Mức học phí bình quân của trường đại học là 13 triệu đồng

02/10/2016 08:55

Đó là con số vừa được đưa ra tại hội nghị về tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học.

hoc_phi
Ảnh minh họa: Tiền Phong.

Tại hội thảo "Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức" do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 30/9, TS Nguyễn Trường Giang, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) đánh giá nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với 12 cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã có những thành công bước đầu khi thực hiện.

Theo TS Giang, mức học phí nhà nước quy định chưa đảm bảo bù đắp đủ chi phí hoạt động cần thiết của cơ sở đại học công lập. Mặt khác, cơ chế học phí và phân bổ ngân sách Nhà nước làm giảm khả năng huy động các nguồn lực từ xã hội cho phát triển giáo dục đại học, phân tán và bình quân hóa việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng người học có mức thu nhập cao, thấp khác nhau.

Do vậy, TS Giang cho rằng, việc đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao quyền tự chủ của các cơ sở đại học công lập gắn với với tự chủ tài chính theo nghị định 77 của Chính phủ sẽ tăng nguồn tài chính, bù đắp đủ chi phí đào tạo, giảm bao cấp từ ngân sách Nhà nước.

Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Thủ tướng, các trường đã ban hành quyết định mức học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, đảm bảo chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, đảm bảo mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí đã được chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mức học phí bình quân của các trường trong năm 2015 là 13 triệu đồng/sinh viên. Trong đó, mức học phí cao nhất là ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM với 14,5 triệu đồng/tháng và mức thu học phí thấp nhất là ĐH Hà Nội: 7,8 triệu đồng/tháng.

TS Nguyễn Trường Giang cho rằng cần lưu ý việc cho phép các trường được tự quyết định mức thu học phí không có nghĩa các trường có thể tùy tiện tăng học phí không có giới hạn.

“Việc tăng học phí phải gắn liền bù đắp chi phí đào tạo hợp lý, tăng chất lượng đào tạo và phải công khai, minh bạch cơ chế thu, sử dụng học phí. Chấp nhận cạnh tranh lành mạnh giữa các trường theo hướng nâng cao chất lượng với mức học phí hợp lý”, TS Giang cho biết thêm.

2015 là năm đầu tiên các trường thực hiện phương án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Trong đó, sinh viên khóa mới được áp dụng mức học phí tính đủ chi phí đào tạo cao gấp khoảng 2 lần so với mức học phí của các cơ sở đại học chưa thực hiện đề án thí điểm.

Đây là áp lực rất lớn đối với các trường trước thời điểm tuyển sinh, mức học phí cao so với mặt bằng sẽ không thu hút đủ sinh viên cần thiết nhập học. Tuy vậy, thực tế  cho thấy trong năm 2015, các trường đã thực hiện tuyển sinh đủ chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT thông báo. Điểm xét tuyển đầu vào các trường này vẫn thuộc nhóm cao.

“Điều này cho thấy việc tính đủ chi phí đào tạo trong học phí, nâng cao mức học phí so với hiện hành không phải nhân tố quyết định đến sự lựa chọn của người học mà chất lượng giáo dục đào tạo mới giữ vai trò quyết định”, TS Giang nhận định.

Ý kiến của bạn

Bình luận