Mục tiêu 80% trẻ em đội MBH cuối 2020 không xa vời

An toàn giao thông 27/09/2020 06:37

Đội MBH khi đi xe máy đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa giao thông tại Việt Nam với khoảng 90% người lớn tham gia giao thông chấp hành (thống kê đến tháng 01/2020). Tuy nhiên, để xóa đi hình ảnh trẻ em “đầu trần” lưu thông bằng xe máy thì cần tiếp tục đẩy mạnh những biện pháp toàn diện, hiệu lực và thực chất. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã chia sẻ về nỗ lực của các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc nâng cao tỷ lệ đội MBH ở trẻ em.


DSC05346

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia hướng dẫn các em nhỏ đội MBH đúng cách để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông

Thưa ông, nhiều năm trước, tình trạng người lớn đội MBH nghiêm chỉnh nhưng chở theo trẻ em không đội MBH khi lưu thông bằng xe máy diễn ra khá phổ biến. Đến nay, hình ảnh trẻ em “đầu trần” như trên giảm nhiều, nhưng nếu “đong đếm” bằng con số cụ thể thì thực trạng đang ở mức độ nào?

Có thể khẳng định, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã, đang và sẽ tiếp tục “dồn lực” trong việc tăng cường đội MBH cho trẻ em. Đây là một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất, bền bỉ nhất và hiệu quả cao của công tác đảm bảo trật tự ATGT xuyên suốt nhiều năm qua.

Đặc biệt, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và thống kê cho thấy, năm 2017 chỉ có 35% trẻ em (từ 6 - 15 tuổi) đội MBH khi tham gia giao thông, nhưng đến cuối năm 2019, con số này đã được nâng lên đến 70%. Chỉ thị 04 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra: “80% trẻ em đội MBH khi đi xe máy vào cuối năm 2020”, góp phần giảm thiểu thương vong do TNGT gây ra đối với trẻ em.

Tỷ lệ từ 35% năm 2017 đến 70% năm 2019 là một bước tiến lớn, có thể nói là gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn, qua đó đã thấy được sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị nói chung và những người làm công tác đảm bảo trật tự ATGT nói riêng. Xin ông cho biết, một trong những hành động mạnh mẽ nhất để đạt được sự chuyển biến này là gì?

Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp tổng thể, chiến lược và toàn diện. Nếu nói về một hành động tiêu biểu thì cần kể đến cuộc vận động trao MBH cho trẻ em. Trong đó, nổi bật nhất là Chương trình Trao tặng MBH cho học sinh lớp 1 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ” được triển khai từ năm 2018 đến nay với số lượng mũ khoảng 2 triệu chiếc được trao mỗi năm học. Đây là chương trình có quy mô rộng lớn và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đối tượng được nhận mũ là các em học sinh bước vào lớp 1, để từ đó các em sẽ hình thành ý thức tìm hiểu, học và chấp hành pháp luật ATGT ngay khi bắt đầu “cắp sách đến trường”. Chương trình này có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, mang tính hiệu lực, thực chất.

Minh chứng cụ thể là ngay trong năm đầu tiên triển khai chương trình này, cùng với chủ đề năm ATGT 2018 là “ATGT cho trẻ em” thì tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em giảm 11% so với năm 2017. Trong năm 2018, tỷ lệ đội MBH ở trẻ em tăng từ 35% lên 52%.

Điều đáng mừng là khi kết thúc hành trình “Giữ trọn ước mơ” năm học 2019 - 2020, khảo sát tỷ lệ đội MBH của trẻ em với quy mô lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại 63 tỉnh, thành vào tháng 01/2020 cho thấy, tỷ lệ đội MBH ở trẻ em đã đạt 70%, tăng 4% so với mục tiêu của Chương trình đề ra và tăng 18% so với tỷ lệ đội MBH ở trẻ em năm 2018. Đây là kết quả rất đáng mừng và cho thấy phần nào những hiệu quả trong việc nâng cao ý thức đội MBH cho trẻ em, giúp giảm thiểu chấn thương do TNGT ở trẻ nhỏ, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

Trong 3 năm qua đã có khoảng 6 triệu MBH chất lượng có thiết kế hấp dẫn với lứa tuổi trẻ em được trao tận tay các em học sinh lớp 1 trên phạm vi toàn quốc. Đây thật sự là một hoạt động có quy mô và ý nghĩa to lớn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao; được các em học sinh, phụ huynh đón nhận với tình cảm trân trọng và yêu thích, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao tỷ lệ đội MBH cho trẻ em.

Đó là minh chứng rõ nét cho những gì các cơ quan, đơn vị chức năng đã làm, song vẫn còn khá phổ biến trẻ em vùng nông thôn chưa đội MBH, vậy nguyên nhân do đâu dẫn tới thực trạng này, thưa ông?

Hiện nay, 20 tỉnh có tỷ lệ học sinh đội MBH còn thấp khi đạt dưới 66%. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm, thậm chí là có thái độ coi thường việc đội MBH cho con em mình khi chở các cháu bằng xe máy.

Mặt khác, còn nhiều giáo viên, những nhà quản lý giáo dục chưa thật sự quan tâm đến giáo dục, xây dựng văn hóa ATGT cho học sinh. Ở nhiều nơi, bản cam kết giữa gia đình và nhà trường về bảo đảm ATGT cho học sinh chỉ được ký một cách hình thức, bởi sau đó phía nhà trường hay giáo viên cũng không kiểm tra việc gia đình có thực hiện nghiêm túc những cam kết đó không. Đây chính là sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm của người lớn, người có trách nhiệm trước hiểm nguy đang rình rập, đe dọa sinh mạng của con em mình.

Mặc dù các bậc phụ huynh luôn sợ con bị nắng, bị mưa, bị bụi, bị điện giật... và bảo vệ con em mình bằng mọi cách, nhưng thực tế cái đáng sợ hơn cả là chấn thương vùng đầu khi TNGT thì chưa thật sự được chú ý từ những điều đơn giản nhất.

Có thể nói, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay vẫn là nâng cao nhận thức, sự tự giác và gương mẫu của các bậc phụ huynh về việc chấp hành đội MBH cho bản thân và cho con em mình khi tham gia giao thông, từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, kéo giảm TNGT và hạn chế hậu quả TNGT. Chính người lớn chúng ta sẽ thể hiện tình yêu thương bằng những hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này, bảo vệ những ước mơ của các em trên hành trình đi tới tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận