các đơn vị bến xe, đơn vị vận tải trên địa bàn TP. Hải Phòng; trả lời các báo về vấn đề Uber, Grab, xe taxi, xe 4 bánh có gắn động cơ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế, xe du lịch 2 tầng thoáng nóc chở khách du lịch trong đô thị lớn; có văn bản gửi Công ty Uber Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang để thống nhất thực hiện Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách.
Sản lượng vận tải tăng trưởng khá
Trong năm 2017, sản lượng vận tải ước đạt 1.442,94 triệu tấn hàng, tăng 9,8% so với năm 2016; đạt 4.081,61 triệu lượt hành khách, tăng 11,1% so với năm 2016; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 268,87 triệu Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 182,76 triệu HK.km, tăng 6,8% về luân chuyển hàng hóa và tăng 9,1% về luân chuyển hành khách so với năm 2016.
Có được những kết quả trên là nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp như vận tải hành khách và hàng hóa trên các lĩnh vực đã được đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm xe chạy trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng hoạt động như tuyến cố định; công tác kiểm soát tải trọng xe và kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải đã được triển khai quyết liệt; lập lại trật tự vận tải hành khách liên tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018, theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải thì Vụ đã và đang tham mưu cho Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị hữu quan tập trung chú trọng triển khai quyết liệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, trong đó tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.