Quan điểm đột phá chiến lược phát triển KCHT và tầm nhìn đến năm 2050 của ngành GTVT
Bám sát các quan điểm, chủ trương trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và dự báo xu thế phát triển trong thời gian tới, quan điểm lập quy hoạch được tập trung vào những nội dung chính như sau:
1) KCHTGT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho sự phát triển, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
2) Phát triển KCHTGT từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm ATGT, kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông, kết nối vùng, miền, các đầu mối vận tải và quốc tế; phát huy ưu thế của từng phương thức vận tải; tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và đường thủy nội địa, giảm chi phí vận tải và logistics.
3) Hệ thống KCHTGT được quy hoạch bảo đảm cân đối hài hòa, hợp lý về địa lý, dân số và quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả đầu tư, gắn kết với các quy hoạch khác bảo đảm tầm nhìn dài hạn, gắn liền với không gian phát triển kinh tế cho các địa phương, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, làm gia tăng giá trị đất đai để tạo nguồn lực mới cho địa phương và Trung ương.
4) Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống KCHTGT; tập trung đầu tư các dự án theo phương thức PPP, sử dụng nguồn vốn nhà nước trong từng dự án cụ thể; phải linh hoạt, sáng tạo trong tình hình thực tế, trong đó vốn nhà nước đóng vai trò là “vốn mồi” để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”; thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền về huy động nguồn lực, về tổ chức thực hiện cho các địa phương.
5) Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một số định hướng chủ yếu trong quy hoạch Ngành
* Định hướng liên kết vùng và kết nối vùng, liên vùng:
Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng được triển khai trong các quy hoạch từng lĩnh vực, các nội dung kết nối được
Mục tiêu năm 2030, hệ thống KCHTGT đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 6,82%/năm, khối lượng hàng hóa luân chuyển nội địa đạt 534 tỷ tấn.km, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 7,0%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 7,33%/năm; khối lượng hành khách luân chuyển nội địa khoảng 403 tỷ khách.km, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,28%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển mạng lưới GTVT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. |
phân tích, xác định hướng quy hoạch nhằm giải quyết, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trên các hành lang vận tải dựa trên quy hoạch không gian phát triển kinh tế, bảo đảm kết nối nội vùng, liên vùng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho 5 phương thức vận tải giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2.100 - 2.200 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bảo trì hạ tầng), trong đó tổng nhu cầu vốn theo khả năng cân đối nguồn lực là 1.874 nghìn tỷ đồng (với ngân sách nhà nước khoảng 894 nghìn tỷ đồng, chiếm 48%).
* Các nguyên tắc kết nối các phương thức vận tải trong quy hoạch:
1) Trong 5 phương thức vận tải, đường bộ có tính linh hoạt cao, chiếm ưu thế trong vận chuyển cự ly ngắn nên chủ động trong việc kết nối tới các phương thức vận tải khác; 2) Từng bước đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng kết nối với các cảng biển lớn, cảng hàng không (CHK) quốc tế quan trọng và các cảng thủy nội địa chính, trung tâm logistics; 3) Đường thủy nội địa có lợi thế tự nhiên trong kết nối với cảng biển, đóng vai trò hỗ trợ đường bộ trong việc thu gom và giải tỏa hàng hóa tại cảng biển; 4) Cảng biển và CHK có những yêu cầu đặc biệt về vị trí, quy mô nên sẽ là phương thức thụ động trong kết nối, được ưu tiên xác định vị trí và yêu cầu đối với các phương thức còn lại phải chủ động kết nối.
- Đường bộ: Hướng phát triển mạng lưới đường bộ có độ bao phủ hợp lý và đồng bộ với các quy hoạch có liên quan. Mạng lưới đường bộ dự kiến đến năm 2030: Quy hoạch 26 tuyến đường bộ cao tốc, khoảng trên 5.170 km; 173 tuyến quốc lộ, khoảng 29.854 km, trong đó tập trung hoàn thiện tất cả các “điểm nghẽn” kết nối đường bộ với các ngành GTVT khác, đặc biệt tập trung tại các cảng biển, CHK, cửa khẩu quốc tế chính. Định hướng đến năm 2050: Chiều dài quy hoạch tuyến cao tốc khoảng 9.014 km, hệ thống quốc lộ giữ nguyên, trong đó hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
- Đường sắt: Từng bước đầu tư để hình thành mạng lưới và giữ vai trò là loại hình chủ đạo trong tương lai. Dự kiến đến năm 2030: Mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km, bao gồm 7 tuyến chính hiện hữu được quy hoạch với chiều dài 2.378,4 km và quy hoạch để chuẩn bị, thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt với chiều dài 2.368 km. Định hướng đến năm 2050: Mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.427 km; tăng thêm 9 tuyến so với kỳ quy hoạch đến năm 2030 với chiều dài tăng thêm là 1.681 km.
- Đường thủy nội địa: Phát huy lợi thế là nước có mạng lưới sông kênh mật độ cao, có lợi thế ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long giữ vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cảng biển. Mạng lưới đường thủy nội địa dự kiến đến năm 2030: Gồm 55 tuyến vận tải thủy nội địa chính, 54 cụm cảng hàng hóa và 39 cụm cảng hành khách; phát triển đồng bộ cả kết cấu hạ tầng luồng tuyến và cảng bến đối với các tuyến vận tải container bằng đường thủy nội địa kết nối với hệ thống cảng biển. Định hướng đến năm 2050: Đầu tư đồng bộ, hiện đại các tuyến vận tải cũng như các cảng hàng hóa và hành khách theo chiều sâu, đặc biệt là hệ thống bốc dỡ, năng lực quản trị để nâng cao năng lực vận tải thông qua.
- Hàng hải: Với đặc điểm là đất nước có bờ biển dài, với nhiều tiềm năng khai thác lợi thế từ biển trong hoạt động vận tải hàng hóa, cảng biển được dự kiến quy hoạch đến năm 2030 gồm 5 nhóm cảng biển với 36 cảng biển, trong đó: 2 cảng biển đặc biệt (Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu), 15 cảng biển loại I, 6 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III đáp ứng lượng hàng thông qua khoảng 1,14 - 1,42 tỷ tấn. Các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Định hướng đến năm 2050: Đầu tư đồng bộ, hiện đại các luồng, cảng, các công trình phụ trợ, hệ thống bốc dỡ để nâng cao hiệu quả khai thác; tập trung phát triển các cảng biển đặc biệt tiềm năng, cửa ngõ quốc tế theo quy hoạch.
- Hàng không: Là lĩnh vực có khả năng cập nhật các công nghệ hiện đại trong cả quản lý, vận hành, khai thác ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới. Quy hoạch hàng không dự kiến đến năm 2030: Quy hoạch 28 CHK, bao gồm 14 CHKQT, 14 CHK quốc nội, tổng công suất thiết kế dự kiến 278 triệu hành khách/năm. Định hướng đến năm 2050: Quy hoạch 29 CHK, trong đó quy hoạch bổ sung CHK Cao Bằng là CHK quốc nội; phát triển cụm CHK vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối và trung chuyển quốc tế mang tầm khu vực; tiếp tục duy trì quy hoạch vị trí CHK Quốc tế Hải Phòng nhằm mục đích dự bị cho CHK Quốc tế Nội Bài và CHK Quốc tế Cát Bi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.