Một số vấn đề về kỹ năng thực hành nghề của giảng viên, giao viên dạy nghề

Khoa học - Công nghệ 02/10/2013 09:53

ThS. Phạm Văn Chánh Trường CĐN Đường sắt Người phản biện: TS. Phạm Văn Tài


Tóm tắt: Bài viết nêu ra những bất cập trong công tác đào tạo giáo viên dạy nghề, dẫn đến thực trạng giáo viên dạy nghề nhưng kỹ năng nghề còn thiếu hoặc yếu. Liên quan đến vấn đề này chủ trương đánh giá kỹ năng thực hành nghề của giảng viên, giáo viên dạy nghề (GV, GVDN) để cấp thêm một Chứng chỉ kỹ năng nghề (trước đó là Chứng chỉ sư phạm dạy nghề) của Tổng cục Dạy nghề (TCDN) đang được đặt ra nhưng chúng ta lại chưa quan tâm nhiều hoặc chưa có các giải pháp khả thi về đào tạo nguồn GV, GVDN bảo đảm chất lượng. Qua phân tích và ý kiến của đồng nghiệp, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp trong việc đào tạo GV, GVDN; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cụ thể đối với GV, GVDN ở từng lĩnh vực ngành nghề đặc thù khác nhau. Qua đó, để mỗi GV, GVDN, lãnh đạo các cơ sở đào tạo tự đối chiếu, bồi dưỡng, cập nhật hoặc tuyển chọn, đào tạo cho đội ngũ GV của mình để đạt đến chuẩn cần thiết. Trước khi đánh giá cần quan tâm đến khâu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá phù hợp với thời điểm, tính chất đặc thù nghề nghiệp và các mục tiêu về chất lượng đích thực hướng tới.

Abstract: The article expresses the insufficiency in training vocational teachers which leads to the situation that vocational teachers are not good at practical skills. Vietnamese General Department of Vocational Training has proposed the policy to assess practicalskills of  teachers, vocational teachers to issue to them another certificate after they have been granted vocational training certificate. However, this issue has not taken into interest or there has not been sufficient solution for training teachers, vocational teachers. After analysing the situations as well as considering colleagues’ opinons the author puts forward some proposals for training teachers, vocational teachers, building occupational skill standards for various specific fields. Basing on through teachers, vocational teachers, training establishment leaders self-compare, self-improve or recruite, provide refresher courses for training staff to meet the standards. Taking training, retraining tasks into interest, building assessment criteria,  standards and methods in accordance with time of assessment, profession features and quality heading real aimsbefore evaluating.

Luật Dạy nghề của Việt Nam đã được áp dụng từ năm 2006, đến nay, nhiều văn bản pháp quy đã được triển khai hướng dẫn thực hiện cho hệ thống DN trên cả nước. Đội ngũ giảng viên, GVDN về cơ bản đã đáp ứng được về mặt số lượng. Cả nước hiện có khoảng 1.300 cơ sở DN, với khoảng 36.000 giảng viên, giáo viên; trong đó giáo viên dạy trình độ cao đẳng nghề có trình độ thạc sỹ trở lên là 18,3%, giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề có trình độ Thạc sỹ trở lên là 5,4%, giáo viên dạy sơ cấp nghề có trình độ Thạc sỹ trở lên là 1%. Có khoảng  57,8% số giáo viên dạy tích hợp lý thuyết và thực hành nghề, 23,6% giáo viên chỉ dạy thực hành nghề; trong đó, 30% giáo viên dạy cao đẳng nghề và 22% dạy trung cấp nghề đạt chuẩn KNN. Về chương trình đào tạo: các chương trình khung hiện đã và đang được xây dựng để tiến tới chuẩn hóa áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Nhiều chương trình đào tạo của Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được với các chương trình đào tạo của các nước trong khu vực ASEAN và một số quốc gia tiên tiến khác. Cơ sở vật chất cho đào tạo nghề cũng đã được quan tâm đầu tư, khắc phục dần tình trạng dạy chay, học chay… Tuy nhiên, liên quan đến đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề còn có những bất cập cần tiếp tục những nghiên cứu tìm ra các giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện để chuẩn hóa trong tương lai gần, đó là:

+ Trình độ kỹ năng nghề (KNN ) của giảng viên, giáo viên dạy nghề.

+ Các tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá KNN cho giảng viên, giáo viên dạy nghề.

Cả hai vấn đề này rất quan trọng quyết định đến chất lượng đội ngũ lao động kỹ thuật cao, đáp ứng chiến lược phát triển đất nước, hiện thực hóa hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, thực hiện thành công mục tiêu CNH – HĐH đất nước.

Thứ nhất, về trình độ KNN của giáo viên:

Hầu hết giáo viên dạy nghề đều được tốt nghiệp từ các trường đại học (một số ít từ các trường Cao đẳng, công nhân bậc cao, nghệ nhân…). Có một thực tế là, các giáo viên này được đào tạo theo chương trình của các trường đại học không thiết kế cho việc đào tạo để phục vụ công tác giảng dạy nên phần nhiều là kiến thức lý thuyết, nghiên cứu và lý luận; thời lượng dành cho thực hành ít, chủ yếu tập trung ở giai đoạn thực tập công nhân và thực tập tốt nghiệp (chưa phân tích đến yếu tố ở bậc đại học đào tạo theo chuyên ngành rộng), vì vậy, rất khó có thể giúp sinh viên (các giáo viên dạy nghề sau này) hình thành được kỹ năng nghề nghiệp và có một kiến thức sư phạm nhất định (ngoại trừ các trường sư phạm kỹ thuật, công nhân bậc cao, nghệ nhân…). Những bất cập này càng trở nên khó khăn hơn với các nghề đặc thù, các lĩnh vực mới mà trong giai đoạn học đại học, sinh viên chưa được tiếp cận. Ví dụ các nghề thuộc lĩnh vực Đường sắt, Hàng không, Công nghệ thông tin… Khi tốt nghiệp đại học về giảng dạy tại các trường nghề cũng không có điều kiện để thực hành nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành. Với thực trạng như vậy, liệu chất lượng giảng dạy về thực hành có bảo đảm? Người thầy có thể giúp học sinh hình thành kỹ năng trong giai đoạn thực hành cơ bản tại trường?

Để thực hiện hội nhập sâu rộng với thế giới trong lĩnh vực đào tạo nghề, theo sự định hướng và chỉ đạo của TCDN, nhiều chương trình khung đã được biên soạn theo hướng các modul tích hợp, ưu tiên chú trọng về thời lượng thực hành, song do còn có những bất cập như đã phân tích nên việc giảng dạy theo chương trình mới chưa đạt được hiệu quả như bản chất của nó. Cùng với việc thiếu hụt về CSVC, trang thiết bị giảng dạy… giáo viên chủ yếu vẫn thực hiện theo phương pháp cũ (dạy lý thuyết xong cho thực hành cơ bản và gửi đi thực tập sản xuất ngoài hiện trường).

Vấn đề thứ hai, về đánh giá trình độ kỹ năng nghề cho giảng viên, giáo viên:

Bộ LĐ-TB&XH đã có Thông tư số 30/2010/TT-BLĐTBXH, ngày 29/10/2010 Quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề. Về cơ bản, Thông tư đã phần nào giúp các trường có cơ sở tuyển chọn, cũng như đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ, song trên thực tế để triển khai thực hiện đánh giá được chuẩn KNN cho giảng viên, giáo viên cần phải tiếp tục có những nghiên cứu nhằm giải quyết một số bất cập sau:

+ Về tiêu chuẩn KN (Tiêu chuẩn 2, Điều 4), chuẩn KNN của giáo viên lấy theo KNN của bậc thợ chỉ có thể áp dụng được cho các nghề đã có tiêu chuẩn cấp bậc thợ và theo thang bậc thợ 7 hoặc 6 bậc. Các nghề đặc thù hoặc các nghề mới không nằm trong thang bậc thợ này sẽ khó có thể vận dụng được, ví dụ các chức danh thuộc nghề đặc thù của ngành đường sắt (lái tàu, chức danh điều hành chạy tầu, chức danh gác ghi, ghi dồn, tuần đường, tuần cầu,…) hay ở một số lĩnh vực khác như nghề sửa chữa máy vi tính, lắp ráp máy tính, quản trị mạng…

+ Về yêu cầu “…thực hiện thành thạo các kỹ năng của nghề được phân công giảng dạy” là chưa khả thi và khó thực hiện. Vì để có thể hình thành được kỹ năng nghề nghiệp và thành thạo các kỹ năng, người học hoặc giáo viên cần phải trải qua nhiều giai đoạn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thời gian luyện tập và điều kiện thực tập là quan trọng. Để đào tạo một học sinh CĐN hoặc TCN có được kỹ năng nghề của bậc thợ tương ứng khi ra trường, học sinh được học thực hành khoảng  60-70% tổng thời lượng chương trình, tức bằng 1,0 năm/1,5 năm đối với TCN và 1,7năm/2,5 năm đối với Cao đẳng nghề. Trong khi đó, như đã phân tích, giáo viên mới tốt nghiệp từ các trường Đại học không thể có đủ thời gian thực tập như học viên CĐN, TCN. Mặt khác, kể từ khi về trường giảng dạy, quá trình tổ chức dạy thực hành, giáo viên chỉ làm thao tác mẫu ở giai đoạn hướng dẫn ban đầu. Với điểm xuất phát và thực tế như vậy, liệu giáo viên có thể đạt được chuẩn kỹ năng nghề như mong muốn sau vài năm giảng dạy?

 Hiện nay, TCDN đang có chủ trương tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho các giáo viên dạy thực hành và dạy tích hợp đề được cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề (văn bản số 1211/TCDN-GV, ngày 12/7/2013). Đây là một chủ trương đúng nhằm  chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, nếu thực hiện đánh giá ngay theo chuẩn tại Thông tư 30/2020/TT-BLĐTBXH thì sẽ rất khó thực hiện và không phản ánh khách quan trình độ kỹ năng nghề của giảng viên, giáo viên. Vì vậy, trước khi thực hiện chủ trương này cần xem xét thêm các yếu tố: thời điểm hiện nay đã phù hợp chưa, trong khi chúng ta chưa giải quyết được khâu đào tạo nguồn GVDN; phương pháp đánh giá và tiêu chuẩn đánh giá cụ thể. Cái mà chúng ta cần đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng GVDN, đồng thời đặt ra chuẩn KNN để giáo viên, lãnh đạo các trường tự nhận thấy những kiếm khuyết, thiếu hụt nhằm mục đích tự đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là chính chứ không phải đánh giá chỉ để được cấp thêm một văn bằng, chứng chỉ KNN.

Qua một vài phân tích trên, để xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề vừa bảo đảm về số lượng và chất lượng, vừa phù hợp với từng lĩnh vực nghề nghiệp, xây dựng hệ thống mạng lưới đào tạo nghề đủ mạnh, thực hiện thành công chương trình mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đến năm 2015 đào tạo được khoảng 51.000 GVDN, trong đó số giáo viên dạy CĐN, TCN là 37.000 người. Bồi dưỡng về kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến cho 6.000 giáo viên dạy các nghề đầu tư quốc tế, khu vực ASEAN và các giáo viên giỏi khác. Giáo viên dạy ở các nghề trọng điểm khu vực, quốc tế đạt chuẩn về kỹ năng nghề, năng lực sư phạm, ngoại ngữ theo chuẩn, chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới… theo quan điểm cá nhân, chúng ta cần nghiên cứu triển khai một số giải pháp sau:

- Về khâu đào tạo giảng viên, giáo viên dạy nghề:

Thực tế, để giải quyết những bất cập về đào tạo nguồn GVDN như đã phân tích, TCDN và một số trường đã thực hiện nhiều giải pháp, phương án, đề án nhằm đào tạo bồi dưỡng bổ sung kiến thức kỹ năng nghề cho giáo viên bằng nhiều hình thức cả ở trong và ngoài nước (đào tạo tại Malaysia, Singapore, Hàn Quốc…), song vẫn chỉ là những giải pháp tình thế mang tính trước mắt. Về lâu dài cần có những chủ trương mang tính chiến lược nhằm đào tạo ra những giáo viên dạy nghề có đủ KNN cần thiết ngay từ khi tốt nghiệp đại học như: Quy hoạch, nâng cấp mở rộng mạng lưới các trường SPKT sẵn có, cải cách nội dung chương trình đại học theo hướng tăng thêm thời lượng thực hành cho sinh viên, bổ sung kiến thức sư phạm nghề trong các trường Đại học dưới dạng các modul hoặc môn học tự chọn để hướng các sinh viên có xu hướng chọn nghề dạy học có được những kiến thức sư phạm cũng như KNN cần thiết ngay sau khi trở thành kỹ sư, cử nhân.

 - Về chuẩn KNN và đánh giá KNN cho giảng viên, giáo viên dạy nghề:

Trước khi tổ chức đánh giá chúng ta cần tiến hành xây dựng được các tiêu chuẩn  kỹ năng nghề nghiệp riêng cho giáo viên. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề này cần được nghiên cứu xây dựng dựa trên chức năng nhiệm vụ của giáo viên dạy nghề; phương pháp dạy nghề lấy người học làm trung tâm; kết quả phân tích các công việc của nghề nghiệp; yêu cầu về kỹ năng cho từng công việc; tính chất và lĩnh vực giảng dạy các nghề đặc thù… chứ không nên dựa theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề cứng đã xây dựng cho từng nghề để đánh giá giảng viên, giáo viên. Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá cũng cần phải có cơ sở khoa học, tránh biến những kỳ đánh giá chuẩn kỹ năng nghề cho giáo viên thành những kỳ thi nâng bậc như đối với những công nhân trước mỗi kỳ nâng bậc. Dựa trên khung tiêu chuẩn quy định tại TT số 30/2020/TT-BLĐTBXH TCDN triển khai xây dựng Tiêu chuẩn KNN cho các nghề truyền thống thông thường, các lĩnh vực nghề đặc thù còn lại (Đường sắt, Hàng không, Hàng hải, Công nghệ thông tin…) các Bộ, Ngành chủ quản sẽ chỉ đạo các trường trực thuộc triển khai xây dựng Tiêu chuẩn KNN cho các nghề thuộc phạm vi ngành mình quản lý trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành, đồng thời chủ động đánh giá theo các phương pháp riêng để phù hợp với từng lĩnh vực và tính chất nghề nghiệp của mỗi ngành.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TCDN và các ý kiến đóng góp tâm huyết xây dựng của các nhà quản lý liên quan, các nhà giáo có nhiều kinh nghiệm…, công tác đào tạo nghề của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận