Một thời để nhớ

Tác giả: BÙI QUANG TIỀN

saosaosaosaosao
Chính trị 25/07/2016 05:57

Một thời để nhớ Chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới kết thúc, đầu năm 1983, Ban Cán sự Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương giải thể, Trung ương Đoàn điều động tôi về và sau đó giao nhiệm vụ Phó Ban Tổ chức, rồi Phó Ban Thanh niên xung phong. Nhiều năm tháng gắn bó cùng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã để lại trong tôi nhiều ký ức khó phai.

article
Lực lượng thanh niên, dân công lấp hố bom, mở đường ra tiền tuyến. Ảnh tư liệu

NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN

Theo chỉ thị của Bác Hồ, ngày 15/7/1950, Đảng đoàn thanh vận Trung ương đã quyết định thành lập Đội TNXP công tác. Gần nửa thế kỷ qua, từ khi ra đời ở chiến khu Việt Bắc, lúc đầu chỉ có một đại đội gồm 225 đội viên cùng với sự lớn mạnh của cách mạng, lực lượng TNXP là đội quân công tác đặc biệt của thanh niên Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã chiến đấu anh dũng, học tập, lao động sáng tạo, rèn luyện và trưởng thành vượt bậc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù ra đời trong khói lửa nhưng lực lượng TNXP đã không ngừng phát triển. Từ một đại đội với 225 đội viên đã trở thành hàng vạn người, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh, phục vụ chiến đấu, mở đường đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn nổ chậm, cáng tải thương binh, bệnh binh... trong các chiến dịch lớn: Biên giới, Tây Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên Khu V, miền Đông, đồng bằng Nam bộ và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ... Lực lượng TNXP đã sát cánh cùng quân đội, dân công phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là vậy, khi bước sang cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đáp lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ: “Về miền Nam ruột thịt”, “ Về thống nhất Tổ quốc”, hàng triệu thanh niên tham gia phong trào “3 Sẵn sàng” và “5 Xung phong”, đội TNXP chống Mỹ cứu nước (miền Bắc), đội TNXP giải phóng miền Nam được thành lập và lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ các chiến trường, mở đường, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường vận tải quan trọng.

Hầu hết các tuyến đường và trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, có tính hủy diệt như: Ngầm Hạ Trạch, phá sông Gianh (Quảng Bình), ngã ba Đồng Lộc, khe Giao (Hà Tĩnh); Truông Bồn (Nghệ An), Núi Nhồi (Thanh Hóa), Cầu Giẽ (Hà Tây)... đều do TNXP chốt giữ. Chính vì vậy, ngày nay những hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, trí thông minh, sự xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam và luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo và học tập.

Trong 10 năm (1965 - 1975), lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã mở 102 con đường mới với chiều dài 4.130km; chốt giữ trên 2.500 trọng điểm địch đánh phá ác liệt, phá trên 1.000 quả bom nổ chậm, vận chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường; trồng và chăm sóc hàng chục vạn cây xanh, làm hàng trăm công trình thủy lợi, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, 2 vạn đội viên được cử đi đào tạo tại các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở trong nước và nước ngoài; 3 vạn cán bộ, đội viên được chuyển ngành thành cán bộ, công nhân viên nhà nước; 15.000 người được kết nạp Đảng, 30.000 đội viên được kết nạp Đoàn...

Lực lượng TNXP đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hàng trăm huân chương cho tập thể và các cá nhân, 5 tập thể và 4 cá nhân được tuyên dương anh hùng, Nhà nước Lào tặng tổng đội TNXP 572 Huân chương Itxala hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương các loại.

THẾ HỆ TNXP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất tiến lên CNXH cùng với hàng vạn đội viên TNXP đã được tôi luyện qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn đội viên mới thuộc thế hệ thứ 3 lên đường làm nhiệm vụ: Hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng những vùng kinh tế mới, góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Mô hình TNXP làm kinh tế được xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó lan tỏa ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

20 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng TNXP xây dựng kinh tế đã phát triển ở 35 tỉnh, thành phố; 120 quận, huyện, đã huy động 20 vạn lượt thanh niên tham gia, có mặt trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Về kinh tế, TNXP đã đào đắp hàng chục triệu mét khối đất đá, hàng ngàn kilomet kênh mương, hàng trăm công trình thủy lợi, khai hoang gần 200.000ha đất trồng trọt, xây dựng hàng triệu mét vuông nhà cửa, hàng trăm làng, xã kinh tế mới, góp phần định cư hàng chục vạn dân và tạo ra một khối lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

TNXP đã phá gỡ hàng ngàn quả bom, mìn do chiến tranh để lại, giải quyết việc làm cho 20 vạn thanh niên, trong đó 10% là đối tượng tiêu cực do xã hội cũ để lại, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Trên 7 vạn đội viên được kết nạp vào Đoàn. 2.000 đội viên được kết nạp vào Đảng, 500 cán bộ, đội viên trở thành cán bộ quản lý. 

Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương như Huân chương Hồ Chí Minh. TNXP TP.HồChí Minh được tuyên dương là đơn vị Anh hùng; TNXP Hà Nội và 10 đơn vị khác được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng lực lượng TNXP bức trướng mang dòng chữ:

“Chiến đấu dũng cảm,

Lao động sáng tạo,

Lập công xuất sắc”

Có thể thấy rằng, ba thế hệ TNXP tiêu biểu cho ba chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc: Chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ.

THANH NIÊN GTVT MỘT LÒNG VÌ TỔ QUỐC

Tôi nhớ hồi đầu năm 1966, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân vào miền Bắc. Bác Hồ đã dự đoán khả năng xấu nhất mà đế quốc Mỹ có thể gây cho ta: “Bịt hành lang đi vào miền Nam và đánh Hà Nội, Hải Phòng”. Bác đã nói: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (tư liệu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 915, Hồ sơ H25 C4/19).

Do đó, để đáp ứng cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, Trung ương Đảng đã thành lập Đảng ủy GTVT Trung ương. Ngày 24/11/1966, Trung ương Đoàn TNCS Hồ chí Minh thành lập Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Trung ương Đoàn về làm bí thư, đồng chí Phan Văn Tiêu - nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sơn Tây làm phó bí thư. Một số đồng chí ở các tỉnh, thành đoàn về tham gia ban Thường vụ Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương.

Lúc đó, bộ máy của Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương gồm có: Ban Sản chiến, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban TNXP, Ban Trường học, Ban Thiếu niên nhi đồng, Trường Đào tạo cán bộ, Văn phòng đoàn và Đoàn Thanh niên GTVT quản lý 10 Đoàn cấp trên cấp cơ sở và 5 Đoàn cơ sở trực thuộc.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy GTVT Trung ương và sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương đã tổ chức, huy động hàng chục vạn thanh niên vào nhiệm vụ mở đường vận tải cho chiến trường miền Nam, rà phá bom mìn trên sông, trên biển, sửa chữa cầu, đường, bến phà..., đảm bảo cho mạch máu giao thông liên tục không ngừng trên các mặt trận chống chiến tranh phá hoại với khẩu hiệu “Địch phá ta sửa ta đi”, rồi tiến đến “Địch phá ta cứ đi”. Những con người GTVT đã làm việc với tinh thần “Gãy cầu như gãy xương, đứt đường như đứt ruột”.

Trong thời kỳ kháng chiến, trên 10 vạn lượt TNXP phục vụ ngành GTVT đảm nhận hầu hết các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, từ các tỉnh đồng bằng đến các tỉnh miền núi. Với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, lực lượng TNXP đã chốt giữ hầu hết các trọng điểm ác liệt địch phá ngày đêm, đảm bảo giao thông thông suốt, mở hàng trăm con đường với hàng ngàn cây số, phá hàng ngàn quả bom nổ chậm.

Suốt 17 năm trường từ 1966 đến 1983, lớp lớp thanh niên GTVT trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại, chiến tranh biên giới luôn hát vang lời ca “gian khó phải lùi nhường em tiến bước”. Đó là thời kỳ đáng nhớ, thời kỳ sát cánh bên nhau.

Đối với tôi, đó cũng là thời kỳ biết bao anh, chị em đồng đội đã anh dũng hy sinh quên mình với tinh thần tất cả cho chiến trường, tất cả cho chiến thắng quân thù xâm lược. Đồng thời, đó cũng là những mất mát không nhỏ mà đến hôm nay cũng không còn lưu trữ, không còn dấu vết để tìm lại được hết./.

Ý kiến của bạn

Bình luận