Mua vé tàu Tết từ "cò vé”: Sẽ không được lên tàu

05/01/2016 10:00

Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn khẳng định: Những ai mua thẻ lên tàu của cò mồi sẽ không được lên tàu.

mua_ve_tau_1
Khu vực trong ga Sài Gòn có rất nhiều đối tượng cò vé đứng chờ sẵn (Ảnh: Hà Khánh)

Mỗi khi gần đến dịp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán vé tàu Tết giả lại diễn ra rất nhộn nhịp tại các khu vực trước và trong ga Sài Gòn. Năm nay, ngành đường sắt đã có nhiều cải tiến trong việc bán vé tàu điện tử để hạn chế tối đa các loại vé tàu giả. Để đối phó với cách làm này, các đối tượng “cò” vé đã có nhiều chiêu trò đánh lừa hành khách. 

Khi tới ga Sài Gòn và tìm mua vé tàu đi Quảng Ngãi giường nằm ngày 28 tháng Chạp, chúng tôi được một nhóm khoảng 5 người, cả nam lẫn nữ, ngồi ngay cổng vào ga tư vấn: có hai loại vé là ngồi mềm, buổi tối, tàu SE4 đi Đà Nẵng giá 1 triệu 200 ngàn đồng hoặc đi buổi trưa, ngồi cứng, điều hòa, SE30 đi Đà Nẵng, giá 1 triệu 120 ngàn. Đó là chưa tính phí dịch vụ 250.000 cho ghế ngồi và 300.000 cho giường nằm phải trả cho "cò".

Khi chúng tôi hỏi: có vé giường nằm không thì được gợi ý là: mua vé giường nằm tầng trên đi Huế với giá 1 triệu 600 ngàn đồng, rồi đến ga Quảng Ngãi thì xuống.

Theo khẳng định của các đối tượng này, họ chỉ bán vé thật và ăn tiền hoa hồng: “Cháu muốn lấy vé nằm thì hoặc may chú gọi thử còn vé đi Huế, chứ vé nằm Quảng Ngãi không còn đâu. Vé ở đây là bán vé thật chứ đâu phải vé bậy. Đây là buôn bán nên cứ yên tâm, đây chỉ ăn tiền dịch vụ, hoa hồng thôi”.

Quy trình hoạt động của các đối tượng trên là: khi có khách hàng hỏi vé, họ sẽ làm như đang gọi điện cho “đại lý” nào đó hỏi còn vé đúng như yêu cầu không? Nếu còn thì sẽ có người đưa vé có sẵn kèm với chứng minh nhân dân phôtô của tên người trên vé. Nếu người mua đồng ý lấy loại vé này, họ sẽ tư vấn: “Khi lên tàu thì nhân viên chỉ quét qua mã code là hợp lệ, người mua cứ yên tâm vì đây là vé thật, chỉ có điều là khác tên họ”.

Một người trong nhóm còn cam đoan sẽ dẫn chúng tôi lên tận toa tàu và ngồi đợi cho đến khi tàu chuyển bánh để yên tâm: “Em sợ thì ra trước 1 tiếng sẽ được tiễn lên tàu, ngồi uống nước trò chuyện với em luôn. Ngày 28 là ngày cuối rồi, ngồi chơi uống cà phê luôn. Ở đây tàu lên bánh em bước lên toa, kiểm soát vé là xong rồi. Mua vàng thì dễ chứ mua vé rất là cực”.

mua_ve_tau_2
Nhu cầu người dân muốn mua vé tàu Tết là rất lớn (Ảnh: Hà Khánh)

Không chỉ ngoài cổng, tại khu vực gần phòng vé trong nhà ga, chỉ cần dừng xe nhìn xung quanh là đã có rất nhiều người tiếp cận chào mua vé tàu Tết. Câu chuyện này cũng diễn ra ngay trong phòng vé.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: từ 1/9/2015, Đường sắt Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản là chuyển từ vé giấy (vừa có giá trị như hóa đơn giá trị gia tăng) sang vé tàu điện tử. Điều đó có nghĩa là khách hàng không cần phải ra ga để mua vé mà chỉ cần có thiết bị kết nối mạng là có thể đăng ký và tự in ra thẻ lên tàu.

Khi đăng ký thông tin mua vé, khách hàng phải đăng ký đầy đủ thông tin chính xác của mình và khi lên tàu khách phải mang giấy tờ tùy thân, bản chính, để đối chiếu. Với hình thức mua vé tàu điện tử mới này, hành khách dù mất vé cũng có thể in lại thẻ lên tàu dễ dàng hoặc chỉ cần chụp lại mã QR code (ma trận điểm ảnh) để lên tàu.

Với những điểm mới này, ông Đỗ Quang Văn khẳng định: Những ai mua thẻ lên tàu của các đối tượng cò mồi bên ngoài cổng ga hoặc bên trong ga sẽ không được lên tàu. Bởi những gì các đối tượng này bán chỉ là bản in của thẻ lên tàu với thông tin không đúng với thông tin của khách hàng, thông tin trên giấy chứng minh nhân dân phôtô kèm theo không có giá trị. 

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn nói: “Với đặc điểm của hệ thống bán vé này, nếu khách hàng mua vé ở bên ngoài thì sẽ bị thiệt, vì chắc chắn sẽ không lên được tàu và bị mất tiền. Chúng tôi thật sự mong quý khách thông cảm trong trường hợp không mua được vé bởi chúng tôi cũng đã triển khai việc bán vé này sớm, trang bị hết tất cả các phương tiện nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”.

Ông Văn cũng cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng vài trăm vé được trả lại hệ thống mạng www.dsvn.vn. Đây là những vé mà khách hàng đã mua trong đợt cao điểm từ 20 đến 28 tháng Chạp nhưng đã thay đổi kế hoạch nên trả lại và khách hàng cần có thể mua những vé này để đi tàu.

Ý kiến của bạn

Bình luận