ThS. Nguyễn Thị Tường Vi ThS. Chu Kiều Linh Trường Đại học Giao thông vận tải Người phản biện: TS. Trần Thị Lan Hương PGS. TS. Nguyễn Thị Phương |
TÓM TẮT: Cầu trong thị trường vận tải là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp vì nó có tác động đến sản lượng mà doanh nghiệp vận tải cung cho nền kinh tế và cũng giúp cho doanh nghiệp có điều kiện tăng doanh thu và lợi nhuận của mình. Bài báo trình bày nội dung của các giải pháp tăng cầu trong thị trường vận tải nhằm giúp các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
TỪ KHÓA: Thị trường vận tải, cầu vận tải.
Abstract: The demand in the transportation market is the most concerned matter of the business’ owners because it has a massive impact on business productivity which the transportation companies provide for the economy and it also helps the companies increase the sales and profits volume. This article presents some strategies for increasing the transport demand in the market to help businesses choose the solutions which can match the trading and operating conditions of the companies.
Keywords: Transport market, transport demand.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp vận tải là tối đa hóa lợi nhuận. Điều kiện tăng được lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải phải tăng tổng doanh thu và giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải của mình. Doanh thu của doanh nghiệp vận tải được tính bằng sản lượng doanh nghiệp đã bán nhân với giá bán (giá cước vận tải). Vì vậy, khi số lượng sản phẩm vận tải được sử dụng nhiều sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận. Muốn vậy, các doanh nghiệp vận tải phải nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để tăng cầu trong thị trường vận tải.
2. NỘI DUNG
Thị trường vận tải là một chủ đề rộng, để nghiên cứu thị trường vận tải cần nghiên cứu ở 2 góc độ cung vận tải (năng lực của doanh nghiệp vận tải) và cầu vận chuyển. Có nhiều nội dung và cách thức khác nhau, tuy nhiên mỗi một doanh nghiệp vận tải đều có mục đích chung là phải nghiên cứu cầu trong thị trường vận tải để có các giải pháp tăng cầu (tăng sản lượng bán ra) trong thị trường vận tải.
Cầu vận tải là số lượng hàng hóa, hành khách muốn được vận chuyển, có khả năng thanh toán ở các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định. Cầu vận tải là cơ sở để các doanh nghiệp vận tải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, để Nhà nước xây dựng kế hoạch, quy hoạch vận tải một cách hợp lý.
* Cầu vận tải phụ thuộc vào các yếu tố sau
- Giá cước vận tải: Khi giá cước tăng lên thì khách hàng phải trả nhiều tiền hơn cho các doanh nghiệp vận tải, điều này làm cho nhu cầu vận tải có xu hướng giảm (và ngược lại). Ngoài ra, sự thay đổi giá cước của doanh nghiệp vận tải này cũng có ảnh hưởng đến cầu vận tải của doanh nghiệp khác.
- Thu nhập của dân cư: Khi thu nhập của người dân tăng lên thì khả năng mua sắm, đi lại của người dân cũng tăng theo. Mặt khác, thu nhập của dân cư tăng thì các phương thức vận tải có chất lượng cao sẽ tăng lên.
- Quy mô dân số và kết cấu dân cư: Một khu vực mà dân số đông thì số lượng hàng hóa tiêu dùng rất lớn vì cần phải sản xuất hoặc vận chuyển từ vùng khác đến. Số lượng chuyến đi của người dân cũng tăng nhiều, bên cạnh đó kết cấu dân cư cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại.
- Sở thích và thói quen của dân cư: Khi lựa chọn phương thức vận chuyển, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các phương thức vận chuyển mà họ ưa thích. Sự ưa thích đó xuất phát từ sự an toàn, tính tiện nghi cũng như các chỉ tiêu khác thuộc về tổ chức vận tải như giờ xuất phát, thời gian giữa 2 chuyến liền kề, thời gian chờ đợi tại các điểm dừng đỗ…
Các doanh nghiệp vận tải ngoài việc tăng năng lực vận chuyển để tăng cung trong thị trường vận tải bằng các giải pháp như nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, đổi mới quản lý hoạt động sản xuất... thì còn phải quan tâm đến các giải pháp tăng cầu trong thị trường vận tải.
Từ các yếu tố ảnh hưởng đến cầu vận tải như đã nêu ở trên, các doanh nghiệp vận tải sẽ đưa ra các giải pháp để tăng cầu trong thị trường vận tải. Các giải pháp đó bao gồm:
2.1. Chính sách giá của doanh nghiệp
Giá cước (giá bán sản phẩm vận tải) phải xác định cho từng đối tượng, mặt hàng ở từng thời điểm và phải đặt trong mối quan hệ so sánh với giá cước của các doanh nghiệp vận tải khác. Giá cước xác định theo hướng giảm lãi với một đơn vị sản phẩm nhưng tăng số lượng sản phẩm bán ra, nếu sự tăng về số lượng sản phẩm nhanh hơn mức độ giảm giá dẫn đến doanh thu vẫn tăng. Việc giảm giá cước nhằm thỏa mãn ngày càng nhiều hơn cầu của thị trường vận tải.
Giá cả là yếu tố nhạy cảm có thể tác động đến đại đa số khách hàng của doanh nghiệp vận tải, vì vậy xây dựng chiến lược giá cả hợp lý là một trong những điều kiện quan trọng để tăng cầu vận tải.
Trong nền kinh tế thị trường, trước khi đặt giá các doanh nghiệp cần phải cân nhắc đến các yếu tố bên ngoài không nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp như đối thủ cạnh tranh, chính sách giá của Nhà nước..., vì vậy cần phải có mục tiêu rõ ràng khi đặt giá. Mục tiêu này khác nhau phụ thuộc vào từng thời điểm, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và của ngành Vận tải. Các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo những biến động của thị trường vận tải. Các doanh nghiệp vận tải phải xây dựng một hệ thống giá cả phù hợp với thực tế và trong một giới hạn nào đó giao quyền cho các bộ phận trực tiếp giao dịch với khách hàng được phép điều chỉnh giá cả.
2.2. Biện pháp chiêu hàng
Chiêu hàng là những biện pháp mà doanh nghiệp vận tải áp dụng nhằm tăng khả năng thu hút khách hàng. Các biện pháp chiêu hàng bao gồm:
- Có sự ưu tiên đối với khách hàng lâu năm, hoặc có khối lượng vận chuyển lớn, hay phương thức thanh toán nhanh gọn;
- Có những ưu đãi đối với những khách hàng vận chuyển hàng 2 chiều;
- Ưu tiên về cước phí trong những dịp kỷ niệm của doanh nghiệp, của Ngành.
2.3. Công tác tiếp thị quảng cáo
Cầu vận tải là cầu phát sinh và có tính xã hội sâu sắc nên công tác tiếp thị quảng cáo có vai trò quan trọng. Muốn làm tốt công tác tiếp thị doanh nghiệp phải tìm hiểu thu nhập của dân cư từng vùng, sở thích đi lại của dân cư, khối lượng sản xuất của nền kinh tế... để có những phân tích, đánh giá chính xác cầu vận tải, từ những phân tích đó tăng cường tiếp thị quảng cáo để khai thác tiềm năng cầu trong thị trường vận tải.
Công tác tiếp thị quảng cáo bao gồm:
- Hoạt động quảng cáo: Quảng cáo đưa thông tin về giá cước, chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất và đặc điểm của doanh nghiệp... có thể thực hiện hoạt động quảng cáo thông qua báo chí, bằng hình ảnh. Hoạt động quảng cáo giúp cho khách hàng biết doanh nghiệp vận tải có thể vận chuyển được những loại hàng nào để họ quyết định có ký kết hợp đồng vận chuyển hay không. Ngoài ra, qua những thông tin mà doanh nghiệp vận tải cung cấp cho khách hàng thì doanh nghiệp cũng tạo dựng được thương hiệu và uy tín của mình.
- Chào hàng: Là cung cấp, giới thiệu cho khách hàng biết về số lượng, chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp có thể sản xuất trong từng thời gian. Thông thường có các hình thức chào hàng như tổ chức hội nghị khách hàng, trực tiếp gặp từng khách hàng, gửi công văn. Nội dung chào hàng bao gồm giới thiệu về chất lượng, số lượng phương tiện, khả năng đáp ứng cầu vận tải, thủ tục ký kết hợp đồng và phương thức thanh toán... Mục đích của công tác chào hàng nhằm thiết lập, cải tiến mối quan hệ với khách hàng, qua đó dẫn đến việc ký kết hợp đồng vận chuyển với khách hàng.
2.4. Đa dạng hóa dịch vụ
Cầu vận tải có những đặc điểm riêng biệt, mặt khác có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp vận tải, yêu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, phong phú buộc các doanh nghiệp phải đa dạng hóa các phương thức phục vụ.
Những biện pháp đa dạng hóa phương thức phục vụ gồm:
- Với vận tải hành khách: Đa dạng hóa hình thức phục vụ phù hợp với thu nhập và thị hiếu của khách hàng.
+ Phương thức vận tải cho đại đa số khách hàng: Doanh nghiệp vận tải đáp ứng phương tiện, tiện nghi đảm bảo an toàn, lịch sự trong quá trình vận chuyển nhưng chi phí không quá cao so với thu nhập của khách hàng.
+ Phương thức vận tải chất lượng cao: Đối với một bộ phận khách hàng thu nhập của họ cao hơn thu nhập bình quân thì cần phải có sự phục vụ tốt hơn, tiện nghi hơn để tương xứng với chi phí mà họ bỏ ra cho chuyến đi.
+ Hợp đồng trọn gói với đoàn khách du lịch: Doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng với khách hàng, trong hợp đồng ghi rõ địa điểm vui chơi, điều kiện ăn nghỉ... của khách hàng. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm làm mọi thủ tục thay cho khách hàng, khách hàng chỉ phải trả tiền cho doanh nghiệp một lần.
+ Những hình thức phục vụ khác theo yêu cầu của khách hàng.
- Với vận tải hàng hóa gồm có:
+ Hợp đồng cung ứng dịch vụ trọn gói: Đối với loại hợp đồng vận chuyển này, doanh nghiệp vận tải không chỉ chuyên chở hàng từ nơi này đến nơi khác theo yêu cầu của chủ hàng mà còn chịu thêm cả trách nhiệm đóng gói, thu gom hàng hóa cho chủ hàng.
+ Hợp đồng cung ứng dịch vụ đơn lẻ: Tùy theo yêu cầu của chủ hàng và khả năng của doanh nghiệp, nếu chủ hàng chỉ ký hợp đồng mà trong đó chỉ yêu cầu doanh nghiệp vận tải cung cấp phương tiện, hoặc phải có phương tiện thích hợp để chuyên chở thì doanh nghiệp vận tải cũng nên đáp ứng.
Trong nền kinh tế thị trường, khi năng lực vận chuyển và lao động trong ngành Vận tải dư thừa thì các doanh nghiệp có thể cung ứng thêm các sản phẩm sau để vừa tăng cầu vận chuyển vừa để đảm bảo thu nhập và việc làm cho người lao động. Các dịch vụ đó là: Bán vé qua điện thoại và đưa vé đến tận nhà khách hàng, đón khách tại nhà, phục vụ việc ăn uống...
Đa dạng hóa sản phẩm ngành vận tải tạo ra một hình thức kinh doanh tổng hợp, nắm bắt được nhiều cơ hội và làm thị trường vận tải sôi động hơn.
2.5. Cải tiến công nghệ vận tải và đổi mới phương tiện vận tải
Nội dung cơ bản của tăng cầu trong thị trường vận tải là các doanh nghiệp vận tải phải có khả năng đáp ứng cầu ngày càng cao của khách hàng cả về số lượng và chất lượng. Muốn vậy không thể không có công nghệ mới, nếu không đáp ứng được các điều kiện về công nghệ có thể làm thị trường bị thu hẹp do đó công nghệ không chỉ đơn thuần là vấn đề về kỹ thuật mà còn là một giải pháp tăng cầu vận tải. Để thực hiện được việc cải tiến công nghệ, các doanh nghiệp vận tải sẽ thanh lý loại bỏ phương tiện vận tải cũ nát, lạc hậu, hiệu suất sử dụng thấp, đầu tư các phương tiện vận tải có chất lượng cao, đa dạng hóa chủng loại phương tiện vận tải phù hợp với yêu cầu của thị trường.
3. KẾT LUẬN
Qua các nội dung đã trình bày ở trên thấy rằng, mỗi giải pháp tăng cầu trong thị trường vận tải sẽ có những ưu điểm, nội dung và phạm vi sử dụng khác nhau. Các doanh nghiệp trong thị trường vận tải sẽ lựa chọn ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp mình. Các giải pháp trên giúp doanh nghiệp tăng được doanh thu vận tải có cơ hội tăng lợi nhuận thông qua việc tăng sản lượng mà doanh nghiệp đã cung ứng cho nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo
[1]. Trường Đại học GTVT (2003), Kinh tế vận tải.
[2]. Trường Đại học GTVT (2004), Kinh tế học.
[3]. Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường và của sinh viên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.