Một tháng 20 người chết, mất tích: Báo động tàu cá gặp nạn trên biển

An toàn giao thông 07/02/2018 10:30

Thời tiết biến động bất thường, cộng với tính năng kỹ thuật của các phương tiện đánh bắt không đảm bảo đã khiến rất nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ liên tục gặp nạn.

 

Một tháng 20 người chết, mất tích
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khu vực 2, Đà Nẵng tiếp cận một tàu cá bị nạn trên biển vào ban đêm - Ảnh: THANH PHÚ

Việc ngày càng nhiều tàu cá gặp nạn trên biển do hư hỏng máy móc, thiết bị vì cơ quan đăng kiểm quá dễ dãi. Cả lực lượng biên phòng cũng có phần trách nhiệm trong đó.

Ông TRẦN CHÂU (phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

Chỉ tính riêng tháng 1-2018 đã có ít nhất 20 ngư dân chết, mất tích khi đang hành nghề đánh bắt trên Biển Đông.

Liên tục gặp nạn

Dù sự cố trên biển xảy ra đã hơn 20 ngày, đến giờ ông Nguyễn Nhật (trú Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - thuyền trưởng tàu ĐNa 90415 - vẫn chưa hoàn hồn. Ông Nhật kể lại ngày 15-1, tàu ông đang đánh cá cách Đà Nẵng chừng 48 hải lý, bất ngờ tàu gãy bánh lái trong tình cảnh gió mùa giật cấp 7 dữ dội. 

"Suốt đêm chúng tôi chia nhau xuống biển khắc phục nhưng thất bại vì biển động dữ dội. Sóng đánh cao phủ cả nóc tàu nên mới thả trôi vài tiếng mà cả tàu đã kiệt sức. Thấy mọi người hoang mang, tôi liền phát tín hiệu cấp cứu ngay trong đêm. May là lực lượng cứu hộ kịp có mặt" - ông Nhật nói. 

Trong khi tàu cứu hộ SAR 412 (cứu nạn khu vực 2) đang vượt sóng đêm tiếp cận đưa các ngư dân này vào bờ, hệ thống Thông tin duyên hải VN tiếp tục nhận được thông tin hai tàu cá của ngư dân Nghệ An và Phú Yên đang thả trôi trên biển do hỏng máy. 

Tiếp đến, trưa 26-1, tàu SAR 413 (cứu nạn khu vực 3) đã kịp lai dắt đưa tàu vỏ thép BĐ 99199 cùng 9 ngư dân cập đảo Côn Đảo an toàn. Con tàu này bị hỏng máy, mất khả năng di chuyển trong khi biển động rất dữ dội, buộc thuyền trưởng phải phát tín hiệu cứu nạn.

Mới nhất, ngày 4-2, tàu cảnh sát biển 9001 (Vùng cảnh sát biển 3) cũng đã kịp có mặt cứu sống 12 ngư dân huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Trước đó đêm 2-2, tàu cá này bị đứt neo và trôi dạt trên biển. Gặp sóng to gió lớn nên tàu bị vỡ thân, nước tràn vào khoang máy và bị chìm. 

"Khi chúng tôi đến, tàu cá đã chìm, chỉ còn nổi lập lờ phần cabin. Chỉ chậm khoảng hai tiếng thì sẽ rất khó trong tìm kiếm và cứu nạn các ngư dân bởi thời tiết xấu và ban đêm trời tối" - đại úy Bùi Văn Thắng, chính trị viên tàu cảnh sát biển 9001, cho biết.

0206-tai-nan-bien-tto-1517964823582286154789
Nguồn: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Cuộc gọi cầu cứu tăng đột biến

Theo ông Đoàn Ngọc Hiên - quyền giám đốc Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng, năm 2017 đơn vị này liên tục nhận được những cuộc gọi cầu cứu của ngư dân. Đặc biệt, trong hai tháng trở lại đây, số lượng các cuộc gọi thông báo tàu gặp sự cố do thời tiết trên biển tăng đột biến. 

Tương tự, ông Bùi Tân Nguyên, giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng, cho biết 2017 là năm "kỷ lục" về cứu nạn cứu hộ tại vùng biển miền Trung với 32 lần ra khơi cứu nạn: "Mới đây nhất, chúng tôi phải cứu nạn cùng lúc hai vị trí khác nhau trên biển".

Theo ông Lương Trường Phi - phó giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (VungTau MRCC), năm 2017 trung tâm đã 37 lần điều động tàu chuyên dụng ra biển cứu nạn, trong đó có 20 chuyến đi cứu tàu cá của ngư dân, tăng gấp đôi so với năm 2016. VungTau MRCC cũng ghi nhận năm 2017 có 96 người đã chết và mất tích trên vùng biển từ Bình Thuận vào đến Kiên Giang. 

"Khó khăn nhất của chúng tôi chính là biến đổi khí hậu với thời tiết diễn biến thất thường, khó lường. Ngoài ra, còn có một số khó khăn khác như ý thức chấp hành an toàn hàng hải của ngư dân còn thấp, các tàu cá thiếu thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc" - ông Phi nói.

Thành lập các tổ, đội đánh bắt

Để giảm thiểu tai nạn trên biển, ông Bùi Tân Nguyên khuyến cáo ngư dân khi nghe cảnh báo thời tiết xấu phải về bờ hay tìm nơi tránh trú, đồng thời phải thường xuyên giữ liên lạc với đất liền.

Khi xảy ra sự cố, tai nạn phải báo ngay với các cơ quan cứu nạn. Đối với tàu cá nên đi đánh bắt theo tổ, đội để có xảy ra tai nạn thì huy động ngay tàu tại chỗ.

"Dù lực lượng cứu nạn luôn trong tư thế sẵn sàng, nhưng vẫn có những trường hợp đến nơi thì tàu đã chìm, ngư dân đã mất tích" - ông Nguyên nói.

Thiệt hại vì nhiều lý do

Theo một lãnh đạo Nhà máy đóng tàu X50 (Tổng công ty Sông Thu), việc hiện đại hóa trang thiết bị đội tàu đánh bắt vẫn còn "khoảng cách" so với trình độ nhận thức của ngư dân. Theo vị này, khoảng 10 năm trở lại đây, đội tàu đánh bắt xa bờ ven biển miền Trung tăng mạnh. Đội tàu cải hoán và những con tàu đóng mới trên 1.000 mã lực đủ sức đi "xuyên trăng", vươn khắp Biển Đông đánh bắt. 

Tuy nhiên, trình độ sử dụng máy móc của ngư dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Cũng theo vị này, cường độ khai thác tàu trên biển của ngư dân miền Trung rất cao nhưng ít chú trọng đến việc bảo dưỡng máy móc vì sợ tốn kém. Nhiều chủ tàu thích cải hoán, nâng cấp nhưng không tính toán đến sự đồng bộ, phù hợp với các hệ thống trên tàu. 

"Tôi tiếp xúc nhiều trường hợp trên tàu chỉ thuyền trưởng là có bằng cấp chuyên môn, còn lại là dân lao động không rành máy móc. Thành ra khi tàu gặp sự cố, ngư dân chỉ biết kêu trời" - vị này nhận xét.

Theo ông Phùng Đình Toàn - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi: Từ khi nghị định 67 ra đời, hỗ trợ đến 90% tiền mua bảo hiểm nên ngư dân đã tham gia và có ý thức mua lại bảo hiểm khi hết hạn. Vì thế khi tàu gặp nạn, hầu hết đều được bảo hiểm đền bù thỏa đáng.

Riêng khu vực Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Lại - tổng thư ký Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, tỉ lệ tham gia bảo hiểm thân tàu vẫn còn khá thấp. Ngoài ra, trong năm 2017, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cũng đã hỗ trợ khoảng 400 trường hợp tàu gặp nạn trên biển với số tiền trên 20 tỉ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận