Theo TTXVN, trạm thu phí hoạt động nhằm để hoàn vốn cho Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Quốc lộ 2 đến xã Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32, đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (Phú Thọ).
Ông Đỗ Văn Duy - Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng - đại diện liên danh nhà đầu tư dự án cho biết: Với tổng mức đầu tư hơn 1.109 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 32 đến xã Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ xã Cổ Tiết đến cầu Trung Hà có tổng chiều dài 35,07 km.
Phần còn lại của dự án xây dựng công trình cầu Ngọc Tháp và tuyến nối Quốc lộ 2 - Quốc lộ 32 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh (điểm đầu giao với đường tỉnh lộ 315, điểm cuối giao với Quốc lộ 32 tại Km 79+400) có chiều dài 17,79 km, do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Hùng Thắng - Công ty CP Tasco là nhà đầu tư theo hình thức BOT. Trạm thu phí gồm 4 làn xe cơ giới; trong đó có hai làn xe quá khổ, với công nghệ một dừng và thu phí tự động.
Đoạn quốc lộ 32 này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2017. Trạm thu phí vận hành thử nghiệm từ ngày 19/1 đến hết ngày 4/3 và chính thức thu phí từ ngày 5/3. Dự kiến, thời gian thu phí hoàn vốn trong 20 năm. Các phương tiện sẽ phải nộp phí với mức từ 35 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng.
Hiện tại, trên các tuyến quốc lộ cả nước có 96 trạm thu phí đang và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó có 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Riêng tại Hà Nội, 19 trạm thu phí cũng đã xuất hiện ở hầu hết tuyến đường chính đi các tỉnh thành lân cận.
Thu phí các phương tiện thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường được xây dựng bằng hình thức BOT không phải là việc đáng bàn. Tuy nhiên, việc các dự án này thường kéo dài thời gian thu phí, thậm chí vượt quá thời gian cho phép đến gần 20 năm cũng như đưa ra mức phí cao hòng trục lợi khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.