ThS. NGUYỄN HUY THỤ Học viện Hậu cần |
TÓM TẮT: Xây dựng tiềm lực vận tải có vai trò quan trọng, nhằm tạo thế và lực về vận tải cho tác chiến khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố; quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ vận tải bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP - AN) của KVPT. Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT được tiến hành với nhiều nội dung, trên phạm vi khắp cả nước. Phạm vi bài báo đề cập một số vấn đề về xây dựng tiềm lực vận tải KVPT thuộc các tỉnh, thành phố ven biển trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc (BVTQ).
TỪ KHÓA: Xây dựng tiềm lực vận tải.
Abstract: Transportation potential building plays a very important role in order to create strength in transport for tactical defense area (DA) of provinces, cities; to decide the completion of transport tasks in order to ensure the defense - security of DA. Transportation potential building for DA is conducted with many contents nationwide. The scope of the article mentioned some issues concerning transportation potential building for defense area of costal provinces and cities in the national protection (NP).
KeywordS: Transportation potential building.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Các tỉnh, thành phố ven biển là những trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của vùng và cả nước, là cửa ngõ của đất nước hướng ra biển. Trong tương lai, nếu địch phát động chiến tranh xâm lược nước ta thì các tỉnh, thành phố ven biển thường là các điểm đánh phá đầu tiên của địch nhằm chiếm làm nơi xuất phát tiến công. Để đánh bại địch đổ bộ đường biển vào các tỉnh, thành phố ven biển, ta cần phải chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt ngay từ thời bình, xây dựng tiềm lực các tỉnh, thành ven biển thành KVPT toàn diện, vững chắc, trong đó nhiệm vụ xây dựng tiềm lực vận tải là một nội dung quan trọng.
Thực tiễn từ các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây đã để lại cho quân và dân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng tiềm lực hậu cần nói chung và xây dựng tiềm lực vận tải ở các tỉnh, thành phố nói riêng, vì vậy đã huy động vận tải phục vụ nhu cầu vận chuyển trong chiến tranh, góp phần to lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến. Những kinh nghiệm đó cần nghiên cứu, chọn lọc và vận dụng phù hợp trong công cuộc xây dựng và BVTQ hiện nay.
Những năm qua, kể từ khi có Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 30/7/1987 của Bộ Chính trị về xây dựng các tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc và Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới, các tỉnh, thành phố đã luôn chú trọng xây dựng tiềm lực vận tải, từng bước tạo tiềm lực, quản lý và sẵn sàng huy động tiềm lực vận tải theo các phương án tác chiến ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển tiềm lực vận tải ở các tỉnh, thành phố ven biển hiện nay còn những hạn chế, chưa quan tâm đúng mức cả về kế hoạch cũng như chương trình tổng thể, nhất là tiềm lực vận tải ở các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Mặt khác, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng GTVT, các căn cứ hậu cần, bến bãi, nhà máy, xưởng sửa chữa… chưa chú trọng phát huy hết tiềm năng có thể huy động được của tỉnh, thành phố ven biển để tạo sức mạnh phục vụ cho nhiệm vụ QP-AN. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay.
2. NỘI DUNG
Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố là một nội dung của xây dựng tiềm lực hậu cần, yếu tố quan trọng xây dựng tiềm lực quân sự của KVPT. Đây là vấn đề mới, nội dung phức tạp, đặc biệt là xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển từ thời bình, nhằm tạo thế và lực về vận tải, sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, cần phải làm rõ một số vấn đề cơ bản.
Xây dựng tiềm lực vận tải từ các ngành kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương và nhân dân ở KVPT tỉnh, thành phố ven biển trong giai đoạn hiện nay là nội dung phức tạp và có một số đặc điểm, đó là:
- Xây dựng tiềm lực vận tải tiến hành nhiều công việc, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành trong và ngoài quân đội, với nhiều lực lượng tham gia.
Quá trình xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố thường tiến hành nhiều công việc, từ xác định thành phần cấu thành của tiềm lực vận tải; mô hình quản lý đến cơ chế huy động tiềm lực vận tải… Thực hiện các nội dung công việc trên liên quan trực tiếp đến những vấn đề KT - XH như chủ thể thực hiện; dân cư; khả năng và sự phân bổ các nguồn lực; các cơ sở KT - XH; cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển KT - XH của Nhà nước và tỉnh, thành phố. Vì vậy, quá trình thực hiện liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành cả trong và ngoài quân đội. Mặt khác, thực hiện những nội dung xây dựng tiềm lực vận tải trên không chỉ là nhiệm vụ của riêng vận tải quân sự địa phương (QSĐP), mà còn có sự tham gia của nhiều lực lượng khác như vận tải của các đơn vị vận tải quân sự cấp chiến dịch, chiến lược; vận tải của các đơn vị công an nhân dân; vận tải của nhân dân địa phương; vận tải trong các ngành KT - XH Trung ương, địa phương; các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng ở các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn KVPT tỉnh, thành phố. Vì vậy, quá trình thực hiện các nội dung xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển cần đặc biệt chú trọng khâu phối hợp, hiệp đồng giữa các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, nhằm tạo sự thống nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần lực lượng cùng tham gia xây dựng tiềm lực vận tải.
- Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT trong điều kiện tình hình dân cư, chính trị, xã hội ở các tỉnh, thành phố ven biển tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Khác với các tỉnh, thành phố không có biển, các tỉnh, thành phố ven biển ở nước ta thường có các công trình cảng biển (cả trên đất liền và hải đảo) phục vụ đời sống dân sinh, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế của địa phương, vùng miền và cả nước. Nơi đây không những là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của tỉnh, thành phố mà còn là trung tâm khoa học, thương mại và công nghệ của vùng hoặc của miền. Vì vậy, mật độ dân số sinh sống ở các tỉnh, thành phố ven biển thường lớn hơn các địa phương khác và đa dạng về dân tộc. Hầu hết các thành phần dân tộc cư trú, hình thành những cộng đồng và có ngôn ngữ, bản sắc riêng rõ rệt và có nhiều tôn giáo tồn tại trong địa bàn.
Mặt khác, ở môi trường biển, ngư dân cùng phương tiện luôn vươn khơi bám biển để đánh bắt mưu sinh. Thời gian mỗi chuyến vươn khơi thường kéo dài, ngư trường rộng khiến cho việc nắm bắt, quản lý lực lượng, phương tiện thủy dự bị động viên và huy động cho mục đích QP - AN hết sức khó khăn.
Đặc biệt, với các tỉnh ven biển có đường biên giới đất liền thường là trọng điểm buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu; là địa bàn có nhiều đối tượng cơ hội, phản động đội lốt tôn giáo, người nước ngoài cư trú thông qua con đường du lịch, hồi hương từ các nước trở về ráo riết hoạt động.
Những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của nhân dân về công tác QP - AN nói chung, xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển nói riêng. Quá trình xây dựng tiềm lực vận tải phải xác định nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp.
- Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển trong điều kiện các địa phương tập trung phát triển KT-XH, môi trường biển đảo luôn mất ổn định bởi sự tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa nhiều quốc gia trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Những năm qua, kinh tế các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định đóng góp rất lớn vào công cuộc đổi mới đất nước. Về cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, dịch vụ; đóng góp rất lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ cho quốc gia. Mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng GTVT đã được cải thiện. Hệ thống mạng đường dẫn đến các cảng biển, sân bay, khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư được đầu tư tương đối đồng bộ. Vận tải tư nhân đang phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng vận tải container tăng mạnh. Tiềm năng phương tiện vận tải (cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không) ngày càng phát triển. Những điều kiện trên đang tạo môi trường thuận lợi để xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển trong sự nghiệp BVTQ.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình đổi mới, phát triển kinh tế ở các tỉnh, thành phố ven biển những năm qua cũng gặp không ít khó khăn, đó là môi trường biển đảo luôn mất ổn định bởi sự tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa các quốc gia trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Sự tranh chấp trái phép của các quốc gia khác đối với các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang diễn ra, làm mất an ninh ngư trường biển, đe dọa đến an toàn về người và phương tiện của ngư dân trong quá trình bám biển đánh bắt hải sản.
Ngoài ra, sự phát triển của nền kinh tế thị trường với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần đã làm phát triển đa dạng các loại hình vận tải phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế của tỉnh, thành phố. Quá trình xây dựng chịu tác động lớn về tư tưởng, tâm lý quá chú trọng vào các mục tiêu kinh tế. Điều này biểu hiện rõ nhất trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chủ các phương tiện vận tải (PTVT) cá thể. Những thành phần kinh tế này ít bị ràng buộc, luôn có xu hướng thoát khỏi sự quản lý của cơ quan QSĐP, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động xây dựng tiềm lực vận tải KVPT như: Đăng ký kê khai lực lượng, PTVT, các vật chất, trang thiết bị bảo đảm vận tải.
Mặt khác, các biến động về con người, PTVT và vật chất, trang thiết bị vận tải ở các tỉnh, thành phố ven biển tăng mạnh do sự chi phối của nền kinh tế thị trường, đó là những thay đổi thường xuyên mang tính tất yếu về tiềm lực vận tải: Thay đổi về số lượng và chất lượng; thay đổi về chủ sở hữu; thay đổi về phạm vi, địa bàn hoạt động của các phương tiện... Những biến động trên thường đi liền với sự phát triển kinh tế trong KVPT tỉnh, thành phố, gây nhiều trở ngại trong việc quản lý tiềm lực vận tải cho KVPT.
Những đặc điểm nêu trên thể hiện rõ tính phức tạp và sự khác biệt trong xây dựng tiềm lực vận tải của KVPT tỉnh, thành phố ven biển trong sự nghiệp BVTQ, đồng thời đặt ra cho công tác xây dựng tiềm lực vận tải những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi các tỉnh, thành phố ven biển phải có các giải pháp thích hợp.
Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT là yếu tố quan trọng xây dựng tiềm lực quân sự của KVPT, là tổng thể các hoạt động về xây dựng lực lượng vận tải, PTVT, mạng đường vận tải và cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho vận tải nhằm tạo thế và lực về vận tải cho tác chiến phòng thủ KVPT, góp phần thực hiện thắng lợi công tác vận tải bảo đảm cho lực lượng vũ trang KVPT tỉnh, thành phố ven biển hoạt động tác chiến. Tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển là yếu tố luôn vận động, biến đổi tuỳ thuộc điều kiện chính trị, KT - XH của đất nước và của các địa phương. Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển là vấn đề phức tạp, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều tổ chức trong xã hội. Quá trình tổ chức thực hiện cần làm tốt một số vấn đề sau:
* Một là, quá trình xây dựng tiềm lực vận tải phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự điều hành của UBND, mà trực tiếp là ban chỉ đạo KVPT tỉnh, thành phố ven biển.
Đây là cơ chế xuyên suốt trong hoạt động chỉ đạo và thực hiện xây dựng tiềm lực vận tải KVPT.
Trong thời bình, ngoài vận tải thường trực của hậu cần QSĐP, các thành phần vận tải khác nằm trong nhân dân và các ngành KT - XH của địa phương. Vì vậy, để tạo sự đồng thuận trong xây dựng tiềm lực vận tải thì các thành phần vận tải trên phải chịu sự lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Sự lãnh đạo của đảng ủy, quản lý điều hành của UBND tỉnh, thành phố, mà trực tiếp là ban chỉ đạo KVPT là nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển.
Để thực hiện tốt vấn đề trên, từ ban chỉ đạo KVPT tỉnh, thành phố đến các sở, ban, ngành phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy Đảng địa phương và chỉ thị của chủ tịch UBND, tập trung vào những vấn đề có liên quan đến công tác QP - AN đến xây dựng tiềm lực vận tải cho KVPT. Các sở, ban, ngành cần nắm chắc các nội dung xây dựng tiềm lực vận tải, chỉ đạo của cơ quan cấp trên để nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham mưu cho ban chỉ đạo KVPT, UBND tỉnh, thành phố sát đúng nội dung, phương pháp, lộ trình xây dựng tiềm lực vận tải.
* Hai là, xây dựng tiềm lực vận tải cho KVPT phải gắn với xây dựng thế trận vận tải và thế trận QP-AN tỉnh, thành phố ven biển.
Xây dựng tiềm lực vận tải là yếu tố quan trọng, cùng với xây dựng thế trận vận tải tạo sức mạnh hậu cần bảo đảm nhiệm vụ quân sự KVPT tỉnh, thành phố. Xây dựng tiềm lực vận tải có ý nghĩa quyết định đến xây dựng thế trận vận tải liên hoàn, vững chắc, tạo điều kiện chuyển hóa nhanh, linh hoạt các hoạt động quân sự, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP - AN của KVPT tỉnh, thành phố. Vì vậy, khi xây dựng tiềm lực vận tải phải trên cơ sở quy hoạch tổng thể về xây dựng thế trận QP - AN và thế trận vận tải ở các tỉnh, thành phố ven biển. Ban chỉ đạo KVPT tỉnh, thành phố ven biển (Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban) trực tiếp chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố phối hợp, hiệp đồng với các sở, ban, ngành phải tham mưu cho đảng ủy, UBND tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị, hướng dẫn nội dung, phương pháp lập đề án quy hoạch tổng thể về xây dựng thế trận quân sự KVPT nói chung và xây dựng tiềm lực vận tải nói riêng theo quyết tâm tác chiến phòng thủ của tỉnh, thành phố.
* Ba là, xây dựng tiềm lực vận tải KVPT phải bám sát và đáp ứng các yêu cầu công tác vận tải bảo đảm cho tác chiến và các nhiệm vụ QP - AN khác của KVPT tỉnh, thành phố ven biển.
Đây là vấn đề quan trọng, là kim chỉ nam để đề ra các nội dung, giải pháp xây dựng tiềm lực vận tải phù hợp. Vì vậy, xây dựng tiềm lực vận tải phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển.
Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT nhằm thực hiện nhiệm vụ vận tải trong cả thời bình và thời chiến. Thời bình phải sẵn sàng bảo đảm vận tải cho KVPT tỉnh, thành phố ven biển trong các tình huống diễn biến hoà bình, chống bạo loạn lật đổ, các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, thảm họa… Thời chiến, nhiệm vụ chính là bảo đảm cho các LLVT địa phương trong tác chiến KVPT.
Để thực hiện tốt vấn đề trên trong xây dựng tiềm lực vận tải phải bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng đồng bộ từ lực lượng, PTVT, mạng đường, vật chất đến trang thiết bị bảo đảm cho vận tải để sẵn sàng huy động kịp thời theo nhiệm vụ KVPT và có tỷ lệ dự trữ thích hợp. Xây dựng tiềm lực vận tải phải rộng rãi ở mọi địa bàn, trong mọi thành phần kinh tế, bảo đảm phát huy tối đa tiềm lực vận tải của các ngành KT - XH và trong nhân dân để tạo nên sự rộng khắp trong KVPT tỉnh, thành phố ven biển.
* Bốn là, quá trình xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT - XH với tăng cường QP - AN và QP - AN với kinh tế.
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là một tất yếu khách quan, có tính quy luật trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là yêu cầu cấp thiết đối với mọi ngành, mọi cấp, nhằm góp phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng tiềm lực vận tải. Thực hiện tốt vấn đề này không những là cơ sở giải quyết tốt mối tương quan giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm QP - AN, mà còn chủ động ngăn ngừa âm mưu lợi dụng hoạt động kinh tế để chuyển hóa về chính trị.
Để kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong phát triển tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển cần phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành phần kinh tế; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế cho cán bộ các cấp, các ngành, cho các tổ chức KT - XH và toàn dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và phát triển tiềm lực vận tải; thường xuyên giáo dục nâng cao trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành, hoàn thiện cơ chế kết hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước triển khai thực hiện quy hoạch phát triển KT - XH gắn với QP - AN để phát triển tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển trong sự nghiệp BVTQ.
* Năm là, kết hợp xây dựng, phát triển kinh tế biển, đảo với xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển.
Vùng biển Việt Nam có trên 01 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ và hơn 200 đảo xa bờ. Đường bờ biển trải dài trên 3.260km, tỷ lệ giữa diện tích lục địa và chiều dài bờ biển đạt 100 km2/1km; có 114 cửa sông, 12 đầm phá, có 50 vũng/vịnh ven bờ. Những đặc điểm này tạo tiềm năng lớn về phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành phố ven biển có biển, đảo.
Xây dựng tiềm lực vận tải vùng biển, đảo là bộ phận hợp thành của tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển, nhằm bảo đảm cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thực hành đánh địch đổ bộ đường biển khi có tình huống hoặc chiến tranh xảy ra. Do vậy, trong quá trình xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển phải đặc biệt quan tâm và gắn chặt với việc xây dựng, phát triển kinh tế biển, đảo.
Để kết hợp xây dựng, phát triển kinh tế biển, đảo với xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển đạt hiệu quả cần phải xây dựng đồng bộ khu kinh tế quốc phòng vùng ven biển; xây dựng và tổ chức các căn cứ hậu cần nghề cá ở các đảo; xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT trên các đảo; phát triển các loại hình vận tải phù hợp, chú trọng phát triển vận tải thủy; tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vận tải vận chuyển khách du lịch; hình thành các đội sản xuất, kinh doanh, đánh bắt thủy hải sản; trang bị PTVT thủy cho lực lượng dân quân tự vệ biển để vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ QP - AN.
* Sáu là, xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển phải kết hợp chặt chẽ với quản lý ở các cấp, ngành GTVT và đặc biệt là ở cơ quan quân sự địa phương các cấp.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định chất lượng xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển; xây dựng tiềm lực vận tải KVPT có gắn với tổ chức quản lý chặt chẽ, từ đó mới thường xuyên nắm chắc về số lượng và chất lượng tiềm lực, bảo đảm yếu tố bí mật, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ vận tải KVPT khi có tác chiến xảy ra.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhưng rất phức tạp, vì đối tượng quản lý tiềm lực vận tải KVPT trong thời bình gồm toàn bộ lực lượng, PTVT, mạng đường và cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm vận tải ở các ngành KT - XH và nhân dân trong địa bàn tỉnh, thành phố ven biển. Mặt khác, do đặc điểm của các KVPT tỉnh, thành phố ven biển và sự phát triển của cơ chế thị trường, việc quản lý tiềm lực vận tải luôn gặp khó khăn do phương tiện luôn hoạt động xa địa phương; chi phí mua sắm phương tiện lớn, việc đầu tư thường theo nhóm và việc tăng giảm lực lượng, phương tiện theo thiên hướng cơ hữu do các chính sách xã hội.
Vì vậy, để thực hiện tốt việc xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển, cơ quan quân sự địa phương tỉnh, thành phố ven biển cần định kỳ phối hợp với các sở, ban, ngành (chủ yếu là sở GTVT và sở Kế hoạch và Đầu tư) kiểm tra, nắm vững tình hình xây dựng tiềm lực vận tải; tham mưu, đề xuất với ban chỉ đạo KVPT tỉnh, thành phố mô hình quản lý tiềm lực vận tải KVPT cho phù hợp. Cơ quan chỉ huy quân sự các huyện, tỉnh (thành phố) cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc những thay đổi về tiềm lực vận tải đã đăng ký trong các ngành KT - XH và nhân dân ở địa phương.
3. KẾT LUẬN
Xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển là hoạt động phức tạp, được tiến hành trước từ thời bình, diễn ra cả trên đất liền và trên đảo, được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của của cấp ủy Đảng, sự điều hành của UBND, mà trực tiếp là ban chỉ đạo KVPT tỉnh, thành phố ven biển. Quá trình xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố thuận lợi và yếu tố khó khăn. Đây là vấn đề mới và phức tạp. Bài báo mới đưa ra một số vấn đề định hướng, nhằm nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực vận tải KVPT tỉnh, thành phố ven biển. Do vậy, quá trình tổ chức thực hiện cần phải được nghiên cứu sâu, có giải pháp và lộ trình xây dựng phù hợp với điều kiện của từng tỉnh, thành phố ven biển trong sự nghiệp BVTQ.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bộ Chính trị (1987), Nghị quyết số 02/NQ-TW về xây dựng các tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc, Hà Nội.
[2]. Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết số 28/NQ-TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc, Hà Nội.
[3]. Bộ Quốc phòng (2013), Giáo trình công tác vận tải quân sự địa phương, NXB. QĐND, Hà Nội.
[4]. Chính phủ (2007), Nghị định số 152/2007/NĐ-CP về KVPT, Hà Nội.
[5]. Chính phủ (2016), Nghị định số 02/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về KVPT, Hà Nội.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[7]. Học viện Hậu cần (2010), Hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương tác chiến phòng thủ tỉnh (thành phố) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, NXB. QĐND, Hà Nội.
[8]. Học viện Hậu cần (2012), Bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang địa phương tác chiến phòng thủ tỉnh (thành phố), NXB. QĐND, Hà Nội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.